Trung Quốc dùng nhiều tên lửa để đối phó với vũ khí Mỹ

06/08/2011 00:34
(GDVN) – Quân đội Trung Quốc còn rất “yếu” về quân sự, lấy tên lửa làm trung tâm cho chiến lược.

(GDVN) – Quân đội Trung Quốc còn rất “yếu” về quân sự, lấy tên lửa làm trung tâm cho chiến lược, có khả năng đáp trả yếu ớt khi đối phó với Mỹ.

Tạp chí "Connection" Mỹ ngày 27/7 đã đăng một bài báo cho biết, mặc dù Trung Quốc đã khoe nguyên mẫu máy bay chiến đấu tàng hình và rất nhiều vũ khí trang bị mới, nhưng nhiều người cho rằng Trung Quốc vẫn “yếu” về quân sự, nhất là so với Mỹ.

 

Sách lược ứng phó của Trung Quốc là sử dụng tên lửa nhiều hơn để lấp sự thiếu hụt tương đối của họ. Trung Quốc chuẩn bị mua tất cả các loại tên lửa: tên lửa tầm ngắn và tên lửa tầm xa; tên lửa mặt đất, tên lửa trên không, tên lửa tàu ngầm; tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình; tên lửa dẫn đường và tên lửa không dẫn.

Andrew Eriksson là một nhà phân tích của Hải quân Mỹ, rất có ảnh hưởng trong nghiên cứu vấn đề Trung Quốc, ông đã đề cập đến 2 chủ đề gây chú ý trong cuốn sách “Chinese Aerospace Power”. Trong cuốn sách đề cập, quân đội Trung Quốc (PLA) hiện có 2.000 quả tên lửa thông thường và tên lửa hành trình.

Cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyên gia quân sự Mark Stokes và nhà nghiên cứu “Viện Nghiên cứu Chương trình 2049” (Project 2049 Institute) ở Washington, chuyên gia vấn đề quân sự Trung Quốc là Ian Easton cho rằng, độ chính xác tấn công của tên lửa Trung Quốc đang tăng lên, tên lửa hành trình thông thường có khả năng sát thương và tàn phá lớn hơn đã nhanh chóng trở thành nền tảng cho khả năng tấn công của PLA.

Tên lửa Đông Phong-21D xuất hiện trong Lễ duyệt binh kỷ nhiệm ngày Quốc khánh Trung Quốc năm 2009.
Tên lửa Đông Phong-21D xuất hiện trong Lễ duyệt binh kỷ nhiệm ngày
Quốc khánh Trung Quốc năm 2009.

Tên lửa giúp cho PLA khắc phục sự lạc hậu về các loại vũ khí của họ so với Lầu Năm Góc. Họ có nhu cầu rất rõ ràng. Mặc dù những năm qua, PLA đã “khoe” nhiều loại trang bị mới như máy bay chiến đấu phản lực, máy bay trực thăng, tàu khu trục, tàu ngầm và tàu sân bay đang được cải tạo, nhưng Trung Quốc vẫn thiếu rất nhiều hệ thống, tổ chức và trình tự nền tảng để đánh bại một kẻ địch mạnh, có trang bị tốt.

Bài báo cho biết, lấy tiếp dầu trên không làm ví dụ; triển khai lượng lớn máy bay tiếp dầu trên không có hiệu quả cao đòi hỏi phải chế tạo được động cơ cỡ lớn, mà Trung Quốc thì chưa làm được điều này. Vì vậy, một quan chức của Trung tâm Tình báo Hàng không vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASIC) là Wayne Ulman cho rằng, PLA không có đủ số lượng máy bay tiếp dầu, nên tác dụng của chúng rất thấp.

"Chinese Air Power" cho biết, PLA chỉ có 15 máy bay tiếp dầu H-6U, mỗi chiếc có thể mang theo 17 tấn dầu; còn không quân Mỹ sở hữu tới hơn 500 máy bay tiếp dầu trên không, lượng tải dầu của mỗi chiếc lên tới khoảng 100 tấn.

Về lý thuyết, PLA có trên 1.500 máy bay chiến đấu phản lực, nhưng trên thực tế, cho dù trong tình hình tất cả các máy bay tiếp dầu H-6 đều hoạt động tốt, thì mỗi lần chúng cũng chỉ có thể tiếp dầu cho khoảng 50 – 60 máy bay chiến đấu.

PLA sẽ giải quyết vấn đề này thế nào? Đó chính là tên lửa. Họ sẽ sử dụng đến hàng nghìn quả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, phần lớn những tên lửa này đều phóng trên mặt đất. Điều này có thể tạo ra khả năng tấn công mở đường đối với Đài Loan và các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương, nó rất có thể sẽ phá hủy nhiều máy bay của đối phương khi chiến tranh bắt đầu.

Bài báo nhận định, PLA có thể áp dụng cách thức tương tự để bù đắp thế yếu trên biển của họ. Đối với nhiều nước, tàu ngầm là sát thủ tàu chiến có hiệu quả nhất. Nhưng số lượng tàu ngầm của Trung Quốc quá ít, tiếng ồn lại quá lớn, thủy thủ thì không có thao tác thành thục như quân Mỹ. Một khi chiến tranh xảy ra, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc có thể rất yếu.

Tên lửa hành trình mặt đất (Lục quân) của PLA.
Tên lửa hành trình mặt đất (Lục quân) của PLA.

Bài báo cho rằng, hãy quên việc sử dụng máy bay chiến đấu mang theo vũ khí tầm ngắn để tấn công hải quân Mỹ đi. Một chuyên gia vấn đề Trung Quốc đánh giá, phá hủy một tàu tuần dương lớp Ticonderoga cần hàng loạt máy bay chiến đấu như Su-27, mà hải quân Mỹ sở hữu 22 chiếc tàu tuần dương Ticonderoga.

Một lần nữa, để bù đắp sự thiếu hụt này vẫn là tên lửa. Hàng chục hoặc hàng trăm quả tên lửa đạn đạo tấn công sẽ nhanh chóng làm cho hệ thống phòng không của tàu tuần dương lớp Ticonderoga mất hiệu lực.

Nếu ở khá gần bờ biển của họ, Trung Quốc có thể sử dụng tên lửa tầm ngắn cũ có độ chính xác không cao để tấn công, Trung Quốc hiện sở hữu lượng lớn loại tên lửa này. Còn đối với tấn công tầm xa, PLA đang phát triển tên lửa “sát thủ tàu sân bay” Đông Phong-21D, tên lửa này cần sử dụng vệ tinh và máy bay không người lái để tiến hành định vị mục tiêu chính xác.

Cuối cùng, bài báo đã chỉ ra điều bất lợi của chiến lược lấy tên lửa làm trung tâm của Trung Quốc: Quá phụ thuộc vào loại vũ khí này có thể làm cho PLA áp dụng các biện pháp đáp trả rất yếu ớt. Trong tình hình đó, biện pháp đáp trả của Lầu Năm Góc chính là tên lửa Standard-3 trang bị cho tàu sân bay, tên lửa Patriot của Lục quân và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ngoài ra, tên lửa chỉ có thể phóng một lần, không thể sử dụng nhiều lần như máy bay chiến đấu hoặc tàu khu trục. Trong thời chiến, điều này có nghĩa là Trung Quốc cần phải tốc thắng, nếu không sẽ thất bại.

Chẳng hạn, toàn bộ tên lửa thông thường của Trung Quốc chỉ có thể mang theo 1.000 tấn thuốc nổ hướng tới mục tiêu tấn công. Trong khi đó, máy bay của không quân Mỹ mỗi ngày có thể mang theo số lượng thuốc nổ gấp mấy lần như vậy, hơn nữa thời gian không hạn chế.

{iarelatednews articleid='9656,9613,9515,9245,9292,9315,9313,9256,9248,9122,8903,7881,8952,8940,8894,8833,8840'}

Đông Bình (Theo Mil)

Trung Quốc dùng nhiều tên lửa để đối phó với vũ khí Mỹ ảnh 4