Vụ sếp lương “khủng”: “Cách chức, khai trừ Đảng vẫn chưa tương xứng"

09/09/2013 06:47
Viết Cường
(GDVN) - Theo LS Trần Đình Triển, với hành vi đó mà chỉ cách chức, khai trừ Đảng rồi buộc thôi việc thì chưa tương xứng với tính chất của hành vi vi phạm, vì vậy không làm gương được và cũng không có ý nghĩa cao về giáo dục và phòng ngừa chung…

Mới đây UBND TP.HCM đã có quyết định đình chỉ chức vụ đối với 8 cá nhân trong vụ hưởng “lương khủng” của 4 doanh nghiệp công ích tại thành phố này.

Theo thông tin từ ủy ban TP.HCM, các cá nhân này có những vi phạm tại điểm C, mục 5, điều 5, Quy định 181 của Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, cụ thể là làm mất uy tín của bản thân, tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác; mất đoàn kết nội bộ, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm mất niềm tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng hoặc gây lãng phí, thất thoát về tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

Việc tiến hành kiểm điểm các cá nhân có liên quan nhằm xử nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, trả lại sự công bằng cho người lao động. Trước mắt, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xử lý thu hồi ngay, đầy đủ số tiền đã chi sai nguyên tắc để nộp vào ngân sách và sau đó sẽ dùng khoản tiền thu hồi này để thanh toán cho người lao động theo đúng chính sách, chế độ quy định.

“Cần phải khởi tố vụ án”

Trao đổi với PV về những diễn biến trong việc các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, Tiến sỹ-Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn LS TP.HN) cho biết, dưới góc độ cá nhân là một người luật sư, ông đánh giá rất cao cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, mà cụ thể là các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã xử lí vụ việc một cách kịp thời.

Tiến sỹ-Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn LS TP.HN)
Tiến sỹ-Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn LS TP.HN)

Tuy nhiên luật sư này cũng cho rằng, với hành vi đó mà chỉ cách chức, khai trừ Đảng, buộc thôi việc thì chưa tương xứng với tính chất của hành vi vi phạm, vì vậy không làm gương được và cũng không có ý nghĩa cao về giáo dục và phòng ngừa chung.

Dưới phương diện pháp lý luật sư Triển nhìn nhận, hành vi của những vị lãnh đạo đó không chỉ là “ăn bớt” tiền bảo hiểm của người lao động mà đây còn là “ăn bớt” tiền của Nhà nước.

Ông nói: “Những vị này đã lợi dụng chức vụ của mình, sử dụng các thủ pháp khác nhau để moi tiền của Nhà nước đưa vào túi riêng hưởng lợi. Ở đây có dấu hiệu vụ việc cấu thành tội tham ô tài sản. Do đó, cần phải khởi tố vụ án và xử lí về hình sự tội tham ô tài sản mới đúng quy định của pháp luật. Như vậy xử lí mới được nghiêm và có ý nghĩa giáo dục phòng ngừa chung”.

Sai phạm là tại… cơ chế?

Qua sự việc vừa rồi Luật sư Triển cho rằng, chúng ta cần phải rút ra bài học về phương diện quản lý Nhà nước. Ông dẫn giải: “Trước đây khi còn ở thời kỳ kinh tế bao cấp thì chủ yếu là thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể. Như thế không được năng động, không nêu cao được vai trò quản lí của người lao động, không có tính cạnh tranh cao, thậm chí đã có lúc chúng ta còn ví các doanh nghiệp nhà nước như những con “bò sữa”.

Nhiều lãnh đạo của các công ty Nhà nước dù công ty làm ăn thua lỗ nhưng vẫn lĩnh lương cao ngất ngưởng. (Ảnh minh họa)
Nhiều lãnh đạo của các công ty Nhà nước dù công ty làm ăn thua lỗ nhưng vẫn lĩnh lương cao ngất ngưởng. (Ảnh minh họa)

Khi cơ chế thị trường mở ra, có thêm nhiều thành phần kinh tế và không ít doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Tuy nhiên về cơ bản các công ty Nhà nước họ vẫn có đặc thù riêng, được hưởng lợi từ nguồn vốn ngân sách và có cơ chế ưu đãi, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong đời sống kinh tế xã hội”.

Lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước có lương “khủng” theo ông không phải là câu chuyện cũ. Vào cuối tháng 7/2013, mức lương thực hưởng của lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố đã từng một lần gây sốc dư luận. Chẳng hạn, một số đơn vị mà lương của lãnh đạo cao như Petrolimex, SaigonPetro, Cienco 4, Vinafood 1, Vinafood 2,… có mức lương tới gần 60 triệu đồng/người/tháng.

Luật sư Triển nói: “Lẽ thường, lương cao thì cống hiến phải nhiều, hiệu quả công tác điều hành doanh nghiệp của các vị lãnh đạo đó phải tương xứng. Đằng này, rất nhiều tập đoàn, tổng công ty thua lỗ (theo những thông tin được công bố thì các đơn vị như Petrolimex lỗ 1.671 tỉ đồng, Cienco 8 lỗ 137,9 tỉ đồng, Vinacomin lỗ 19,8 tỉ đồng, Mipeco lỗ 17,1 tỉ đồng….) mà lãnh đạo của những đơn vị đó vẫn ung dung hưởng lương cao ngất ngưởng”.

Theo luật sư, rõ ràng, nếu tính về “thành tích” mà các vị lãnh đạo của Tập đoàn này mang về có thể nhìn thấy ngay là khoản lỗ tính bằng cả nghìn tỷ đồng. Thực tế cho thấy, bài toán cân đối giữa tiền lương với giá trị lao động của lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty đến nay vẫn chỉ là một bất đẳng thức.

“Tôi cho rằng nhất thiết phải tiến hành kiểm toán và thanh tra tất cả hệ thống doanh nghiệp của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương”, Luật sư Triển nhấn mạnh.

"Nếu tình trạng “lương khủng” đã tồn tại từ trước và kéo dài đến bây giờ mới bị phát hiện thì số tiền thất thoát là không nhỏ, có thể khó bồi thường được thì những trường hợp này có dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự". Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Uỷ viên Hội đồng khen thưởng kỷ luật - Đoàn luật sư Hà Nội - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh) đánh giá.
Viết Cường