Trung-Mỹ "nói chứ không đánh" để giữ ổn định tình hình Biển Đông

01/11/2015 12:56
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ xuất phát từ lợi ích tự thân và đại diện cho các đồng minh và đối tác ở châu Á để hành động. Để giữ lấy danh dự và vị thế, Mỹ có thể sẽ không nhượng bộ.

Tờ "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông ngày 1 tháng 11 có bài viết về vấn đề Biển Đông. Báo Giáo dục xin đăng lại toàn bộ nội dung để độc giả tham khảo:

Tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ vừa tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông
Tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ vừa tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông

Con đường ngoại giao là "phương thức sáng suốt duy nhất" để hòa giải tranh chấp. Mỹ quyết định điều quân đến Biển Đông để thể hiện lập trường, vừa có "tính khiêu khích" (yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc) vừa có thể làm "lợn lành thành lợn què" (?).

Vào thứ Ba vừa qua, tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ đã đi vào phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông, chắc chắn sẽ "làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng khu vực".

Nếu sự kiện này tiếp tục tái diễn, phương thức giải quyết sáng suốt bị coi thường, có thể tiếp tục gây ra sự cố "bất hạnh". Trước đây, chính loại sự cố này đã gây ra các loại khủng hoảng.

Trước đây, Mỹ từng lấy tư thế cứng rắn như vậy để thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 29 tháng 10 năm 2015, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ điện đàm
Ngày 29 tháng 10 năm 2015, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ điện đàm

Mặc dù hai bên tuyên bố cứng rắn, nhưng đều cố gắng tránh làm trầm trọng hơn bầu không khí căng thẳng. Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, John Richardson vừa tiến hành hội nghị video.

Phản ứng của Trung Quốc đối với hành động của Mỹ tương đối "kiềm chế": Quân đội Trung Quốc điều 2 tàu chiến bám theo, theo dõi, kiểm soát. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh cáo Mỹ "không được cố tình gây chuyện".

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại triệu kiến Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc để phản đối.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng cho rằng, hành động tự do đi lại có nghĩa là căn cứ vào quyền lợi mà luật pháp quốc tế trao cho các nước, bảo đảm sử dụng hợp pháp quyền lợi và tự do trên biển, trên không.

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông

Mỹ xuất phát từ lợi ích tự thân và đại diện cho các đồng minh và đối tác ở châu Á để hành động. Trung Quốc nhấn mạnh, về lịch sử, "hầu hết khu vực Biển Đông thuộc sở hữu của Trung Quốc".

Những năm gần đây, dư luận quốc tế cho rằng, lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này ngày càng cứng rắn, khiến cho Philippines, Việt Nam và Malaysia bất mãn. Những nước này đều có chủ trương chủ quyền đối với các đảo ở khu vực này.

Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc luôn tiếp tục khẳng định "việc lấn biển, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông sẽ không ảnh hưởng đến tuyến đường thương mại", nhưng tiến hành xây dựng công trình ở các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) vẫn bị coi là hành động bành trướng (Trung Quốc không có chủ quyền thì đương nhiên bị lên án mạnh mẽ như vậy).

Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành nhiều hành động tương tự hơn ở trên biển, trên không khu vực Biển Đông.

Lực lượng đường không và chi đội tàu khu trục Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập đối kháng thực binh bắn đạn thật trong thời điểm Mỹ điều tàu chiến đến tuần tra Biển Đông
Lực lượng đường không và chi đội tàu khu trục Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập đối kháng thực binh bắn đạn thật trong thời điểm Mỹ điều tàu chiến đến tuần tra Biển Đông

Nhưng, trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2009,  quan hệ Trung-Mỹ sở dĩ trượt dốc chính là do hành động của tàu trinh sát và tàu chiến Mỹ gây ra.

Sau đó, hai nước ký kết nhiều thỏa thuận để ngăn ngừa xảy ra đối đầu, một thỏa thuận gần đây được ký kết trước chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhưng hành động điều tàu chiến đến Biển Đông của Mỹ đã coi thường những thỏa thuận này và tình hình cải thiện của quan hệ hải quân Trung-Mỹ.

Để giữ lấy danh dự và vị thế, Mỹ có thể sẽ không nhượng bộ. Nhưng, hành động quân sự của họ có khả năng xuất hiện "phán đoán nhầm" (ý chỉ các đồng minh và đối tác của Mỹ). Muốn duy trì sự ổn định của tình hình, hội đàm cấp cao là "con đường khả thi duy nhất", chứ không phải tiến hành các hành vi "khiêu khích".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama để tìm cách thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama để tìm cách thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông?

Tháng tới sẽ có cơ hội hội đàm: Hội nghị thượng đỉnh G-20 do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức và Hội nghị cấp cao APEC tổ chức ở Manila. Hai cơ hội này đều không nên bị coi nhẹ.

Đông Bình