Vụ 7 học sinh chết đuối ở Cần Giờ: Bài học đắt!

31/12/2013 08:03
Theo VOV
(GDVN) - Đằng sau nỗi đau là sự bức xúc của dư luận xã hội về sự mất an toàn tại bãi biển Cần Giờ, sự vô trách nhiệm của BQL khu nghỉ mát 30/4.

Vụ đuối nước tại Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29/12 làm 7 học sinh trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương tử vong khiến cho dư luận bàng hoàng. Nỗi đau của các gia đình sẽ rất khó nguôi ngoai bởi sự mất mát này, và đằng sau nỗi đau ấy là những bức xúc của dư luận xã hội về sự mất an toàn tại bãi biển Cần Giờ, sự vô trách nhiệm của Ban quản lý khu nghỉ mát 30/4. 

Bãi biển 30/4 tuy nông nhưng có dòng chảy khá phức tạp và nhiều đá ngầm rất nguy hiểm.
Bãi biển 30/4 tuy nông nhưng có dòng chảy khá phức tạp và nhiều đá ngầm rất nguy hiểm.

Kỳ nghỉ cuối tuần lại chính là ngày định mệnh của 7 học sinh trường phổ thông trung học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bình Dương. Gần 7 giờ sáng 30/12,  lực lượng chức năng mới tìm đủ thi thể của cả 7 học sinh. Có lẽ số học sinh thiệt mạng sẽ còn cao nếu không có sự tham gia cứu vớt kịp thời của những người dân địa phương. Đây không phải là lần đầu tiên tại bãi tắm 30/4 của huyện Cần Giờ xảy ra sự việc đau lòng này, mà trước đó tại khu vực này đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Rất nhiều du khách chứng kiến sự cố khiến 7 học sinh chết đuối cho hay nếu như đơn vị tổ chức chuyến đi thật chặt chẽ và được sự quan tâm từ ban quản lý khu nghỉ mát thì đã không xảy ra sự cố đau lòng này.

Ông Nguyễn Ngọc Sang, một du khách cho rằng, nhà hàng nào cũng mong có nhiều khách đến, tuy nhiên nếu khách đến thì phải hướng dẫn cho họ, cảnh báo những nơi nguy hiểm. Khu du lịch chưa làm được điều này.
Chứng kiến vụ việc tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy đây là khu vực biển nông, có dòng chảy khá phức tạp và nhiều đá ngầm rất nguy hiểm. Khu vực các em tắm nằm trong công trình lấn biển đang thi công rất nguy hiểm, nhưng vẫn không được cảnh báo mức độ cực kỳ nguy hiểm để giúp các em tránh xa. 
Bên cạnh đó lực lượng quản lý cũng như nhân viên cứu hộ cứu nạn tại chỗ tại đây lại khá mỏng chỉ vỏn vẹn 12 người chia làm nhiều ca trực vì thế không thể quản lý, nhắc nhở hàng trăm du khách tại bãi tắm. Không những thế họ dường như chưa được tổ chức bài bản trong quản lý, nhắc nhở du khách một cách thường xuyên cũng như phát huy hiệu quả công tác ứng cứu kịp thời khi có sự cố. Điều quan trọng nữa là việc trang bị đầy đủ áo phao cho du khách khi xuống nước của khu nghỉ mát cũng chưa được quan tâm. Hầu hết các em học sinh khi xuống tắm đều không được trang bị áo phao, vì nếu được trang bị áo phao thì 7 học sinh này sẽ không có kết quả thương tâm như thế.

Ông Lê Thanh Hải, tổ trưởng tổ bảo vệ khu dự án Khu đô thị du lịch 30/4 huyện Cần Giờ bức xúc: "Lúc sóng to gió lớn, các em đi tắm mà không được trang bị áo phao, không có người lớn giám hộ, sóng lớn làm các em hụt chân và cuốn ra xa. Khu vực thi công của chúng tôi ở cuối gió nên sóng lùa các em trôi dạt xuống khu vực dưới này, đến lúc đó thì mới biết có người bị chết đuối. Đây là bài học đắt giá cho những đơn vị bãi tắm phải trang bị áo phao và phải có người theo giỏi giám hộ và đảm bảo an toàn cho du khách đến khu vực này".

Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa, phó công an huyện Cần Giờ khuyến cáo: "Vụ việc chúng tôi huy động hết lực lượng để tìm thấy đủ 7 thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, qua đây chúng tôi cũng khuyến cáo khu vực này đang thi công công trình lấn biển nên rất nguy hiểm, và đã có biển cấm nên thông báo bà con tạm thời không nên đến khu vực này".

Vụ việc đuối nước làm 7 học sinh thiệt mạng một lần nữa là bài học cảnh báo cho các đoàn thể nhà trường cần cẩn trọng hơn trong việc tổ chức các chuyến du lịch dã ngoại tắm biển cho các em học sinh. Đây cũng là bài học về việc thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát nhắc nhở du khách về khu vực thiếu an toàn ở các bãi tắm của Ban quản lý khu nghỉ mát 30/4 Cần Giờ và sự lơ là thiếu quan tâm đến các em học sinh của những người làm công tác tổ chức chuyến du lịch này./.

Theo VOV