Bình luận tuyên truyền về Biển Đông của báo chí TQ:

"Việt Nam có thể "bơi cùng cá mập", Philippines sẽ bị TQ nuốt chửng"

22/03/2014 07:38
Đông Bình
(GDVN) - Bình luận cho rằng Việt Nam khôn khéo trong chính sách Biển Đông, trong khi Philippines sẽ bị "cá mập" Trung Quốc nuốt chửng.
Máy bay chiến đấu Su-30MK của Không quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Máy bay chiến đấu Su-30MK của Không quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 21 tháng 3 đăng bài viết với tiêu đề: "Báo Mỹ: Philippines là bia ngắm số một của Trung Quốc, Việt Nam có thể sống sót, Philippines sẽ bị nuốt chửng".

Mặc dù nói là trích dẫn nhưng nội dung bài viết đã được báo Hoàn Cầu biến thành của mình, lồng ghép các nội dung tuyên truyền có mục đích. Để độc giả hiểu thêm về những tiếng nói từ Trung Quốc, mời độc giả xem xét nội dung chính của bài viết:

Theo tờ “Hoàn Cầu”, trang mạng Kế hoạch nghiên cứu tập trung chính sách ngoại giao Mỹ ngày 18 tháng 3 đăng bài viết "Liên minh manh nha: Việt Nam và Philippines đối phó Trung Quốc" của tác giả, hạ nghị sĩ Walden Bello thuộc Đảng Hành động Công dân Philippines.

Theo bài viết, năm 2013 Philippines khởi kiện lên Tòa án trọng tài Liên hợp quốc về hành vi gây hấn/khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là một cao chiêu (mưu kế hay) của Chính phủ Philippines.

Một nhà phân tích Việt Nam cho rằng, hành động này làm cho Trung Quốc ở vào thế phòng thủ, thúc đẩy Bắc Kinh về mặt nguyên tắc đồng ý tổ chức tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).

Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Gepard của Hải quân Việt Nam
Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Gepard của Hải quân Việt Nam

Theo bài viết, hợp tác đang manh nha giữa Việt Nam và Philippines là động thái mới nhất do đòi hỏi chủ quyền (bất hợp pháp) của Trung Quốc gây ra. Trung Quốc đưa ra bản đồ "đường lưỡi bò", đòi toàn bộ Biển Đông là của họ, muốn để 4 nước khác xung quanh Biển Đông chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý.

Để theo đuổi mục tiêu của Bắc Kinh, tàu hải giám Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân của Philippines khỏi bãi cạn Scarborough. Ngoài ra, tàu của Chính phủ Trung Quốc còn đuổi tàu của Philippines khi vận chuyển vật tư đến chiếc tàu chiến cũ nát của Philippines mắc cạn trên bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Bài viết cho rằng, ảnh hưởng tiêu cực mà Manila chiếm ưu thế pháp lý là, điều này làm cho Philippines trở thành "bia ngắm số một" của Bắc Kinh, thay thế Việt Nam trở thành đối thủ chủ yếu của Trung Quốc trong tham vọng thôn tính trọn vẹn Biển Đông hiện nay.

Bài viết dẫn một chuyên gia vấn đề Trung Quốc nói: "Trung Quốc hiện nay đang cô lập các anh (Philippines), trong khi đó quan hệ Việt-Trung từng bước khôi phục bình thường". Nhưng, mặc dù lãnh đạo hai nước có đi lại với nhau, "chúng tôi vẫn cảm thấy từng trận giá lạnh. Về những nước không được Trung Quốc ưa thích nhất trong ASEAN, chúng tôi hiện xếp thứ 9, các anh xếp thứ 10. Nhưng về lâu dài, Việt Nam là vấn đề nan giải chiến lược chủ yếu của Bắc Kinh".

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 của Việt Nam do Nga chế tạo sẵn sàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 của Việt Nam do Nga chế tạo sẵn sàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Báo Trung Quốc dẫn "một học giả" cho rằng, "Về mặt phi chính thức,dư luận Việt Nam hoàn toàn ủng hộ vụ kiện Trung Quốc của Philippines", nhưng không thể "hoàn toàn không khai ủng hộ họ".

Một nguyên nhân quan trọng để hành động này được hoan nghênh là nó đã bất ngờ tấn công Bắc Kinh, đã phá hoại việc "chuyên tâm tính kế" của Trung Quốc.

Một chuyên gia vấn đề ngoại giao Trung Quốc cho rằng: "Người Trung Quốc cảm thấy luống cuống, bởi vì họ đã có 5 chiến trường - chính trị, ngoại giao, truyền thông đại chúng, an ninh, quân sự, hiện nay các anh đã tăng thêm chiến trường thứ sáu cho họ: chiến trường pháp lý".

Theo tuyên truyền của bài viết trên trang mạng của Trung Quốc, hầu như là sự giễu cợt với lịch sử, người Việt Nam đến nay hoan nghênh Washington gia tăng lực lượng quân Mỹ tại khu vực này để "đối phó" Trung Quốc. Tuy từng là kẻ thù, hiện nay, Việt Nam và Mỹ có quan hệ an ninh tốt đẹp.

Trong cuộc đấu tranh chung phản đối Trung Quốc mưu đồ bá quyền Đông Á, Philippines và Việt Nam là "đồng minh tự nhiên". Hai nước đã là đối tác trong ASEAN, hành vi phô diễn sức mạnh ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh có thể sẽ thúc đẩy họ tiếp tục dựa vào nhau.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 của Việt Nam (nguồn báo Hoàn Cầu-Nhân Dân, TQ ngày 21 tháng 3 năm 2014)
Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 của Việt Nam (nguồn báo Hoàn Cầu-Nhân Dân, TQ ngày 21 tháng 3 năm 2014)

Bài viết cho rằng, hai nước cũng đều không ngừng "dựa sát" vào Mỹ, tìm cách tận dụng Washington để "chống chọi" lại sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này.

"Nhưng, cách thức "đánh con bài Mỹ" của Việt Nam khôn khéo hơn, họ để cho Philippines công khai mời Mỹ mở rộng sức mạnh quân sự ở lãnh thổ và lãnh hải của họ, đây là điều bản thân Việt Nam không cho phép".- bài viết nhận định.

Theo bài viết, người Việt Nam từng đánh bại Mỹ trong chiến tranh, họ hầu như có lòng tin đối đãi với Mỹ như một "đồng minh". Điều này cơ bản có thể giải thích tại sao họ (Việt Nam) không hề ngưỡng mộ quan hệ giữa Philippines và Washington.

Manila và Mỹ luôn là quan hệ lệ thuộc, Mỹ mở rộng đóng quân ở Philippines sẽ tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc tình hình này, làm cho phát triển chính trị và kinh tế của nước này lệ thuộc vào quan hệ an ninh.

Nói tóm lại, bài báo kết luận rằng "Việt Nam có lẽ sẽ "cùng bơi với cá mập và bình yên sống sót", nhưng Philippines - nước thực hiện sách lược tương tự, cuối cùng sẽ bị cá mập nuốt chửng".

Trên đây là toàn bộ nội dung cơ bản của bài viết được lược dịch từ trang mạng "Hoàn Cầu" của Trung Quốc. Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không đại diện cho ý kiến của báo Giáo dục.

Tên lửa chống hạm bờ biển K-300P Bastion của Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Tên lửa chống hạm bờ biển K-300P Bastion của Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, chúng ta khẳng định rằng, Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, các quyền lợi về lãnh thổ, lãnh hải... liên quan đến Biển Đông đã được quy định rõ trong Luật biển Việt Nam;

Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng tự vệ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông, bất cứ kẻ thù nào xâm phạm đều sẽ bị đánh bại. Cần phải đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái, tuyên truyền bóp méo sự thật từ các trang mạng, trang báo của Trung Quốc và các nước.

Một điều cần phải nói rõ là: Trung Quốc chưa công bố chi tiết về "đường lưỡi bò", nhưng những hành động như tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc rằng tất cả các hòn đảo và vùng biển trong "đường lưỡi bò" thuộc chủ quyền của Trung Quốc; rằng "Tây Sa" (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), "Nam Sa" (quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đảo "Hoàng Nham" (bãi cạn Scarborough) là của họ thì người Việt Nam không thể chấp nhận được.

Hơn nữa, cùng với các tuyên bố liên tục như trên của Trung Quốc, Trung Quốc còn liên tục điều tàu chiến và binh sĩ đến Hoàng Sa, Trường Sa tập trận trái phép, thậm chí đến tận bãi ngầm James - phía nam Biển Đông để tuyên thệ cái gọi là "bảo vệ chủ quyền" (giấc mơ viển vông của Trung Quốc), thậm chí còn đi xa hơn nữa, mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí ngay ở thềm lục địa của Việt Nam...

Tất cả những điều đó thì chúng ta phải hiểu rõ ràng rằng, Trung Quốc luôn tham vọng "nuốt trọn" Biển Đông - cụ thể là "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, bất chấp luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của các nước xung quanh Biển Đông.

Trung Quốc luôn có hành động cụ thể, rõ như ban ngày như vậy, nên chúng ta phải luôn cảnh giác và đề phòng cẩn thận, liên tục và tích cực nghiên cứu, chuẩn bị các phương án đối phó hiệu quả với các hành động khiêu khích, đe dọa của Bắc Kinh trong tương lai.

Tên lửa chống hạm bờ biển K-300P Bastion
Tên lửa chống hạm bờ biển K-300P Bastion
Tàu ngầm Hà Nội (trong ảnh) và tàu ngầm Hồ Chí Minh của Hải quân Việt Nam
Tàu ngầm Hà Nội (trong ảnh) và tàu ngầm Hồ Chí Minh của Hải quân Việt Nam
Tàu ngầm Hồ Chí Minh được tàu vận tải siêu trọng Rolldock Star Hà Lan đưa về cảng Cam Ranh vào ngày 19 tháng 3 năm 2014, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tàu ngầm Hồ Chí Minh được tàu vận tải siêu trọng Rolldock Star Hà Lan đưa về cảng Cam Ranh vào ngày 19 tháng 3 năm 2014, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đông Bình