Telegraph: 5 lý do khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" không dễ bị đánh bại

16/09/2014 10:31
Nguyễn Hường
(GDVN) - Tờ Telegraph của Anh hôm 15/9 đã đăng tải bài viết chỉ ra 5 lý do khiến IS không dễ bị đánh bại.

Một liên minh quốc tế nhằm đánh bại mối đe dọa của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS hay ISIS) đang được hình thành. Mặc dù CIA ước tính IS có hàng ngàn tay súng, nhưng so với liên minh hùng mạnh trên thì vẫn có vẻ không cân sức. 

Tuy nhiên, việc đánh bại IS không phải là một điều đơn giản. Nguyên do là liên minh này đang phát triển không đầy đủ, vẫn còn nhiều mâu thuẫn và một chút thiếu trung thực. 

Khủng bố IS.
Khủng bố IS.

Thứ nhất, Telegraph cho rằng IS đang khai thác sự bất mãn của người Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq và Syria và thuyết phục cả những nhóm ủng hộ người Sunni để chiến đấu cho họ ở mức độ mà phương Tây đã không thể lường trước được. 

Chính IS đã kích động sự tức giận của các bộ lạc người Sunni ở Iraq nổi dậy chống lại chính phủ cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki. Ở nước láng giềng Syria, họ trang bị cho các nhóm phiến quân người Sunni đối lập chống lại các nhóm chiến binh khác và lực lượng chính phủ Damascus.

Thứ hai, nguồn lực của IS rất ấn tượng. Tổ chức này đang trả lương cho các tay súng chiến đấu cho chúng rất hậu hĩnh với sự tổ chức rất tốt. Hơn nữa, sự thiếu kiểm soát chặt chẽ biên giới với Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp IS dễ dàng tuyển mộ được các chiến binh, buôn lậu vũ khí, buôn lậu dầu. 

Phương Tây sẽ không hợp tác với Tổng thống Assad chống lại IS.
Phương Tây sẽ không hợp tác với Tổng thống Assad chống lại IS. 

Telegraph cho rằng Ankara đang quan tâm tới các mối đe dọa từ người Kurd và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad hơn là IS.

Thứ ba, phương Tây vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn và ưu tiên của họ trong kế hoạch chống lại tổ chức khủng bố IS. Họ đã từ chối hợp tác với chính quyền Assad trong cuộc chiến chống IS ở Syria, Iran cũng bị loại ra khỏi liên minh.

Ở Iraq, mâu thuẫn trong các đảng cầm quyền vẫn chưa thể giải quyết. Kỳ vọng tạo ra một chính phủ đoàn kết dân tộc để tập trung đối phó với mối đe dọa khủng bố vẫn chưa thể đạt được. 

Thứ tư, phản ứng quân sự của liên minh chống khủng bố vẫn còn rất bối rối. Các nước phương Tây không có ý định triển khai lực lượng mặt đất, nhưng quân đội Iraq là một mớ hỗn độn không có đủ khả năng. 

Các nước phương Tây không có ý định triển khai lực lượng mặt đất, nhưng quân đội Iraq là một mớ hỗn độn không có đủ khả năng.
Các nước phương Tây không có ý định triển khai lực lượng mặt đất, nhưng quân đội Iraq là một mớ hỗn độn không có đủ khả năng. 

Niềm hy vọng duy nhất của phương Tây là tìm ra một lực lượng có thể giúp chống lại IS hiệu quả trên mặt đất. Dân quân người Kurd đã được chọn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ dành cho lực lượng này sẽ làm chính quyền Baghdad không hài lòng vì người Kurd vẫn nuôi ý định thành lập nhà nước độc lập trên lãnh thổ của Iraq. 

Thêm vào đó, hoạt động của IS không cố định mà rất linh hoạt. Tổ chức khủng bố này có thể luân chuyển hoạt động từ Iraq, Syria, Jordan đến các thành phố ở phương Tây một cách dễ dàng. Iran được đánh giá là có thể lấp đầy khoảng trống của hoạt động chống IS tại Syria và Iraq, nhưng rất tiếc, phương Tây đã từ chối hợp tác với họ.

Thứ năm, nếu IS không bị tiêu diệt triệt để, nó rất dễ sống lại. IS không phải là một tổ chức hoàn toàn biệt lập mà nó là phần mở rộng của các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới như al-Qaeda, khủng bố vùng Vịnh, Taliban, tình báo Pakistan, các nhóm Hồi giáo cực đoan đường phố ở châu Âu, thậm chí là cả tổ chức Anh em Hồi giáo... IS có thể bị giải tán, nhưng chủ nghĩa cực đoan của nó vẫn sẽ còn tồn tại./.

Nguyễn Hường