TÂN HOA XÃ - TRUNG QUỐC:

Trung Quốc chỉ cần 1 chiếc tàu ngầm đã có thể uy hiếp cả châu Âu-Mỹ?

14/04/2012 16:28
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - “Bắc Cực là đầu mối trọng yếu kết nối các đại dương. Chỉ cần 1 tàu ngầm hạt nhân ở Bắc Cực, Trung Quốc sẽ uy hiếp Nga, châu Âu và Mỹ”.
Tàu ngầm hạt nhân 093 của Hải quân Trung Quốc tuần tra trên biển.
Tàu ngầm hạt nhân 093 của Hải quân Trung Quốc tuần tra trên biển.

Tân Hoa xã dẫn bài viết từ một tờ tuần san Pháp ngày 9/4 cho rằng, nếu Trung Quốc triển khai một tàu ngầm hạt nhân ở Bắc Cực sẽ có thể tạo ra mối đe dọa cho châu Âu, Nga và Mỹ.

Báo chí nước ngoài cho rằng, Bắc Cực, về truyền thống, là khu vực do Mỹ, Canada và Nga kiểm soát, hiện đang trở thành nơi cạnh tranh mới của cường quốc mới nổi Trung Quốc.

Bắc Kinh ngày càng gia tăng sự quan tâm tới khu vực Bắc Cực, nơi mà sau khi băng tan có thể mở ra những cơ hội thương mại và chiến lược.

Một chuyên gia quân sự làm việc tại Bắc Kinh cho biết: “Bắc Cực là đầu mối trọng yếu kết nối các đại dương. Nếu Trung Quốc triển khai một chiếc tàu ngầm hạt nhân ở Bắc Cực, sẽ có thể tạo ra mối đe dọa cho châu Âu, Nga và Mỹ”.

Bài báo viết, tàu khảo sát khoa học Tuyết Long không đáp ứng được tham vọng của Trung Quốc. Ngày 8/4, Văn phòng Khảo sát Cực địa của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tuyên bố với bên ngoài rằng, Trung Quốc sẽ chế tạo một tàu phá băng, khảo sát khoa học cực địa tiên tiến hơn.

Được biết, chiếc tàu phá băng đóng mới này có lượng choán nước là 8.000 tấn, khả năng chạy liên tục là 20.000 hải lý, thời gian 60 ngày, có thể phá băng dày không dưới 1,5 m, đồng thời sẽ trang bị máy bay trực thăng. Tàu phá băng mới có kế hoạch hạ thủy vào năm 2014.

Tàu khảo sát khoa học Tuyết Long của Trung Quốc.
Tàu khảo sát khoa học Tuyết Long của Trung Quốc.

Báo chí nước ngoài cho rằng, tuyến đường hàng hải từ Thượng Hải đến Hamburg, nếu chạy theo đường eo biển Bering, lộ trình của nó sẽ tương tự như đi qua Ấn Độ Dương hiện nay.

Tuyến đường hàng hải truyền thống của kênh đào Suez rút ngắn được 6.400 km. Đối với nước xuất khẩu số 1 thế giới như Trung Quốc, đây là một lợi ích rất rõ ràng.

Huống hồ, lựa chọn tuyến đường hàng hải mới này còn có thể giúp cho hàng hóa Trung Quốc tránh bị tấn công bởi cướp biển ở các khu vực eo biển Malacca, vịnh Aden.

Báo chí nước ngoài cho rằng, khu vực Bắc Cực còn có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, thu hút sự chú ý đặc biệt của Trung Quốc. Ngoài việc cử tàu khảo sát và chế tạo tàu phá băng, từ năm 2004, Trung Quốc đã sở hữu cơ sở nghiên cứu lớn ở trên quần đảo Svalbard của Na Uy.

Năm 2009, Trung Quốc lần đầu tiên đăng ký trở thành nước quan sát thường trực của Hội đồng Bắc Cực, nhưng bị từ chối, đến nay Trung Quốc lại tiếp tục đưa ra lời đề nghị này.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ - Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ - Hải quân Trung Quốc.
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)