Vì sao ông Bill Hayton đề xuất các bên yêu sách Biển Đông "nhượng bộ chủ quyền"?

20/08/2018 07:00
Tiến sỹ Trần Công Trục
(GDVN) - Giải pháp tạm thời theo nguyên tắc Status-qo hoàn toàn khác với nguyên tắc “Uti-possidetis”, một nguyên tắc được dùng để giải quyết tranh chấp biên giới..

Cuối tháng 7/2018, Hội thảo thường niên về Biển Đông lần thứ 8 được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington.

Tham gia hội thảo có nhiều chuyên gia - học giả hàng đầu và các quan chức cấp cao tới từ Mỹ, Philippines, Australia, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và Malaysia như:

Chuyên gia Bill Hayton thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House); Sumathy Permal, Giám đốc Trung tâm Eo biển Malacca thuộc Viện Hàng hải Malaysia; ông Hideshi Tokuchi, Quỹ Hòa bình Sasakawa USA; bà Bonnie Glaser, Cố vấn cấp cao của CSIS…

Hội thảo trải qua 4 phiên thảo luận, với những chủ đề: Diễn biến tình hình Biển Đông năm 2017; Giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và các khu vực khác; Vấn đề môi trường tại Biển Đông và Cán cân quân sự chiến lược ở Biển Đông.

Sự kiện này đã tạo cơ hội để giới chuyên gia - học giả, báo chí truyền thông có các cuộc thảo luận - phân tích sâu sắc và đa chiều về những diễn biến mới tại Biển Đông, cũng như triển vọng trong tương lai.

Trong đó, đáng chú nhất là những ý kiến của các học giả, chính khách đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Malaysia… có liên quan đến những giải pháp cho tranh chấp Biển Đông trong tình hình khu vực và quốc tế hiện nay: Đối đầu hay đối thoại?

Các diễn giả trong phiên thảo luận về những diễn biến gần đây trên Biển Đông tại hội thảo ở CSIS (Ảnh minh họa: cand.com.vn).
Các diễn giả trong phiên thảo luận về những diễn biến gần đây trên Biển Đông tại hội thảo ở CSIS (Ảnh minh họa: cand.com.vn).

Chúng tôi xin được tóm lược một số ý chính của những giải pháp được đề xuất đó, kèm theo là những nhận xét bước đầu của chúng tôi với hy vọng sẽ được cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi, thảo luận về đề tài “nóng” này.

Mỹ cần chuyển hướng từ “sự kết hợp giữa can dự và cạnh tranh” sang “đối đầu” với Trung Quốc

Đó là đề xuất của Dân biểu Ted Yoho, Chủ tịch của Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ được trình bày tại Hội thảo lần này.

Vị Dân biểu này cho rằng: Lâu nay lập trường chính thức của Mỹ về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông được tóm gọn trong tuyên bố “nổi tiếng” của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ở Hà Nội hồi cuối năm 2010 là:

Mỹ không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp, nhưng sẽ hành động để bảo vệ luật pháp quốc tế và duy trì tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này.

Tuy nhiên, lập trường và cách hành xử đó của Mỹ đã không có tác dụng giúp cải thiện được tình trạng tranh chấp Biển Đông, trái lại chỉ làm thay đổi theo chiều hướng ngày càng có lợi cho Trung Quốc.

Cụ thể là: Trung Quốc “hiện đã kiểm soát trên thực tế Biển Đông trong mọi kịch bản, ngoại trừ xung đột quân sự với Mỹ” (phát biểu của Đô đốc Phil Davidson, tư lệnh mới của Bộ chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương trước Thượng viện Mỹ hồi tháng Tư năm nay).

Trước tình hình đó, theo ý kiến của ông Ted Yoho, nếu Mỹ vẫn chỉ duy trì đều đặn các hoạt động tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông và giúp các quốc gia nhỏ có tranh chấp tăng cường năng lực hải quân thì vẫn không đủ để ngăn cản việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông ngày càng mạnh mẽ và trắng trợn.

Vì sao ông Bill Hayton đề xuất các bên yêu sách Biển Đông "nhượng bộ chủ quyền"? ảnh 2Giải mã đề nghị làm trung gian hòa giải Biển Đông của Tổng thống Donald Trump

Bởi vì, điều đó chỉ có thể hiểu rằng, Mỹ không bao giờ thách thức đòi hỏi “chủ quyền thái quá” của Trung Quốc;

Nguyên nhân là không thể xác định được vùng nào là vùng tranh chấp, vùng nào là vùng không có tranh chấp.

Nói cách khác, nếu Washington vẫn giữ thái độ “trung lập” trong vấn đề “tranh chấp chủ quyền” thì không những chỉ có lợi cho Trung Quốc mà còn không giúp giải quyết được cơ bản vấn đề, thậm chí cả đối với mục đích chỉ để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không quốc tế qua Biển Đông.

Bình luận về đề xuất nói trên, ông Bill Hayton, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Chatham House, Vương quốc Anh, đồng tình với nhận xét của vị Dân biểu Yoho cho rằng, Mỹ chỉ tập trung vào FONOP trong lúc này là không có tác dụng đối với Trung Quốc.

Bởi vì, “FONOP cũng có cái lý là vạch ra lằn ranh trên biển về việc vi phạm UNCLOS 1982. Nhưng đây không phải là chiến lược để ngăn cản Trung Quốc.

Trung Quốc có thể vẫy tay khi những tàu chiến của Mỹ đi qua và sau đó họ vẫn tiếp tục làm những gì họ đang làm”.

Bill Hayton nói ông đồng ý với quan điểm của Dân biểu Yoho, rằng Mỹ nên tiến xa hơn lập trường “trung lập” trên Biển Đông và nên xem xét các đòi hỏi chủ quyền nào là hợp pháp, còn đòi hỏi nào là phi pháp.

Ông cho rằng, FONOP không giải quyết được việc Trung Quốc đang xâm phạm các quyền và lợi ích của các nước nhỏ.

Vì vậy, Mỹ và các cường quốc nên đi xa hơn FONOP để bảo vệ quyền lợi các nước trong khuôn khổ UNCLOS 1982.  

Tuy nhiên, với một cách tiếp cận thận trọng hơn bà Collin Willet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á của Quốc hội Mỹ cho rằng, việc Mỹ từ bỏ lập trường “trung lập” của mình “là một việc rất khó”;

Bởi lẽ, như vậy Mỹ phải xác định ranh giới chủ quyền hợp pháp của từng bên tranh chấp trên Biển Đông và đối chiếu với các thực thể mà họ chiếm giữ;

"Khi chúng ta nói rằng đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý là ok”, nhưng tiếp sau đó, vấn đề là phải chứng minh được rằng“nước nào mới có chủ quyền” để thế giới có thái độ phản ứng thích hợp…

Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông là nhằm nâng cao năng lực phòng vệ và răn đe chống lại sự đe dọa của Mỹ và đồng minh

Đó là lập trường của Trung Quốc được Tiến sỹ Trương Phong, chuyên gia nghiên cứu của Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Úc ở Canberra nêu lên tại Hội thảo khi nói rằng Bắc Kinh có cái nhìn hoàn toàn khác với Mỹ về các chiến dịch FONOP.

Vì sao ông Bill Hayton đề xuất các bên yêu sách Biển Đông "nhượng bộ chủ quyền"? ảnh 3Học giả Trung Quốc đề xuất phương án mới giải quyết tranh chấp Biển Đông

Theo Tiến sỹ họ Trương, Trung Quốc cho rằng các chiến dịch FONOP đã “đe dọa đến an ninh của Trung Quốc”;

Trong khi đó Washington lại coi FONOP chỉ là một “thông điệp pháp lý” gửi đến Bắc Kinh về quyền tự do hàng hải theo luật quốc tế.

Vì vậy, hành động “quân sự hóa” trong thời gian qua của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc cũng chỉ phản ứng một cách chừng mực đối với FONOP và những hành động triển khai quân sự khác của Mỹ trên Biển Đông.

Nếu Mỹ cố tình tiến quá sát đến các đảo (mà Trung Quốc hiện đang chiếm giữ) thì Trung Quốc xem đó là hành động khiêu khích quân sự, chứ không phải chỉ là việc gửi đi “thông điệp pháp lý”.

Chính vì vậy, Bắc Kinh cảm thấy bị “đe dọa”, buộc phải “phản công để tự vệ”.

Bức tranh chiến lược trên Biển Đông vì thế “đang lâm vào thế bế tắc"

Theo đó, “Mỹ không thể nào búng Trung Quốc khỏi các hòn đảo mà không phải dùng đến vũ lực – vốn không có khả năng xảy ra, trong khi Trung Quốc cũng không thể tác động đến chính sách quân sự của Mỹ bao gồm FONOP và đẩy Mỹ ra khỏi các vùng biển gần với các hòn đảo của họ mà không có đối đầu quân sự - vốn cũng không có khả năng xảy ra”.

Xuất phát từ tình hình đó, ông Trương cho rằng việc Mỹ triển khai lực lượng đến Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc càng củng cố vị trí của mình.

"Trong mắt của Trung Quốc, nếu Mỹ càng tỏ ra khiêu khích thì Trung Quốc sẽ càng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình quyết liệt hơn”…

Kiên trì đàm phán

Trong tình hình Biển Đông đang tồn tại những loại tranh chấp đan xen và hết sức phức tạp hiện nay, ông Đỗ Thanh Hải đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam đã đề xuất giải pháp “kiên trì đàm phán” giữa các bên tranh chấp liên quan.

Thực chất, đây được coi là chủ trương nhất quán của Việt Nam: giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm đàm phán giữa các bên liên quan và sử dụng cơ chế tài phán quốc tế theo thỏa thuận và đúng thủ tục pháp lý quốc tế hiện hành.

Vì sao ông Bill Hayton đề xuất các bên yêu sách Biển Đông "nhượng bộ chủ quyền"? ảnh 4Chớ bông đùa với độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Kiên trì thực hiện chủ trương này, Việt Nam được coi “là nước đi đầu trong khu vực” trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo nguyên tắc “công bằng, lâu dài và có thể chấp nhận được”.

Trong khi chờ đợi có được giải pháp cơ bản, lâu dài đó Việt Nam cũng sẵn sàng chấp nhận những giải pháp tạm thời nhưng “thỏa đáng”, ông Hải nói và nhấn mạnh nguyên tắc “thỏa đáng”.

Giải pháp tạm thời này bao gồm hợp tác trên những vấn đề không nhạy cảm như tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, bảo vệ môi trường và hợp tác cùng khai thác.

Riêng vấn đề hợp tác cùng khai thác mà Bắc Kinh lâu nay vẫn vận động các nước thực hiện theo nguyên tắc của họ là “gác tranh chấp, hợp tác cùng khai thác, chủ quyền thuộc về chúng ta (Trung Quốc)”, ông Hải nhấn mạnh rằng:

Việt Nam không hợp tác cùng khai thác ở những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà chỉ ở những vùng biển chồng lấn và chỉ hợp tác cùng khai thác sau khi xác định rõ ràng vùng biển chồng lấn theo tiêu chuẩn của Luật biển Quốc tế.

Để đàm phán thành công thì các bên cần phải “kiên trì”, “kiềm chế”, “có thiện chí” “có lòng tin”:

Các bên cần phải tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, cũng như kiểm soát tình cảm dân tộc cực đoan, kích động hận thù, bài ngoại của người dân trong nước vốn gây cản trở cho quá trình đàm phán.

Nếu thiếu trách nhiệm và thiếu thiện chí, chỉ mưu cầu bá quyền thông qua việc quân sự hóa để tạo “sự đã rồi”, khăng khăng đòi hợp tác cùng khai thác không đúng nơi, không đúng trình tự, thủ tục và dựa vào những tuyên bố chủ quyền phi pháp thì chắc chắn đàm phán sẽ không bao giờ thành công.

Để đàm phán thành công, Việt Nam “ủng hộ mạnh mẽ” vai trò của khối ASEAN trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho đàm phán.

Nhận xét, đánh giá

Nghiêm túc nghiên cứu kỹ những đề xuất, bình luận tại Hội thảo lần này do các phương tiện thông tin quốc tế đăng tải, chúng tôi cũng như hầu hết dư luận khu vực và quốc tế đều rất quan tâm đến một chủ đề bàn về giải pháp cho tranh chấp Biển Đông.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra mà các học giả, chuyên gia, chính khách… cần tìm câu trả lời là: Giải pháp nào cho tranh chấp Biển Đông: đối đầu hay đàm phán?

Vì sao ông Bill Hayton đề xuất các bên yêu sách Biển Đông "nhượng bộ chủ quyền"? ảnh 5Cơ hội và thách thức trên Biển Đông năm 2018, ứng xử của Việt Nam

Chúng tôi xin đưa ra những bình luận và đánh giá như sau:

Thứ nhất: Ở 2 phần đầu tiên của bài viết này, chúng tôi đã tóm tắt những ý chính có liên quan đến giải pháp được coi là sự “đối đầu” giữa một bên là Hoa Kỳ và đồng minh và một bên là Trung Quốc và một số thế lực nằm trong tầm ảnh hưởng của họ.

Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy rằng, khi đề xuất giải pháp này cả Mỹ và Trung Quốc đều vin vào cớ “quyền tự do hàng hải” của quốc tế qua Biển Đông;

Vin vào “các quyền và lợi ích” hợp pháp của các nước nhỏ xung quanh Biển Đông hay “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc trong Biển Đông đang bị vi phạm hay đang bị đe dọa vi phạm bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều những hoạt động quân sự của mỗi bên, bất chấp Luật pháp Quốc tế và những cam kết ngoại giao giữa các bên liên quan.

Để bảo vệ cho quan điểm của mình, mỗi bên đều tìm cách lý giải, biện minh với những lập luận có vẽ khá “hợp tình hợp lý”.

Chúng tôi đã có dịp phân tích, phản biện đối với các lập luận có tính chất ngụy biện đó.

Thiết nghĩ bạn đọc quan tâm đều đã nhận ra động cơ đích thực của các bên liên quan khi tăng cường các hoạt động quân sự của họ trong Biển Đông, nhất là trong bối cảnh chính trị của khu vực và quốc tế hiện nay.

Và, động cơ đích thực mà cả Mỹ và Trung Quốc đều nhằm đến là họ phải giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị đang diễn ra rất khốc liệt trong khu vực châu Á –Thái Bình Dương, Biển Đông là một trong những địa bàn địa - chiến lược, địa - chính trị nổi bật nhất.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Bill Hayton, ảnh: Youtube.
Nhà nghiên cứu Biển Đông Bill Hayton, ảnh: Youtube.

Tuy nhiên khách quan mà nói, chúng tôi nhận thấy lý do cho rằng sở dĩ Trung Quốc phải tăng cường quân sự hóa Biển Đông là để “phản công tự vệ” là không thể chấp nhận được.

Bởi lẽ, “quyền tự vệ” chính đáng của một quốc gia chỉ có thể được triển khai trong phạm vi lãnh thổ của mình, hoặc trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia khác, nếu có sự thỏa thuận của quốc gia khác đó, nếu đang phải đối mặt với sự tấn công hoặc bị đe dọa tấn công của một thế lực nào đó chứ không thể tùy tiện triển khai trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia khác đó.

Biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa tuyệt nhiên càng không phải là lãnh thổ của Trung Quốc. Chân lý này có lẽ ai cũng biết rõ, trừ những thế lực bành trướng, xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia khác.

Trước những diễn biến phức tạp của cuộc tranh chấp địa - chính trị trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay, giải pháp cho tranh chấp Biển Đông bằng “đối đầu” có lẽ chưa phải là giải pháp tối ưu.

Bởi lẽ, theo chúng tôi, giải pháp này sẽ có thể tạo cớ cho các thế lực phản động, những tập đoàn lái buôn vũ khí… lợi dụng để làm cho tình trạng tranh chấp, sự bất ổn tăng thêm, thậm chí có thể dẫn đến xung đột vũ trang, gây ra thảm họa chiến tranh hủy diệt để chúng dễ bề “đục nước béo cò”.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn bác bỏ đề xuất của Dân biểu Yoho rằng Mỹ nên tiến xa hơn lập trường “trung lập” trên Biển Đông và nên xem xét các đòi hỏi chủ quyền nào là hợp pháp, còn đòi hỏi nào là phi pháp để có cách ứng xử thiết thực và có hiệu quả nhất.

Vì sao ông Bill Hayton đề xuất các bên yêu sách Biển Đông "nhượng bộ chủ quyền"? ảnh 7Bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp là lựa chọn sống còn của các nước nhỏ

Thiết nghĩ đó là cách để góp phần giải quyết tranh chấp một cách cơ bản, lâu dài nhất.

Thứ 2: Ở nội dung thứ 3, chúng tôi đã tóm tắt đề xuất giải pháp “kiên trì đàm phán” do ông Đỗ Thanh Hải đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam trình bày tại Hội thảo lần này.

Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay để vừa bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong Biển Đông, vừa gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định về an ninh, quốc phòng, vì sự nghiệp phát triển và phồn vinh của khu vực và thế giới, giải pháp cho tranh chấp Biển Đông mà các bên cần theo đuổi là “kiên trì đàm phán”.

Tất nhiên, “kiên trì đàm phán” phải theo những điều kiện và tuân thủ các nguyên tắc, thủ tục pháp lý quốc tế hiện hành.

Theo chúng tôi, vấn đề quan trọng tiếp theo cần làm rõ là, điều kiện và nguyên tắc, thủ tục pháp lý đó là gì?

Về điều kiện, đúng như ông Hải đã đề cập, muốn đàm phán được tiến hành thành công trước hết các bên phải “kiên trì”,“kiềm chế”,“có thiện chí” “có lòng tin”.

Đặc biệt là phải có thỏa thuận để tạo ra môi trường chính trị thuận lợi cho các cuộc đàm phán được tổ chức một cách suôn sẻ, thành công.

Tất nhiên, trước khi đàm phán, các bên phải chuẩn bị các phương án đàm phán một cách khách quan, khoa học, trên tinh thần thật sự cầu thị, tôn trọng lẫn nhau.

Về nguyên tắc và thủ tục pháp lý, muốn thống nhất áp dụng nguyên tắc và thủ tục pháp lý thích hợp theo chúng tôi trước hết các bên cần phân loại tranh chấp đang tồn tại trong Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Bởi vì, không phải bất kỳ loại tranh chấp nào cũng đều có chung một nguyên tắc và theo một thủ tục pháp lý như nhau.

Đàm phán phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển nằm đối diện hay liền kề theo UNCLOS 1982 phải theo nguyên tắc “công bằng mà mỗi bên có thể chấp nhận được”.

Và, trong khi đang đàm phán các bên chưa thống nhất được đường phân định cuối cùng thì có thể áp dụng giải pháp tạm thời, có tính thực tiễn: “hợp tác cùng phát triển” (joint-development) ở “vùng chồng lấn” (overlapping area), được hình thành trên cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định của UNCLOS 1982.

Xin lưu ý rằng, giải pháp tạm thời này không áp dụng cho những phạm vi lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền, chẳng hạn như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nếu các bên liên quan đàm phán không thành công thì họ có thể cùng nhau thỏa thuận đưa tranh chấp lên cho các cơ quan tài phán quốc tế xét xử.

Vì sao ông Bill Hayton đề xuất các bên yêu sách Biển Đông "nhượng bộ chủ quyền"? ảnh 9Quyền chủ quyền, quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Đông tới đâu?

Chỉ có loại tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 thì các bên liên quan có thể đơn phương khởi kiện lên các cơ quan tài phán quốc tế.

Còn đàm phán giải quyết tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các đảo, quần đảo nằm giữa Biển Đông, nguyên tắc và thủ tục pháp lý áp dụng cho giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp lại hoàn toàn khác, không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS 1982.

Đó là nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế.

Hiện nay, nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” đã được vận dụng một cách phổ biến trong quá trình đàm phán hay giải quyết thông qua cơ chế tài phán quốc tế đối với các các vùng đất vô chủ hiện đang tồn tại những tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia liên quan.

Các bên tranh chấp phải chuẩn bị kỹ hồ sơ pháp lý, bao gồm các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để bảo vệ cho quan điểm của mình trong đàm phán hay trước các cơ quan tài phán quốc tế mà các bên đã thỏa thuận lựa chọn.

Tất nhiên, trong đàm phán các bên có thể có sự “nhân nhượng lẫn nhau”.

Nhưng, “nhân nhượng lẫn nhau” nói ở đây hoàn toàn khác với nội dung mà ông Bill Hayton, cựu nhà báo của BBC và hiện đang là học giả của Viện Chatham House ở London (Anh) đã đề xuất, rằng các bên tranh chấp cần phải có “nhượng bộ về chủ quyền”.

Ông còn nói thêm, một khi các nước Đông Nam Á đã đưa ra lập trường nhượng bộ lẫn nhau, họ có thể thống nhất lập trường trước Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc cùng có sự nhượng bộ như vậy.

Tuy nhiên ông thừa nhận rằng, “không dễ để Bắc Kinh đưa ra nhượng bộ”. Tuy nhiên, Bắc Kinh “không có đủ bằng chứng lịch sử để chứng minh rằng họ đã từng chiếm hữu những thực thể khác ngoài những gì mà họ hiện đang chiếm hữu”…

Chúng tôi đánh giá cao thiện chí của ông Bill Hayton, khi ông đã có những bình luận khá khách quan về lập trường của các bên tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhất là khi ông cho rằng Trung Quốc không có chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, chúng tôi không hoàn toàn tán đồng quan điểm cho rằng các bên cần có “nhượng bộ chủ quyền”.

Bởi vì, nếu đã là vấn đề “chủ quyền quốc gia” thì không ai được quyền nhân nhượng. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch.

Vì sao ông Bill Hayton đề xuất các bên yêu sách Biển Đông "nhượng bộ chủ quyền"? ảnh 10Ba kiến nghị đặc biệt của Tiến sĩ Trần Công Trục về chủ quyền Biển Đông

Nếu rời bỏ nguyên tắc này là có thể đã vi phạm nguyên tắc “trước sau như một”, rất bất lợi cho quá trình đấu tranh bảo vệ quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia.

Tất nhiên, trong đàm phán nếu các bên không có đủ chứng cứ để bảo vệ “chủ quyền” thì có nghĩa vùng lãnh thổ đó chưa phải là của mình và cũng chưa hẳn của bên đối tác, thì các bên tranh chấp nên tính đến phương án nhân nhượng lẫn nhau một cách “thỏa đáng”, có đi có lại mà các bên có thể chấp nhận được.

Trong khi chưa thống nhất được một phương án phân chia cuối khu vực lãnh thổ này, các bên có thể thỏa thuận áp dụng một giải pháp tạm thời: “giữ nguyên hiện trạng” (Status qo).

Nghĩa là các bên tạm thời quản lý trên thực tế như đã có từ trước, hoặc “để trống” về quản lý nhà nước phạm vi lãnh thổ này, nếu tình trạng quản lý trên thực tế tại khu vực đó cũng chưa được rõ ràng.

Những giải pháp tạm thời này không làm ảnh hưởng đến phương án đàm phán phân định cuối cùng. 

Như vậy, giải pháp tạm thời theo nguyên tắc Status-qo hoàn toàn khác với nguyên tắc “Uti-possidetis”, một nguyên tắc được dùng để giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các nước mới giành được độc lập sau khi thoát khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân.

Nghĩa là các quốc gia mới giành được độc lập có thể chấp nhận sử dụng biên giới đã tồn tại dưới chế độ thực dân để làm biên giới phân chia lãnh thổ giữa các quốc gia đó.

Đó là nguyên tắc: “Uti - possidetis”: “Hãy tiếp tục sở hữu cái gì mà anh đang sở hữu…” mà ông Bill Hayton đã dẫn ra để minh họa cho đề xuất “nhượng bộ chủ quyền” của mình trong cuộc Hội thảo này.

Như vậy, hiểu được và vận dụng thích hợp các nguyên tắc pháp lý này không phải là việc đơn giản và dễ dàng.

Muốn vận dụng các nguyên tắc pháp lý nói trên vào các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, những nhà đàm phán cần nghiêm túc học tập, lắng nghe và chọn lọc ý kiến của mọi người quan tâm, nhất là các chuyên gia, học giả, với một tinh thần thật sự khiêm tốn, cầu thị.

Dẫu sao, thiết nghĩ chúng ta nên vẫn nên hoan nghênh những ai đã chia sẻ, đồng tình và góp sức thực hiện chủ trương “kiên trì đàm phán” giải quyết các tranh chấp Biển Đông;

Bởi đây là một trong những biện pháp được khuyến khích để giải quyết hòa bình các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ quốc gia, thay vì phải bằng giải pháp “đối đầu”, có thể dẫn tới xung đột, gây bất ổn, trong tình hình nhân loại đang phải đứng bên miệng hố của một cuộc chiến tranh hủy diệt.  

Chính vì vậy, chúng tôi hoan nghênh vị đại diện của Việt Nam tham gia Hội thảo đã một lần nữa khẳng định lập trường của Việt Nam là sẵn sàng nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế kiên trì theo đuổi giải pháp hòa bình đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Tiến sỹ Trần Công Trục