Tàu sân bay Thi Lang là “con mồi” hấp dẫn của tàu ngầm?

19/10/2011 07:43
Đông Bình (Theo Mil)
(GDVN) - Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng can dự tầm xa cho hải quân Trung Quốc, nhưng cũng dễ bị tiêu diệt.

Ngày 17/10, tuần san “Tin tức Quốc phòng” Mỹ đăng bài “Hải quân Trung Quốc chuẩn bị phát triển hướng ra biển xa”. Nội dung cơ bản như sau:

Gần đây, hải quân Trung Quốc bắt đầu chạy thử chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Varyag, hay Thi Lang. Sau khi cải tạo, chiếc tàu này sẽ trở thành tàu thử nghiệm và huấn luyện của hải quân Trung Quốc.

Tàu sân bay Thi Lang của hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Thi Lang của hải quân Trung Quốc

Việc chạy thử này tiếp tục đánh dấu Trung Quốc xây dựng lực lượng viễn dương hướng ra đại dương. Nó khiến cho rất nhiều nhà phân tích Mỹ cảm thấy ngạc nhiên. Họ từng có thái độ hoài nghi về việc Trung Quốc chế tạo tàu sân bay.

Một chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc gia Đại học Giao thông Thượng Hải nói, tàu sân bay mới sẽ tăng cường khả năng can dự tầm xa cho hải quân Trung Quốc, đồng thời sẽ thay thế mô hình cơ cấu lực lượng chỉ phụ thuộc vào tàu ngầm và tàu nổi.

Cho dù chưa có chiếc tàu sân bay này, lực lượng hải quân Trung Quốc cũng đã đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Tính năng của 60 tàu ngầm hải quân Trung Quốc còn thua kém tàu ngầm Nhật Bản
Tính năng của 60 tàu ngầm hải quân Trung Quốc còn thua kém tàu ngầm Nhật Bản

Trung Quốc có 60 tàu ngầm, 25 tàu khu trục và 45 tàu hộ tống cỡ nhỏ. Cái thiếu của Trung Quốc chính là khả năng vượt ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất, điều động lực lượng ra bên ngoài tuyến đường ven biển.

Sự nổi lên của hải quân Trung Quốc khiến cho khu vực này cảm thấy căng thẳng.

Giáo sư Học viện Quân sự Hải quân Mỹ Toshi Yoshihara cho biết: “Các nước Đông Nam Á nhỏ yếu chắc chắn sẽ lo ngại hơn. Nếu Trung Quốc cố gắng phô trương tàu sân bay của họ ở biển Đông trong tương lai, các nước ven bờ đó có lẽ không có biện pháp đáp trả đáng tin cậy”.

Tàu ngầm mới nhất của Nhật Bản
Tàu ngầm mới nhất của Nhật Bản

Nhưng, tàu sân bay của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các lực lượng hải quân mạnh truyền thống như Nhật Bản và Mỹ.

Toshi Yoshihara nói: “Các nhà chiến lược Nhật Bản cho rằng, tàu ngầm Nhật Bản có thừa khả năng đối phó với tàu sân bay Trung Quốc”.

Mọi người cảm thấy lo lắng về việc Trung Quốc sử dụng tàu sân bay khi đảo Đài Loan xảy ra biến cố. Trung Quốc có khoảng 400 máy bay chiến đấu có phạm vi tấn công vượt qua eo biển Đài Loan, nhưng chưa có khả năng tấn công phía đông đảo Đài Loan.

Nếu xảy ra xung đột, tàu sân bay của Trung Quốc được triển khai ở duyên hải phía đông có thể giúp Trung Quốc ngăn chặn những nỗ lực hỗ trợ Đài Loan của hải quân Mỹ.

Tàu ngầm động cơ diesel lớp Kilo của Nga sản xuất
Tàu ngầm động cơ diesel lớp Kilo của Nga sản xuất

Nhưng, chuyên gia phân tích vấn đề Trung Quốc của Viện nghiên cứu Chương trình 2049 Roger Cliff cho rằng, tàu sân bay Varyag chỉ có thể mang theo 40 máy bay, do đó đã hạn chế khả năng tấn công của nó.

Rất nhiều máy bay trong số đó sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra tác chiến trên biển để bảo vệ tàu sân bay, 20 máy bay còn lại trong ngày có thể điều động 40 lượt chiếc, thực hiện nhiệm vụ tác chiến.

Roger Cliff nói: “Xét tới việc Đài Loan có thể sẽ đối mặt với cuộc tấn công của trên 1.000 lượt chiếc máy bay/ngày của không quân Trung Quốc, chúng hoàn toàn không quan trọng”. Tàu sân bay của Trung Quốc sẽ là mục tiêu thu hút cùa tàu ngầm Mỹ.

Ông cho rằng, nếu Đài Loan có tình huống xảy ra, hải quân Trung Quốc “do lo ngại tàu sân bay sẽ bị tấn công, có thể sẽ để nó ở bến cảng, cách xa khu vực tác chiến”.

Tàu sân bay Thi Lang chỉ có tác dụng răn đe chính trị, chứ không phải quân sự. Khi eo biển Đài Loan có tình huống xảy ra, có lẽ Trung Quốc sẽ không dám điều động tàu sân bay Thi Lang tham gia tác chiến
Tàu sân bay Thi Lang chỉ có tác dụng răn đe chính trị, chứ không phải quân sự. Khi eo biển Đài Loan có tình huống xảy ra, có lẽ Trung Quốc sẽ không dám điều động tàu sân bay Thi Lang tham gia tác chiến

Để ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc không ngừng tăng lên, Việt Nam cũng đã mua 6 tàu ngầm động cơ diesel lớp Kilo của Nga.

Nhà nghiên cứu Karl Thayer của Viện nghiên cứu Sức mạnh Quốc phòng Australia cho biết: “Lực lượng tàu ngầm của Việt Nam sẽ tạo ra khả năng uy hiếp đáng tin cậy đối với tàu sân bay Trung Quốc, đặc biệt là nếu một chiếc tàu ngầm lớp Kilo trong số đó đã xuyên thủng tuyến phòng ngự của chiếc tàu sân bay này.

Nếu tàu sân bay Trung Quốc triển khai ở biển Đông, thì nó sẽ phát huy vai trò đe dọa về chính trị chứ không phải về quân sự”.

Trung Quốc cần ít nhất 3-4 tàu sân bay mới có thể triển khai các hành động tác chiến chính thức trên cơ sở tàu sân bay, thậm chí đến lúc đó, Mỹ vẫn dẫn trước Trung Quốc với 11 tàu sân bay.

Đông Bình (Theo Mil)