Xóm 'bà bầu' sinh viên giữa làng Đại học

27/02/2012 07:49

Tìm đến xóm “bà bầu” ngay cạnh trường ĐH KHXH&NV, chúng tôi nghe được những câu chuyện bi hài. 

Nhưng kết cục tất yếu thường là buồn nhiều hơn vui.

Làng Đại học (Thủ Đức, TP.HCM) sau những đầu tư mạnh mẽ đã có nhiều đổi thay và khang trang hơn rất nhiều. Mỗi năm, ở đây đón hàng ngàn sinh viên về sinh sống, học tập. Và phía sau ghế giảng đường, là một “trang giáo án” khác mà nhiều sinh viên thường xuyên “học thuộc”: Sống thử.

“Sống thử” là khái niệm không còn xa vời với hầu hết sinh viên, vì xét cho cùng, nó cũng đã trở thành một vấn đề: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Các cặp đôi sinh viên thường rất bạo dạn khi quyết định cùng nhau sống chung dưới một mái phòng trọ. Họ sống với nhau như những đôi vợ chồng. Nhưng kết cục tất yếu thường là buồn nhiều hơn vui.

Xóm trọ của những "bà bầu" sinh viên

Xóm trọ của những "bà bầu" sinh viên

Tân, sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH& NV văn nhớ lại: Bi hài nhất là có lần phụ huynh lên Thành phố chữa bệnh, có điện thoại thông báo trước sẽ đến kiểm tra tình hình ăn ở, học tập của con. Nào ngờ, lần ấy, Tân lại đang sống chung với bạn gái, nên cố tình né tránh, không muốn bố mẹ thất vọng.

Nghĩ đủ cách, Tân và bạn gái thống nhất phương án chạy trốn khỏi căn phòng nơi mình trú ngụ để tránh được “sự thật” khi mình là “vợ chồng sinh viên”. Thế nên chàng một mặt đặt vấn đề với những bạn trọ, mặt khác hô hào những anh em chiến hữu qua dọn dẹp đồ đạc chuyển sang phòng bên ở nhờ vài bữa nhằm che mắt phụ huynh.

Đến khi phụ huynh vừa ra về khỏi cửa, thì Tân đã lại rục rịch chuẩn bị đồ đạc dọn về phòng kêu bạn gái sang tiếp tục cuộc sống “vợ chồng”.

Hay có trường hợp bi hài khác cũng chỉ có ở xóm trọ này chính là các sinh viên nữ đối phó với cái thai ngày càng lớn dần của mình.

Ấy là những ngày đầu khi cái thai chưa lộ diện, nhiều nữ sinh dùng áo bó sát “ép” cái thai đi vào khuôn khổ để mình có được thân hình như lúc đầu. Thậm chí, khi bị bạn bạn nghi ngờ, thân hình chỉ trong thời gian ngắn đột nhiên phát phì, thì vội lý giải, do “béo”.

Khi lỡ dính bầu, nhiều cặp đôi tỏ ra hoang mang, lo sợ. Ảnh M.H

Khi lỡ dính bầu, nhiều cặp đôi tỏ ra hoang mang, lo sợ. Ảnh M.H

Nguyễn Hoàng Sơn, sinh viên trường ĐH Công nghệ thông tin, giờ đã có một mái ấm bên cô vợ trẻ học sau mình một khóa tủm tỉm: Lúc trước gia đình bên vợ em gia giáo lắm, chỉ cần bố mẹ nghe tiếng con gái biết yêu là sẵn sàng bỏ việc chạy lên đây để dọa nạt. Ngày đó vì quá yêu nên em đánh liều “kích hoạt bom nổ chậm”, chỉ tội cô ấy lo lắng quá nên bỏ học gần hai tuần liền khi biết mình mang bầu.

Tìm mọi cách động viên, cô ấy cũng tạm thời nguôi ngoai và đồng ý đến trường. Mỗi khi lên lớp, biện pháp bạn gái dùng để che giấu là may áo bên trong bó sát, ôm chặt cái thai đang dần lộ diện. Đến ngày gần sinh mà cô ấy vẫn còn áp dụng chiêu thức đó để che mắt mọi người. Cũng may, sau đó “sự việc cũng đã rồi” nên bố mẹ vợ phải chấp nhận cho hai đứa đám cưới.

Nhờ những cặp đôi biết chấp nhận “liều mình” như Tân, Sơn nên giờ ở ngay cạnh trường ĐH KHXH& NV đã hình thành nên xóm “bà bầu” sinh viên. Ở đây, các sinh viên mang bầu thường tụ tập về đây sinh sống, bởi họ không muốn bạn bè nhìn vào bằng ánh mắt coi thường, hơn nữa lại dễ tìm được sự đồng cảm từ những người “cùng cảnh ngộ”.

Trong cuộc sống "vợ chồng", nhiều sinh viên chấp nhận cảnh vừa học vừa nuôi con. Ảnh M.H

Trong cuộc sống "vợ chồng", nhiều sinh viên chấp nhận cảnh vừa học vừa nuôi con. Ảnh M.H

Chúng tôi tìm đến phòng trọ của một cặp “vợ chồng” sinh viên đang sinh sống mới thấy hết những khó khăn mà họ phải đối mặt. Dường như họ đã già hơn so với cái tuổi chỉ biết ăn và học. Căn nhà nhỏ chỉ có vài đồ dùng cho sinh hoạt cùng những kệ sách, ở góc phòng là đồ của con nít được xếp gọn gàng.

Bữa cơm của đôi vợ chồng cũng thật đạm bạc, một đĩa rau muống, vài miếng đậu phụ kho lẫn thịt là cả hai vợ chồng cùng em bé ăn cả ngày. Khi còn yêu nhau, hai người còn có thời gian rảnh đi chơi với nhau, cùng nhau đi uống cà phê, ăn vài ly chè kem, nhưng từ khi có em bé thời gian của hai người đã bó hẹp hơn, chi tiêu cũng tằn tiện hơn. Toàn bộ tiền sinh hoạt trong tháng đều phải trông chờ từ tiền phụ cấp của gia đình gửi.

Ở xóm sinh viên “bà bầu” có những điều khác biệt so với xóm trọ khác, dường như cuộc sống ở đây không có sự ngăn cách. Ở đó, tình người, tình bạn, tình hàng xóm… được thắt chặt nhiều hơn làm cho cuộc sống của những đôi vợ chồng sinh viên bớt đi những cơ cực và ở nơi ấy đầy ắp tinh thần nhân ái.

Trong căn phòng nhỏ, ngổn ngang đồ dùng được vứt tứ phía, mùi khai nồng nặc của trẻ con hắt lên, Ngân vẫn không kịp ngước lên nhìn khách, vén áo quá ngực cho con bú, đứa trẻ mới gần 5 tháng tuổi khóc ngặt. Nhìn vợ “vô tư” trước mặt khách, Hoàng nhắc khéo: “Em bồng con lên gác cho nó bú, ở đây có bạn anh mới đến chơi”. Ngân chẳng buồn ngó ngàng, nói xong chuyện: “Trên đó nóng, con lại khó chịu”. Hoàng nói lảng chủ đề, đưa ánh mắt ái ngại nhìn chúng tôi.

Qua những câu chuyện, Hoàng bảo hai “vợ chồng” vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng “vỡ kế hoạch” nên phải chấp nhận. Vợ đang học năm cuối, phải xin nhà trường bảo lưu kết quả, chờ cho con cứng chút rồi gửi về bên nội nhờ chăm nuôi.

Từ lúc về sống chung với nhau, không cần cưới hỏi, không nghề nghiệp, khiến cuộc sống của đôi “vợ chồng” trẻ thêm khốn khó trăm bề. Trước Hoàng còn hay nhậu nhẹt, hay la cà cà phê, hút thuốc, nhưng nay thì bỏ tiệt, tiết kiệm có tiền mua sữa cho con.

Cũng may, dù cuộc sống tất bật, bộn bề với những lo toan nhưng “vợ chồng” Hoàng may mắn khi luôn có những hàng xóm cùng cảnh ngộ chia sẻ, đặc biệt là các bạn học cùng lớp, thường xuyên ghé đến thăm, giúp đỡ.

“Có lần vợ ốm, em luống cuống không biết làm sao để chăm sóc đứa bé thì có mấy bạn gái của bên “vợ” thường xuyên qua lại dọn dẹp, chăm sóc cháu bé rất chu đáo”- Hoàng kể.

Màn đêm buông xuống, vang vọng trong xóm trọ “bà bầu” sinh viên là tiếng à ơi ru con, tiếng nói cười của các bạn trẻ, tiếng thủ thỉ của từng cặp tình nhân hò hẹn. Và, phía sau mỗi đêm tình sinh viên ấy, xóm “bà bầu” lại có thể đón nhận thêm một hàng xóm mới.

GIANG UYÊN/Theo Infone