TQ đang toan tính lập khu nhận biết PK, sẽ liên quan đến Vịnh Bắc Bộ?

06/11/2013 10:51
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản không ngừng tăng cường năng lực cảnh giới Khu nhận biết phòng không, TQ không phủ nhận có thiết lập khu nhận biết tương tự hay không.
Khu nhận biết phòng không Nhật Bản cách bờ biển Trung Quốc gần nhất 130 km.
Khu nhận biết phòng không Nhật Bản cách bờ biển Trung Quốc gần nhất 130 km.

Cách Chiết Giang chỉ 150 km, bao trùm mỏ dầu Xuân Hiểu

Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố ngày 9 tháng 10 cho biết, nửa đầu năm 2013, số lần cất cánh khẩn cấp của máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản là 308 lần, trong đó số lần ứng phó với máy bay Trung Quốc là nhiều nhất, 149 lần, lần đầu tiên đã vượt số lần ứng phó với máy bay Nga.

Tháng 1 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố, có thể tiến hành bắn cảnh báo (pháo sáng) đối với máy bay Trung Quốc. Tháng 9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản lại tuyên bố, nếu như máy bay không người lái Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản, Nhật Bản sẽ cân nhắc bắn rơi.

Theo bài báo, "Khu nhận biết phòng không" do Nhật Bản xác định lớn hơn nhiều so với diện tích lãnh thổ của Nhật Bản, bao trùm lên mỏ dầu Xuân Hiểu của Trung Quốc và đảo Senkaku.

Nhật Bản liên tục mở rộng "Khu nhận biết phòng không"

Theo bài báo, sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, Mỹ đã xác định "Khu nhận biết phòng không" xung quanh Nhật Bản, do quân Mỹ đóng tại Nhật Bản kiểm soát, mãi đến năm 1969, để thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, Nixon rút lui chiến lược ở châu Á, hạ lệnh cho quân Mỹ đồn trú tại Nhật chuyển quyền này cho Nhật Bản.

Ví trí mỏ dầu khí của Trung Quốc
Ví trí mỏ dầu khí của Trung Quốc

Phó trưởng phòng nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Dương Bá Giang tiết lộ, sau khi chuyển giao năm 1969, Nhật Bản không ngừng mở rộng ""Khu nhận biết phòng không" của họ. Lần thứ nhất vào tháng 5 năm 1972, lần thứ hai vào năm 2010, mở rộng nó sang hướng tây, hướng Trung Quốc.

Nhật Bản cho rằng, "Khu nhận biết phòng không" là do Mỹ chuyển giao cho họ, nhưng ông Dương Bá Giang cho rằng, Nhật Bản đã vạch ra "Khu nhận biết phòng không" đến cửa nhà nước khác (Trung Quốc), việc xác định khu nhận biết như vậy là "mang tính tùy tiện, không hợp lý và phi pháp".

Để theo dõi có hiệu quả "Khu nhận biết phòng không", Nhật Bản tiêu tốn rất nhiều nhân lực, vật lực, sử dụng các loại thủ đoạn công nghệ, tiến hành do thám tổng hợp đối với các thiết bị bay (máy bay, tên lửa…) không rõ trong khu vực.

Theo quy định của Điều 84 Luật Lực lượng Phòng vệ, đối với các mục tiêu khả nghi xâm nhập "Khu nhận biết phòng không" và không phận Nhật Bản, Nhật Bản sẽ bước vào trình tự cảnh báo dưới đây - radar dò tìm, tính toán đường bay, khẩn cấp kêu gọi, máy bay chiến đấu khẩn cấp cất cánh bay lên, máy bay chiến đấu phát đi lời cảnh cáo vô tuyến điện, máy bay chiến đấu lắc lư cánh để cảnh cáo, yêu cầu hạ cánh, bắn cảnh cáo đạn tín hiệu. Một khi máy bay, lãnh thổ, tàu thuyền trên biển của Nhật Bản bị đối phương tấn công, Lực lượng Phòng vệ sẽ phát động tác chiến phòng vệ.

Máy bay chiến đấu F-4EJ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-4EJ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Trung Quốc và Nga chưa từng thừa nhận "Khu nhận biết phòng không"

Thiếu tướng hải quân Trương Triệu Trung, nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng: "Khu nhận biết phòng không này dù sao cũng không phải là không phận, Trung Quốc, Nga chưa từng thừa nhận".

"Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở lãnh hải đảo Senkaku, đó là lãnh hải, không phận của Trung Quốc, không có liên quan đến Nhật Bản. Ở biển Hoa Đông, vùng trời ngoài lãnh hải Okinawa Nhật Bản, máy bay Trung Quốc có thể bay tùy ý, hoàn toàn hợp pháp".

Trương Triệu Trung cho rằng, dựa vào quan điểm của Nhật Bản, nếu máy bay Trung Quốc xâm nhập bầu trời đảo Senkaku, Nhật Bản sẽ điều động khẩn cấp 4 máy bay chiến đấu F-4EJ đánh chặn.

Trong đó, có một máy bay Tu-16 tiếp tục áp sát và xâm nhập không phận đảo Tokuno và Okinawa. Máy bay F-4EJ theo sau bắn đạn pháo sáng, thúc đẩy máy bay do Liên Xô chế tạo quay đầu trở về, hoàn toàn không thực sự khai hỏa tấn công.

Nhưng, theo Dương Bá Giang, tuy trước đây Nhật Bản tương đối thận trọng trong việc sử dụng vũ lực, nhưng hiện nay chiến lược quân sự của Nhật Bản đang trải qua một bước ngoặt lớn, đặc biệt là uỷ quyền cho cơ sở, tương đối "gây lo ngại". Hai năm gần đây, Nhật Bản đã uỷ quyền cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển, tăng thêm quyền lực cho quan chức chỉ huy tiền phương.

Máy bay ném bom H-6 của Hải quân Trung Quốc, do Nhật Bản chụp được.
Máy bay ném bom H-6 của Hải quân Trung Quốc, do Nhật Bản chụp được.

Dương Bá Giang cho rằng: "Trong bối cảnh này, nếu thiết bị bay (máy bay) nước ngoài xâm nhập "Khu nhận biết phòng không", đồng thời trong tay người chỉ huy tiền phương của Nhật Bản lại có quyền xử trí, thì nguy cơ xảy ra xung đột bất ngờ tăng lên". Xu thế này gây lo ngại cho Trung Quốc.

Trung Quốc cũng muốn thiết lập "Khu nhận biết phòng không"?

Tờ "Phương Đông" dẫn tờ tạp chí "Kanwa Defense Review" Canada gần đây cho biết, Quân đội Trung Quốc đang bàn thảo khả năng lập ra "Khu nhận biết phòng không" ở duyên hải Trung Quốc, một khi máy bay quân sự của các nước có liên quan xâm nhập khu vực này, Trung Quốc có thể tiến hành đánh chặn, đáp trả có hiệu quả.

Bài báo cho rằng, hai năm gần đây, Mỹ và Nhật Bản đã gia tăng hoạt động bay quân sự ở xung quanh Trung Quốc. Trung Quốc xác định rõ "Khu nhận biết phòng không" của họ, có nghĩa là Trung Quốc sẽ từng bước gia tăng tần suất hoạt động và tự do hành động ở vùng biển, vùng trời tranh chấp, đồng thời có tác dụng "phòng ngừa" đối với "Khu nhận biết phòng không" của Nhật Bản.

Ngày 31 tháng 10, trong cuộc họp báo thường lệ, khi được hỏi Quân đội Trung Quốc phải chăng xem xét thiết lập "Khu nhận biết phòng không", Bộ Quốc phòng Trung Quốc không hề tiến hành phủ nhận.

Ngày 9 tháng 9 năm 2013, máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập Khu nhận biết phòng không của Nhật Bản.
Ngày 9 tháng 9 năm 2013, máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập Khu nhận biết phòng không của Nhật Bản.

Từ khi tranh chấp đảo Senkaku nóng lên vào mùa thu năm 2012, "Khu nhận biết phòng không" luôn là một từ ngữ được truyền thông Nhật Bản sử dụng phổ biến. Cuối tháng trước, nhiều tốp máy bay quân sự Trung Quốc bay qua chuỗi đảo thứ nhất, tiến ra Tây Thái Bình Dương huấn luyện.

Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản lo ngại những máy bay này có thể xâm nhập "Khu vực nhận biết phòng không" của họ, điều máy bay quân sự tiến hành bám theo, chụp ảnh ở cự ly gần. Sự việc tương tự sớm đã như cơm bữa.

Theo đó, nếu Trung Quốc thiết lập "Khu nhận biết phòng không" sẽ có giá trị và ý nghĩa gì đối với việc "bảo vệ an ninh lãnh thổ và chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc?".

Trong cuộc họp báo thường lệ của Bộ Quốc phòng ngày 31 tháng 10, về việc thiết lập Khu nhận biết phòng không, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Dương Vũ Quân cho biết: "Vấn đề này có liên quan đến an ninh trên không của Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc đương nhiên cũng có lực lượng hàng không, luôn duy trì trạng thái cảnh giới rất cao, thực hiện có hiệu quả chức trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh trên không của quốc gia, sẽ kịp thời áp dụng các biện pháp xử trí tương ứng nhằm vào các loại mối đe dọa an ninh trên không".

Trong tình hình bình thường, nếu có máy bay xâm nhập Khu nhận biết phòng không của một nước, nước đó có thể áp dụng biện pháp giám sát thậm chí đuổi ra xa, trong đó có các thủ đoạn xua đuổi vũ lực như cảnh cáo vô tuyến điện, máy bay chiến đấu bám theo theo dõi, hệ thống tên lửa phòng không khởi động cảnh giới, thậm chí bắn cảnh báo.

Biên đội máy bay chiến đấu F-15 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Biên đội máy bay chiến đấu F-15 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Trong nội bộ Quân đội Trung Quốc, thực sự có tiếng nói kêu gọi thiết lập Khu nhận biết phòng không. Giáo sư, Đại tá Lương Phương, Ban Chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Quốc kiến nghị, nhanh chóng xác định và tuyên bố "Khu nhận biết phòng không" của Trung Quốc.

Lương Phương cho rằng: "Nhật Bản đơn phương vạch ra Khu nhận biết phòng không, cách đường bờ biển của họ xa tới 100-600 km, nơi xa nhất cách bờ biển tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) chỉ 130 km, không chỉ đã bao trùm lên đảo Senkaku, mà còn vượt qua "tuyến trung gian" trên biển Hoa Đông do Nhật Bản chủ trương, bao trùm lên toàn bộ các mỏ dầu khí của Trung Quốc như mỏ Xuân Hiểu". Theo đó, Lương Phương cho rằng, "Khu nhận biết phòng không" của Nhật Bản đã trở thành "pháo đài bay" xâm phạm chủ quyền lãnh hải, không phận của Trung Quốc.

Lương Phương kêu gọi: "Vì vậy, Trung Quốc cần nhanh chóng thiết lập Khu nhận biết phòng không của mình, công bố với bên ngoài, đưa ra cảnh cáo, theo dõi, xua đuổi đối với máy bay chiến đấu nước khác khi nó xâm nhập, khi phát hiện đối phương có ý đồ thì hoàn toàn có quyền bắn rơi chúng". Chỉ có như vậy mới có thể bảo vệ tốt hơn "an ninh không phận và quyền lợi biển của mình".

Năm 2012, máy bay hải giám Trung Quốc từng xâm nhập không phận đảo Senkaku
Năm 2012, máy bay hải giám Trung Quốc từng xâm nhập không phận đảo Senkaku

Bài báo suy đoán, ý định của Trung Quốc đối với Khu nhận biết phòng không là, vạch ra vùng trời xung quanh vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, ở những vùng biển tương đối nhỏ hẹp này, như biển Hoàng Hải, vịnh Bắc Bộ sẽ lấy tuyến trung gian là cơ sở mở rộng ra bên ngoài. Diện tích của nó sẽ tăng 10-12 lần so với diện tích lãnh hải, vùng trời của Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là, "Khu nhận biết phòng không" của hai nước Trung Quốc, Nhật Bản chắc chắn sẽ chồng lấn lên nhau một phần, cơ hội tiếp cận, va chạm với máy bay quân sự Nhật Bản sẽ tăng mạnh.

Chuyên gia không quân Tống Tâm Chi cho rằng, lợi ích lớn nhất từ việc thiết lập "Khu nhận biết phòng không" của Trung Quốc chính là "thúc giục" Quân đội Trung Quốc nâng cao mức độ phòng không của họ. "Sau khi công bố Khu nhận biết phòng không, chúng ta (Trung Quốc) đã có căn cứ pháp lý rõ ràng. Khi máy bay Trung Quốc tuần tra ở xung quanh đảo Senkaku, sẽ có được tính hợp pháp mạnh hơn". "Một khi máy bay quân sự của nước có liên quan xâm nhập khu vực này, lực lượng hàng không của Hải, Không quân Trung Quốc có thể ngăn chặn có hiệu quả hoạt động trinh sát trên không của Mỹ, Nhật, bảo vệ bí mật quân sự của Trung Quốc".

Máy bay tuần tra Nhật Bản
Máy bay tuần tra Nhật Bản

Hơn nữa, có thể qua đó làm rõ một phần chức trách Không, Hải quân Trung Quốc ở duyên hải, ven bờ. "Trước đây, Hải quân, Không quân Trung Quốc tự vạch ra phạm vi cho mình để điều máy bay cất cánh khi cần thiết, phương thức và tốc độ phản ứng không rõ ràng lắm.

Một khi vạch ra phạm vi chức trách của từng lực lượng như lực lượng hàng không Không quân, lực lượng hàng không Hải quân, lực lượng phòng không Không quân, có thể ngăn chặn việc tranh luận và phán đoán nhầm, hành động cảnh giới, theo dõi, kiểm soát sẽ có hiệu quả cao hơn".

"Hiện đại hóa sự nghiệp quốc phòng luôn là động lực thúc đẩy nhu cầu hiện có, sẽ thúc đẩy nâng cao năng lực. Một khi vạch ra Khu nhận biết phòng không, có thể thúc đẩy sức chiến đấu của hệ thống phòng không Quân đội Trung Quốc".

Tống Tâm Chi cho rằng, sau khi xác định rõ Khu nhận biết phòng không, để làm cho nó "hữu danh hữu thực", chắc chắn phải đối diện vói việc theo dõi, kiểm soát và đánh chặn ở cường độ cao. "Nếu nó được tiến hành lâu dài, chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cảnh báo sớm, phối hợp năng lực tổ chức phòng không của Hải, Không quân Trung Quốc, nâng cao có hiệu quả trình độ phòng không của Quân đội Trung Quốc".


Đông Bình