Nói đến vùng đất Nam Bộ, người ta hay nói đến sự trù phú của vùng đất này về các nguồn lợi tự nhiên, vùng đất “làm chơi ăn thiệt”. Thật vậy, thiên nhiên nơi đây rất ưu đãi cho con người, con người không phải làm lụng nhiều mà vẫn có cái ăn, cái mặc quanh năm. Món ăn của người dân Nam Bộ gắn liền với các thực phẩm đến từ thiên nhiên một cách thuần túy điển hình như các loại cá tôm bắt từ ruộng đồng, sông nước hay các loại rau củ trồng vườn hoặc mọc tự nhiên khắp nơi. Người miền Nam có thể ăn đủ các loại rau, từ rau đắng, rau dềnh, rau răm, rau thơm, bồ ngót, mồng tơi, rau tập tàng, cải xanh, cải trời, tía tô, hành, hẹ, ngò gai, ngò rí… đến các loại cây, đọt cây, các loại bông, như: bông điên điển, cù nèo, đọt vừng, lá xoài, lá cách… Trong danh mục này, có thứ dùng để ăn sống, có thứ dùng để nấu canh, có thứ luộc lên chấm với cá kho, thịt kho, hay nước chấm.
"Chỉ có một món kho thôi, người miền Nam cũng có nhiều cách kho khác nhau như: kho tiêu, kho tộ, kho quẹt, kho khô, kho mẳn, kho riệu…" |
Tính sáng tạo trong ẩm thực miền Nam thể hiện ở hai phương diện một là việc chế biến rất nhiều các món ăn khác nhau từ một loại thực phẩm, điển hình như với cá lóc, người miền Nam có thể chế biến ra hơn 20 món khác nhau như canh chua cá lóc, cá lóc nướng trui, mắm cá lóc, khô cá lóc, cá lóc kho hột vịt, cháo cá lóc, cá lóc chiên cháy v.v Kế đến, từ một món ăn người ta có thể chế biến bằng nhiều loại thực phẩm khác nhau ví dụ như chỉ với món kho đã có cá lóc kho, cá trê kho, cá hủn hỉn kho tiêu, cá sặc kho, cá chạch kho, cá rô kho, cá lòng ròng kho… còn có cả gà kho và dừa kho nữa. Chưa kể đến, ngay chỉ có một món kho thôi, người ta cũng có nhiều cách kho khác nhau, như: kho tiêu, kho tộ, kho quẹt, kho khô, kho mẳn, kho riệu…
Cá lóc nướng trui ở miền Tây là một món ăn có cách chế biến rất giản dị nhưng cũng rất độc đáo. Người miền Tây có khi nướng trui cá lóc ngay lúc làm đồng, lúc vừa mới bắt được. Từ họng con cá lóc người ta xỏ vào một thanh tre sau đó cấm đầu còn lại của thanh tre ấy xuống đất. Tiếp theo là dùng rơm khô có sẵn ngoài đồng ruộng chất lên và đốt. Cá lóc nướng như thế này chín rất đều, thịt cá tươi và giữ lại nguyên chất vị ngọt Umami và dậy mùi thơm hòa quyện với mùi rơm khô, nếu có thêm xị rượu trắng (rượu đế), tí hạt muối ngồi nhâm nhi thì không ai có thể chối từ.
"Không gì tuyệt vời hơn khi thưởng thức món cá lóc đồng nướng trui chấm nước mắm chua ngọt đậm đà vị Umami và nhâm nhi cùng xị rượu đế rất Nam Bộ" |
"Lẩu mắm miền Tây là một đặc sản đậm đà vị Umami hàng đầu của ẩm thực Nam Bộ do có sự kết hợp của rất nhiều nguyên liệu thực phẩm và rau củ quả" |
Nói đến ẩm thực Nam Bộ không thể không nhắc đến vùng đất Sài Gòn, nơi đây được xem là kinh đô ẩm thực của miền Nam, nơi hội tụ nhiều món ăn từ dân dã nhất đến thượng hạng nhất, nơi có sự kết hợp cực kì đa dạng và phong phú giữa ẩm thực của khắp các vùng miền tổ quốc chưa kể đến ảnh hưởng của các nền văn hóa ẩm thực khác nhau trên thế giới trong quá trình hội nhập. Người Sài Gòn chính gốc đôi khi cũng có thể bối rối khi được hỏi về món đặc sản Sài Thành – nơi mà hàng trăm hàng ngàn món ăn các xứ tụ hội, món gì cũng có, cũng pha sẵn trong từng món ăn một chút đặc trưng riêng của mình, nhưng lại chẳng có món gì thuần chất riêng biệt. Tuy nhiên, từ trong bản chất món ăn Sài Gòn chịu nhiều ảnh hưởng của vùng đất phương Nam đầy nắng gió để càng lúc càng nâng cao, phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu nhưng vẫn giữ được cái hồn của ẩm thực phương Nam từ thời khẩn hoang mở đất là rất phóng khoáng, không câu nệ cầu kì với khẩu vị tổng hợp một cách hài hòa như: ngọt nhiều, béo nhiều, chua nhiều, đắng vừa, cay vừa, mặn vừa và đặc biệt luôn đậm đà vị Umami đến từ các loại rau củ quả và thịt xương đa dạng.
"Cơm Tấm Sài Gòn" |
Cơm Tấm Sài Gòn
Vừa qua CNN tiến hành bình chọn top danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới và món gỏi cuốn của Sài Gòn đã vinh hạnh lọt vào danh sách này. Gỏi cuốn dù xuất hiện ở nơi cao sang hay bình dị đều không mất đi nét đặc trưng vốn có: cuốn bánh tráng mỏng, bên trong là rau thơm, bún, tôm, thịt. Vị umami từ tôm, thịt hay các loại rau hòa quyện với vị mặn, ngọt, cay của tương, vị béo của đậu phộng tạo nên một món cuốn đậm đà hương vị. Bên cạnh đó Sài Gòn cũng nổi tiếng với món cơm Tấm cũng được bình chọn vào top những món ăn giá trị ẩm thực Châu Á.
Món ăn Nam Bộ cũng giống như người dân Nam Bộ vậy: dân dã và bình dị. Vùng đất miền Nam trù phú, được thiên nhiên ưu đãi với những nguyên liệu từ đồng ruộng đã giúp cho người dân nơi đây thỏa sức sáng tạo để làm nên những món ăn không cầu kỳ trong chế biến, không phức tạp trong trình bày nhưng lại hấp dẫn thực khách bởi vị Umami đậm đà. Và chính từ đó, món ăn Nam bộ đã góp một phần quan trọng trong việc hình thành văn hóa ẩm thực Việt Nam đa dạng và ngày càng thu hút sự chú ý và quan tâm của những ai yêu thích ẩm thực trên toàn thế giới.