Vụ cháy cửa hàng gas Phú Vinh: Nạn nhân đang nguy kịch

13/12/2011 07:41
Đến chiều 12-12, 3 nạn nhân bị bỏng nặng trong vụ nổ gas tại cửa hàng gas Phú Vinh (Từ Liêm, Hà Nội) đã được cấp cứu qua giai đoạn sốc bỏng nhưng...
Đến chiều 12-12, 3 nạn nhân bị bỏng nặng trong vụ nổ gas tại cửa hàng gas Phú Vinh (Từ Liêm, Hà Nội) đã được cấp cứu qua giai đoạn sốc bỏng nhưng tình trạng bệnh đang tiến triển nặng hơn. Dư chấn của vụ nổ kinh hoàng ngày hôm trước vẫn hằn rõ trên gương mặt từng nạn nhân cũng như những người thân của họ.

Bệnh nhân Nguyễn Huy Việt - Chủ cửa hàng gas đang được điều trị tích cực
Bệnh nhân Nguyễn Huy Việt - Chủ cửa hàng gas đang được điều trị tích cực

Có mặt tại khoa Bỏng - BV Xanh Pôn chiều 12-12, trước cửa khu Hồi sức Bỏng có đến hơn chục người thân và bạn bè của các nạn nhân trong vụ nổ gas ở Từ Liêm đến thăm nom, chăm sóc. Phía bên trong, 3 bệnh nhân nằm ở 2 phòng bệnh cạnh nhau, tất cả đều bị cháy xạm vùng mặt, riêng bệnh nhân Nguyễn Huy Việt còn có vết bỏng khắp vùng bụng, ngực.

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng cho biết, 3 bệnh nhân gồm Nguyễn Huy Việt (sinh năm 1979, chủ cửa hàng gas) cùng 2 công nhân của cửa hàng là Nguyễn Danh Hưng sinh năm 1993 và Nguyễn Văn Hoàng sinh năm 1995, (đều quê Cẩm Khê, Phú Thọ) được đưa vào viện trong tình trạng sốc, mê man. Người bỏng nặng nhất là anh Việt (bỏng rộng 60%, độ sâu 2, 3, 4), một người bỏng 35% và người bỏng nhẹ nhất là 20%... 
Hiện tại, cả 3 đều đang được điều trị hồi sức, chống sốc và đã tỉnh táo, có thể nghe nói ú ớ được. Tuy vậy, điều nguy hiểm nhất là anh Việt bị bỏng lửa lẫn bỏng hô hấp nên tình trạng bệnh trong 1, 2 ngày tới sẽ tiến triển nặng hơn. Cũng theo bác sĩ Thống, giai đoạn điều trị sốc bỏng đã thành công, tuy nhiên sau đó thường bệnh nhân bỏng sẽ chuyển sang giai đoạn nhiễm trùng.

Hơn nữa, bỏng hô hấp rất nguy hiểm nên khả năng biến dạng, di chứng để lại trên cơ thể người bệnh sau điều trị hiện vẫn chưa thể tiên lượng trước. Còn về trường hợp của chị Trần Thị Tiểu Ngàn và đứa con mới 8 tháng tuổi (vợ và con của anh Việt) tử vong tại cửa hàng, bác sĩ Thống cho rằng có thể 2 mẹ con đã tử vong vì ngạt và bỏng hô hấp, bởi lúc xảy ra vụ cháy 2 mẹ con đang ngủ trong phòng kín trên gác xép của cửa hàng.
Người nhà của anh Việt vẫn chưa hết bàng hoàng
Người nhà của anh Việt vẫn chưa hết bàng hoàng

Trò chuyện với những người thân của các nạn nhân, chúng tôi được biết hiện anh Việt vẫn chưa biết về tình hình của vợ con anh. Tuy nhiên, những lúc tỉnh táo, anh lại ứa nước mắt và luôn hỏi về vợ con mình, giọng khàn đặc. Chị Thảo (là chị gái của anh Việt) từ Phú Thọ xuống chăm sóc anh kể, thi thể vợ và con anh Việt đã được đưa về quê chồng ở Phú Thọ chiều 12-12 sẽ được làm lễ mai táng.

Vợ chồng anh Việt có 2 đứa con trai, ngoài đứa trẻ mới 8 tháng tuổi vừa tử vong cùng mẹ trong vụ cháy gas thì đứa lớn đã 4 tuổi, đang ở cùng ông bà ngoại trong miền Nam nên thoát nạn. Hiện anh Việt không có dấu hiệu sốc về tinh thần, buổi trưa đã có thể ăn được một chút cháo.
Bà Trần Thị Lan, mẹ đẻ của nạn nhân Nguyễn Văn Hoàng cho biết, lúc tỉnh táo, Hoàng có kể lại với bà vào thời điểm xảy ra vụ cháy, Hoàng và Hưng vẫn đang ngủ trong phòng. Nghe thấy tiếng mọi người phía ngoài kêu gào, Hoàng và Hưng vùng dậy, lao nhanh qua đám lửa đang bùng cháy dữ dội để ra ngoài thoát thân. Được biết, cửa hàng gas nơi xảy ra vụ cháy khá nhỏ, được chia làm 2 gian, phía ngoài sử dụng để kinh doanh gas, phía trong thì Hoàng và Hưng ngủ. Vợ chồng anh Việt ngủ trên gác xép.
Biện pháp xử lý gas rò rỉ và sơ cứu vết bỏng
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - BV Xanh Pôn khuyến cáo: Khí gas nặng hơn không khí 2,07 lần nên khi bị xì ra ngoài sẽ nhanh chóng lắng xuống, nếu khu vực để bình gas quá kín thì khí gas rò rỉ không thoát được và luẩn quẩn trong phòng, chỉ cần có nguồn lửa nhỏ như tàn thuốc lá hay các tia lửa điện từ xe máy đang nổ có thể gây cháy.

Thậm chí trong trường hợp khí gas bị rò rỉ nhiều và lâu sẽ len cả vào các ổ điện, công tắc điện trong phòng, chỉ cần một động tác bật công tắc đèn, ổ điện có thể sẽ dẫn đến phát nổ. Vì vậy, khi ngửi thấy có mùi gas, trước hết cần mở thoáng tất cả các cửa, dùng quạt giấy hoặc quạt nan (không dùng quạt điện) để quạt vùng có khí gas cho khí tản ra. 
Trong trường hợp bị bỏng gas cần xử trí bằng cách ngâm vùng bỏng vào nước lạnh (ở nhiệt độ 8-25 độ C, nhưng không được ngâm nước đá) khoảng 20-30 phút để giảm tổn thương. Sau đó lấy vải sạch phủ kín vùng bỏng rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu được sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau rát, giảm phù nề, hạn chế tổn thương và rút ngắn thời gian, chi phí điều trị.

Trong dân gian thường truyền tụng nhau cách xử trí bỏng bằng cách dùng nước mắm rửa vết bỏng hay bôi kem đánh răng vào nước bỏng. Tuy nhiên đây là cách làm phản khoa học vì trong nước mắm có đạm, protein dễ cho vi khuẩn phát triển nên nếu dùng để rửa vết bỏng rất dễ bị nhiễm trùng, còn kem đánh răng là môi trường kiềm khắc với môi trường vùng bỏng nên sẽ làm đau và sót hơn cho bệnh nhân. Việc bôi mẻ hay các loại nhựa cây cũng không được khuyến cáo áp dụng. 
Nguyễn Phan/ANTĐ