Việt Nam-Philippines có thể trở thành đối tác chiến lược?

26/02/2015 07:51
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngoại trưởng Albert del Rosario tuyên bố: Giống như Mỹ và Nhật Bản, có một mối liên hệ đặc biệt giữa Philippines và Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III.

EurAsia Review ngày 25/2 đăng bài phân tích quan hệ Việt Nam - Philippines của hai học giả Julio S. Amador III là Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Philippines và Jeremie P. Credo, một chuyên gia nghiên cứu ngoại giao từ Trung tâm Quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược huộc Học viện Ngoại giao. Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng gửi tới quý độc giả nội dung bài phân tích này.

Theo hai học giả Philippines, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Philippines đã luôn ổn định kể từ khi thiết lập năm 1976. Hiện tại Philippines và Việt Nam đang tham gia vào các cuộc đối thoại cấp cao, nỗ lực thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược.

Tháng 5/2014 Tổng thống Benigno S. Aquino III và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ hy vọng hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trong tháng 11 năm ngoái bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, Tổng thống Aquino và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đồng ý thành lập một ủy ban song phương để bắt đầu các cuộc thảo luận lộ trình hướng tới quan hệ đối tác chiến lược này.

Yếu tố Trung Quốc

Ý tưởng về một mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trở nên mạnh mẽ hơn sau vụ Trung Quốc kéo giàn khoan 981 và hạm đội tàu hộ tống xâm phạm, hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng 5 năm ngoái. Hành động đơn phương của Trung Quốc đã dẫn đến một cuộc đối đầu giữa các tàu Trung Quốc (bao gồm hải cảnh, hải quân và tàu cá trá hình - PV) với lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam.

Đổ thêm dầu vào cuộc đụng độ trên Biển Đông là việc tàu hải quân Trung Quốc bắt giữ 6 ngư dân Việt Nam "trên vùng biển tranh chấp", theo 2 học giả Philippines (thực tế là trên vùng biển Việt Nam, hoàn toàn không có tranh chấp). Những căng thẳng trên Biển Đông dẫn đến rạn nứt ngoại giao giữa hai nước láng giềng.

Philippines là một quốc gia có yêu sách ở Biển Đông đã nộp đơn khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc về cái gọi là "chủ quyền lịch sử" ở Biển Đông, hai học giả cho rằng để hỗ trợ động thái này và quảng bá một cách tiếp cận dựa trên luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp hàng hải, Việt Nam đã gửi công hàm cho tòa trọng tài quốc tế tháng 12/2014.

Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi đã tạo điều kiện cho sự hội tụ các lợi ích của Philippines và Việt Nam, mở đường cho việc thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Việt Nam lựa chọn chính sách "cứng-mềm" kết hợp

Trong việc xử lý các điểm nóng khu vực, Việt Nam đã sử dụng cả hai phương pháp tiếp cận bằng quyền lực cứng và mềm. Người Việt đã tăng cường năng lực phòng thủ và sự hiện diện phi quân sự trên Biển Đông. Điều này được thể hiện rõ rệt trong việc thành lập đơn vị quân sự đồn trú thường trực, đặt các thiết bị quân sự tại cảng Cam Ranh rất gần quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).

Việt Nam cũng triển khai quân đội và thường dân tại các vùng đất "tuyên bố chủ quyền" (thực tế là những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam). Gần đây người Việt còn mua 6 tàu ngầm lớp Kilo 636MV của Nga để hiện đại hóa năng lực hải quân của mình. Tuy nhiên người Việt thừa nhận rằng nếu chỉ dựa vào lực lượng quân sự là không đủ để ngăn chặn Trung Quốc (bành trướng trên Biển Đông).

Việt Nam đã lựa chọn chính sách ngoại giao chủ động, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông để có được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Nâng đỡ và tăng cường quan hệ song phương với các đối tác chiến lược là một động thái mà Việt Nam cũng đã khám phá.

Ngoài ra Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn khu vực như Diễn đàn An ninh ASEAN (ARF), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), các cuộc họp của Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Liên Hợp Quốc (UN) để nâng cao nhận thức về mối quan ngại ở Biển Đông.

Xây dựng mối quan hệ chiến lược Việt Nam-Philippines

Quan hệ đối tác chiến lược dài hạn là một khái niệm đôi khi bị hiểu lầm vì nó khá giống một thỏa thuận an ninh theo định hướng giữa hai quốc gia, hướng vào các đảng phái hoặc các quốc gia nhất định. Trong thực tế đó là hoạt động trao đổi song phương cấp cao tạo cơ sở cho các cơ chế đối thoại chiến lược song phương được tiến hành ở cấp bộ.

Đó cũng là mối quan hệ hợp tác toàn diện, bao gồm kinh tế, bộ ngành chức năng và văn hóa xã hội. Với lợi ích hội tụ ngày càng tăng giữa Philippiines và Việt Nam, các cuộc thảo luận ban đầu về quan hệ đối tác chiến lược bắt đầu một tháng sau khi Ngoại trưởng 2 nước thông báo về nỗ lực phát triển mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa hai nước.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Albert del Rosario đã đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp song phương về giao kết hợp tác chiến lược được tổ chức ngày 29-30/1/2015. Hai bên đã đưa ra một dự thảo về tuyên bố chung cho quan hệ đối tác chiến lược dựa trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng và hợp tác lẫn nhau.

Do đó sự khởi đầu của năm 2015 đánh dấu một tương lai đầy hứa hẹn cho quan hệ Philippines - Việt Nam. Quan hệ song phương giữa hai nước chắc chắn sẽ phát triển trong các lĩnh vực như chính trị, thương mại và đầu tư, thủy sản, hàng hải và các vấn đề trên biển cũng như quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác.

Đối tác chiến lược mà Philippines tìm kiếm là gì?

Khi được hỏi lý do tại sao Philippines quyết định muốn trở thành đối tác chiến lược với Việt Nam, Ngoại trưởng Albert del Rosario tuyên bố: Giống như Mỹ và Nhật Bản, có một mối liên hệ đặc biệt giữa Philippines và Việt Nam. Trước khi một mối quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập, các bên phải có một thỏa thuận lẫn nhau dựa trên các giá trị và mục tiêu chung phù hợp.

Việt Nam là một đối tác tiềm năng không chỉ vì lợi ích kinh tế hai bên có thể đạt được, mà còn vì Việt Nam thừa nhận tầm quan trọng của việc giữ gìn sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang được hoàn thiện. Tuy nhiên có thể hai bên còn một số nhận thức khác nhau về các giá trị như dân chủ, nhân quyền và quản trị hiệu quả.

Về các vấn đề khu vực, Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải, khẳng định một cách tiếp cận dựa trên luật pháp quốc tế trong việc duy trì sự ổn định và an ninh khu vực. Philippines và Việt Nam có một cam kết chung để duy trì hòa bình trong khu vực, đảm bảo mọi người dân Đông Nam Á sẽ sống trong sự hòa hợp và thịnh vượng qua cách giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Quan trọng nhất là 2 bên cam kết tiếp tục hợp tác cả song phương và đa phương hướng tới việc tạo ra một Cộng đồng ASEAN. Nó cũng không kém phần quan trọng với đối tác chiến lược tham gia vào các hoạt động hợp tác văn hóa, kinh tế, chính trị cũng như việc chia sẻ thông tin và kiến thức chuyên môn, biến điểm yếu thành thế mạnh.

Đối tác chiến lược Philippines-Việt Nam bao gồm những gì trong tương lai?

Với sự phổ biến của vấn đề mà hai nước phải đối mặt và cam kết chia sẻ, cả Philippines và Việt Nam đều ủng hộ mạnh mẽ an ninh và ổn định trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh các công cụ hoặc cơ chế liên quan đến việc ngăn chặn xung đột hàng hải đang ngày càng trở nên không hiệu quả khi đối mặt với các hành động đơn phương của Trung Quốc.

Vì vậy có một nhu cầu cấp bách cho ASEAN để hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông với Trung Quốc. Sẽ có một sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa Philippines và Việt Nam khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược. Chúng bao gồm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường biển...

Giải quyết các vấn đề khu vực sẽ là một nhân tố cấu thành mạnh mẽ của mối quan hệ sâu sắc, và như vậy sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề quân sự và hàng hải. Tuy nhiên sự tập trung vào hợp tác chính trị, quốc phòng và an ninh chắc chắn sẽ không phải là mục tiêu duy nhất và đầu tiên. Mục tiêu bao trùm của mối quan hệ đối tác chiến lược là để cải thiện các mối quan hệ tổng thể giữa 2 quốc gia, nâng cao đời sống của người dân hai nước.

Tầm cao của quan hệ song phương cũng có nghĩa là trách nhiệm lớn hơn đối với cả Philippines và Việt Nam. Cả hai nước phải hợp tác quy hoạch và thực hiện các thỏa thuận hợp tác chiến lược vì có sự hội tụ của các lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là thách thức với mối quan hệ giữa hai nước cũng đang tiếp tục dâng cao.

Nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược không phải chỉ bao gồm sự hội tụ của các vấn đề chiến lược, mà còn dựa trên các giá trị và nguyên tắc chung. Điều đó có nghĩa mối quan hệ đối tác chiến lược không thể được thỏa thuận trên cơ sở nhất thời. Việt Nam và Philippines cần tiếp tục nỗ lực làm sâu sắc vấn đề này, nếu không quan hệ đối tác chiến lược được đề xuất sẽ là nông cạn và không thể thực hiện được khi những "cơn gió ngoại giao" thay đổi, hai học giả lưu ý.

Hồng Thủy