Vì sao nhiều trường học sốt sắng vận động phụ huynh đăng ký sổ liên lạc điện tử?

05/11/2019 06:46
Phan Tuyết
(GDVN) - Vì sao nhà trường lại cứ kiên quyết bắt giáo viên tìm mọi cách để buộc phụ huynh phải đăng ký dịch vụ tin nhắn điện tử? Phải chăng vì món hoa hồng hấp dẫn kia?
Bảng chiết khấu hoa hồng cho các bộ phận trong nhà trường khi cho phụ huynh đăng ký dùng sổ liên lạc điện tử (Ảnh CTV)
Bảng chiết khấu hoa hồng cho các bộ phận trong nhà trường khi cho phụ huynh đăng ký dùng sổ liên lạc điện tử (Ảnh CTV)

Sổ liên lạc điện tử là hình thức gửi tin nhắn SMS về điểm số, kết quả học tập, rèn luyện, sức khỏe của học sinh hàng ngày tại trường.

Hiện nay, không ít trường học trong cả nước đang khuyến khích phụ huynh đăng ký dịch vụ này.

Điều đáng nói là, sau một thời gian sử dụng không ít phụ huynh cho rằng những tin nhắn nhận được chẳng hề thiết thực nên không muốn đăng ký.

Thế nhưng vì sức ép vô hình của một số giáo viên chủ nhiệm, nhiều phụ huynh không thể từ chối nên buộc lòng buông xuôi, tặc lưỡi “ai sao mình vậy” để mua sự bình yên cho con cái của mình.

Sử dụng sổ liên lạc điện tử cho học sinh, phụ huynh và nhà trường sẽ được gì?

Vì sao nhiều trường học sốt sắng vận động phụ huynh đăng ký sổ liên lạc điện tử? ảnh 2
Loạn giá Sổ liên lạc điện tử, phụ huynh có nhất thiết phải mua không?

Theo quy định, sử dụng sổ liên lạc điện tử một năm sẽ có 90 tin nhắn.

Nội dung những tin nhắn này chủ yếu là thông báo điểm 15 phút, 1 tiết, kiểm tra định kỳ, cuối năm và kết quả xếp loại học lực…

Hoặc thông báo nhận xét các môn học đạt được của học sinh tiểu học.

Một số phụ huynh có con học lực yếu, hay giấu điểm số với bố mẹ thì việc nhận được những tin nhắn kiểu này cũng giúp cho cha mẹ hiểu rõ hơn lực học của các con ở trường.

Từ đó, gia đình sẽ có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em nhiều hơn trong học tập.

Ngược lại, số đông phụ huynh lại cho rằng, những tin nhắn kiểu ấy họ cũng chẳng thấy lợi gì vì có em rất thành thật khi vừa thi xong đã về nhà nói cho ba mẹ biết về việc làm bài của mình được hay không.

Có em khi có kết quả về điểm số hay học lực đã về báo ngay cho gia đình và chưa bao giờ giấu cha mẹ việc gì trên trường.

Vì thế, không ít phụ huynh cho rằng những tin nhắn như thế rất thừa đối với họ.

Thế nhưng không phải không cần thiết là phụ huynh có quyền muốn đăng ký dịch vụ này hay không? Có những tình huống khá nhạy cảm mà không thể không đăng ký được.

Đó là việc, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, danh sách đăng ký sổ liên lạc điện tử đã được giáo viên đánh máy sẵn họ tên học sinh trong lớp và chuyền đến tay từng phụ huynh ký vào.

Trong tình huống này, dù không có nhu cầu nhưng nể thầy cô, không ít phụ huynh cũng đành gật đầu đồng ý.

Loạn giá

Hiện có khá nhiều mức giá được triển khai ở nhiều địa phương.

Tại tỉnh Kiên Giang Viettel Kiên Giang thông báo mức thu 60.000 đồng/năm học với 90 tin nhắn không phân biệt tin nhắn nội mạng hay ngoại mạng.

Thế nhưng một số địa phương khác lại nâng giá lên thành 60.000 đồng/năm với tin nhắn nội mạng, 90.000đ với tin nhắn ngoại mạng.

Thậm chí có địa phương không sử dụng mạng Viettel mà liên kết với nhà mạng khác thu với giá 120.000 đồng/năm học.

Cá biệt lại có địa phương thu 40.000 đồng/tháng tổng cộng là 320.000 đồng/năm học.

Giờ thì chúng tôi hiểu vì sao nhiều trường học luôn ép giáo viên phải vận động phụ huynh đăng ký dịch vụ tin nhắn thế này

Vì sao nhiều trường học sốt sắng vận động phụ huynh đăng ký sổ liên lạc điện tử? ảnh 3
Sổ liên lạc điện tử tiện cho trường nhưng không lợi cho cha mẹ học sinh

Được biết, nhà mạng Viettel có chính sách hỗ trợ nhà trường khá hậu hĩnh.

Cụ thể: Hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm các lớp 13.000 đồng/phụ huynh học sinh/năm học (số học sinh của lớp tham gia).

Hỗ trợ tập thể Ban giám hiệu nhà trường 5.000 đồng/phụ huynh học sinh/năm học (số học sinh của trường tham gia).

Hỗ trợ bộ phận quản trị SMAS (nhập liệu, hướng dẫn giáo viên, gửi tin nhắn 3.000 đồng (số học sinh của trường tham gia).

Hỗ trợ bộ phận tổng hợp thu 2.000 đồng/phụ huynh học sinh/năm học (số học sinh của trường tham gia).

Hỗ trợ tập thể giáo viên bộ môn 7.000 đồng/phụ huynh học sinh/năm học số học sinh của trường tham gia).

Có nơi nhà trường thông báo bảng ghi mức chiết khấu cho giáo viên tham khảo. Lại có trường giáo viên chưa bao giờ được tiếp cận quy định này.

Vì thế, hiệu trưởng thích trích cho giáo viên bao nhiêu phần trăm số phụ huynh đã đăng ký là tùy.

Có nơi nhà trường chi cho giáo viên 10.000 đồng/học sinh, có nơi chi 12.000 đồng (thay vì 13.000đ), lại có nơi chẳng chi một đồng nào cả cứ y như công việc ấy là bổn phận và trách nhiệm của giáo viên.

Phía nhà mạng đã phải đưa ra 30% số tiền chiết khấu theo quy định cho một học sinh tham gia. Nhưng có những trường sẵn sàng ỉm đi chuyện này. Thế là số tiền chiết khấu ấy đi vào túi ai chỉ có “trời” mới biết.

Giáo viên đã từng băn khoăn, thắc mắc : “Vì sao nhà trường lại cứ kiên quyết bắt giáo viên phải tìm mọi cách buộc phụ huynh phải đăng ký dịch vụ tin nhắn điện tử?”

Bởi, nó không nằm ngoài khoản hoa hồng hấp dẫn mà nhà mạng sẽ trích lại.

Thời đại công nghệ thông tin có nên sử dụng dịch vụ này?

Bỏ ra gần trăm ngàn đến vài trăm ngàn đồng mỗi năm, nhưng đổi lấy những dòng tin nhắn không thật sự cần thiết cũng khá uổng.

Trong khi đó, theo văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên phạm vi cả nước cần tập trung đầu tư hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và dạy - học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp miễn phí thông báo kết quả học tập và rèn luyện của học sinh qua tin nhắn OTT, email và website trường học, hạn chế sử dụng hệ thống nhắn tin có thu phí qua điện thoại di động với phụ huynh học sinh.[1]

Tuy thế  cho đến nay, đã có bao nhiêu trường học trong cả nước thực hiện được hướng dẫn này?

Thật sự là khó thực hiện hay vì những món hoa hồng hấp dẫn kia?

Tài liêu tham khảo:

[1]http://giadinh.net.vn/giao-duc/mat-tien-oan-voi-so-lien-lac-dien-tu-20161005085726891.htm

Phan Tuyết