Tìm việc làm thêm dịp hè, GV rơi vào bẫy của nhóm lừa đảo, suýt mất lương cả năm

02/07/2023 07:25
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tưởng chừng sẽ kiếm được một công việc trong kỳ nghỉ hè, nhưng khi "tiền mất, tật mang", nữ giáo viên mới biết mình đã rơi vào cạm bẫy của nhóm lừa đảo.

Trong kỳ nghỉ hè, nhiều giáo viên tranh thủ kiếm công việc làm thêm để gia tăng thu nhập quãng thời gian rảnh rỗi. Đặc biệt, đối với giáo viên hợp đồng là những người không được nhận lương từ nhà trường trong ba tháng hè, việc làm thêm đối với họ lại trở thành nhu cầu cần thiết.

Là một bà mẹ "bỉm sữa", chị Nguyễn Thị Hương (giáo viên dạy hợp đồng, công tác trên địa bàn Thành phố Hà Nội) vẫn không khỏi bàng hoàng việc "tiền mất, tật mang" khi tìm việc làm thêm trên mạng.

Chị Hương kể lại, vào đầu tháng 6 vừa qua, chị đọc được một bài viết trên mạng xã hội Facebook trong một nhóm Hội cư dân trên địa bàn có nội dung: "Cần tuyển nữ đã lập gia đình làm công việc nhập mã quần áo trẻ em. Tháng đầu 4 triệu đồng, không cần chốt đơn nhé. Ưu tiên mẹ bỉm sữa".

Đánh trúng tâm lý của những bà mẹ "bỉm sữa" đang cần công việc làm thêm, những kẻ lừa đảo đã đăng tin tuyển dụng lên các hội nhóm. (Ảnh: NVCC)Đánh trúng tâm lý của những bà mẹ "bỉm sữa" đang cần công việc làm thêm, những kẻ lừa đảo đã đăng tin tuyển dụng lên các hội nhóm. (Ảnh: NVCC)

Đọc được bài viết trên, chị Hương vui như "mở cờ" trong bụng vì đánh trúng tâm lý chị có thể làm việc tại nhà, kiếm thêm thu nhập để mua bỉm, sữa cho con nhỏ. Chị liền nhắn tin cho người đăng tải bài viết có nick name Linh Nguyễn để hỏi về nội dung công việc.

"Công việc của bạn chỉ là nhập lệnh theo chuyên viên để tạo sự tương tác cho mặt hàng, không cần đăng bài bán hàng. Bốn tháng trước, trong nhóm có bà trúng thưởng 39 triệu đồng xong về lộc lá cho cả nhóm....", nữ giáo viên kể lại lời giới thiệu của người tuyển dụng.

Theo như cô gái có tên Facebook Linh Nguyễn này cho hay, chị ta làm công việc nhập lệnh này được gần 6 tháng. Trước đó, người này được chị gái giới thiệu vào làm, ban đầu Linh cũng có tâm lý e sợ.

“Linh cũng nói với tôi là khi bản thân làm được 2 tháng, nếu tôi giới thiệu người vào làm sẽ nhận được hoa hồng”, chị Hương nói và cho hay, nick Facebook của người này có tương tác, hoạt động bình thường nên tạo được lòng tin cho cô ban đầu.

Tiếp đó, để tìm hiểu thêm về công việc, chị Hương được kết nối qua ứng dụng Telegram với nick name là Trợ lý Ngọc Lan. Việc trao đổi công việc qua ứng dụng này nhằm giúp bảo mật cao hơn so với Zalo và Facebook.

Qua hướng dẫn của Ngọc Lan, chị Hương vào link website theo địa chỉ người này cho để đăng ký tài khoản và sau đó là liên kết tài khoản.

Góc ngoài cùng bên trái màn hình là giao diện hệ thống website của những kẻ lừa đảo. Tiếp đó là thủ tục liên kết tài khoản ngân hàng, người dùng liên kết bằng cách nhập tên ngân hàng - số tài khoản và tên chủ tài khoản. (Ảnh: NVCC)

Góc ngoài cùng bên trái màn hình là giao diện hệ thống website của những kẻ lừa đảo. Tiếp đó là thủ tục liên kết tài khoản ngân hàng, người dùng liên kết bằng cách nhập tên ngân hàng - số tài khoản và tên chủ tài khoản. (Ảnh: NVCC)

Sau khi hoàn thiện các thủ tục trên, nữ giáo viên được nick name Trợ lý Ngọc Lan cho vào một nhóm khác trong App này.

“Tôi được vào nhóm 'Group tương tác nhập mã' gồm 6 thành viên, ngoài Trợ lý Ngọc Lan đã trao đổi với công việc với tôi còn có một người đọc lệnh là Trần Anh Tài, 4 người khác là khách hàng nhưng mãi sau này tôi mới biết họ đều trong nhóm lừa đảo”, nữ giáo viên chia sẻ.

Nữ giáo viên kể tiếp, chị được hướng dẫn, một ngày có 3 ca nhập lệnh, mỗi ca trong khoảng 3 phút. Người nhập lệnh phải điền ký tự số theo lệnh của Trần Anh Tài, và chọn ô số điểm tương ứng với số tiền trong các ca. Hoàn thành công việc, hệ thống sẽ cộng điểm cho người nhập lệnh và họ có thể rút tiền về tài khoản.

Ví như trong ca 1, có 6 ô điểm là 50-100-150-200-250-300, nếu người nhập lệnh chọn 100 điểm thì khi hoàn thành sẽ nhận hoa hồng và gốc là 150 điểm tương đương 150 nghìn đồng (chị Hương lãi 50 nghìn đồng). Tiếp đó, ở vòng 2, chị Hương làm theo nhập lệnh 500 điểm và nhận được hoa hồng cộng gốc là 650 điểm (chị lãi 150 nghìn đồng). Chị đã rút được hai lần tiền thưởng trên.

Nội dung chat giữa người đọc lệnh với các nhân viên, nhưng thực tế đều là thành viên của nhóm lừa đảo (Ảnh: NVCC)Nội dung chat giữa người đọc lệnh với các nhân viên, nhưng thực tế đều là thành viên của nhóm lừa đảo (Ảnh: NVCC)

Kiếm được 200 nghìn đồng chỉ trong thời gian ngắn, chị Hương tham gia nốt ca 3 với số điểm giao dịch thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất là 8 triệu đồng. Chị cũng đã trò chuyện với người từng nhận được 39 triệu đồng từ hệ thống, được nick name Linh Nguyễn giới thiệu với chị. Và sự thật đúng như người tuyển dụng đã nói, vì vậy, chị đặt niềm tin vào công việc này.

Chị Hương đã chuyển 3 triệu đồng tới số tài khoản 0360101499xxxx của một ngân hàng với tên chủ tài khoản là Trịnh Thị Thu H., và chị được thưởng thêm 888 điểm (tương ứng 888 nghìn đồng) đúng như người "hô lệnh" nói.

Nhập lệnh lần 3 xong, hệ thống thông báo chị nhận được "phần quà may mắn từ Legend trị giá 37,7 triệu đồng". Chị Hương vui mừng vì chưa bao giờ chị kiếm được số tiền lớn trong quãng thời gian ngắn, bằng gần cả năm đi dạy học của chị.

"Tôi vào hệ thống để rút tiền về tài khoản nhưng không thành công. Tôi liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng thì được hướng dẫn, tôi phải nạp 37,7 triệu đồng tương ứng xong hệ thống sẽ chuyển khoản cả gốc và hoa hồng là hơn 75 triệu đồng về cho tôi. Thấy vậy, tôi mới chột dạ...", chị Hương kể.

Khi nhận được thông báo trúng thưởng số tiền lớn, chị Hương đã trao đổi với bộ phận chăm sóc khách hàng và có hỏi thông tin, địa chỉ công ty để kiểm chứng. (Ảnh: NVCC)Khi nhận được thông báo trúng thưởng số tiền lớn, chị Hương đã trao đổi với bộ phận chăm sóc khách hàng và có hỏi thông tin, địa chỉ công ty để kiểm chứng. (Ảnh: NVCC)

Chị Hương kể tiếp, khi này chị mới kể sự việc cho chồng biết để nhận lời khuyên. Chồng chị nhận thấy đây là hoạt động có dấu hiệu lừa đảo, cần phải tìm hiểu về đơn vị này.... Chị Hương sau đó có tìm hiểu trên mạng thì thấy báo chí từng cảnh báo về hành vi lừa đảo công việc như của chị đang làm.

"Lúc này, tôi mới ngả ngửa là mình gặp phải nhóm lừa đảo. May mắn là tôi chưa chuyển khoản hơn 37 triệu đồng cho chúng. Nếu không, số tiền trên bằng gần cả năm lương của tôi đi dạy học. Hiện trong tài khoản của chị trong hệ thống nhập lệnh trên vẫn còn một ít tiền nhưng không rút được", nữ giáo viên nói.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Trung - Founder & CEO Công ty an ninh mạng CyStack cho hay, hình thức lừa đảo đối với trường hợp của nữ giáo viên trên rất tinh vi, xảo quyệt. Chúng lừa đảo có tổ chức theo nhóm, lừa đảo theo nhiều hình thức.

Ví như với người tuyển dụng việc làm của trường hợp trên, trang cá nhân Facebook của người tuyển dụng có hồ sơ "đẹp", nhiều tương tác như like, share, coment, nhưng những kẻ lừa đảo có thể dùng phần mềm để làm điều đó. Việc này cũng tương tự như trên ứng dụng Telegram, chúng có thể tạo ra nhiều thành viên trong nhóm hoặc cũng có thể trực tiếp tham gia.

Về thông tin tài khoản ngân hàng để nạn nhân nạp tiền vào hệ thống, những kẻ lừa đảo có thể mua lại những tài khoản, hoặc ăn cắp tài khoản nên khó có thể truy tìm chúng.

Đối với hệ thống máy chủ, những kẻ lừa đảo sẽ đặt máy chủ tại nước ngoài và được bảo mật từ nhà cung cấp.

Theo chuyên gia, để tránh sự rủi ro, người dân có thể tra cứu qua mạng internet nhằm xem số tài khoản ngân hàng của những đơn vị tuyển dụng việc làm đã bị "report" (báo cáo) hay chưa, hoặc báo chí đã phản ánh chưa.

"Thủ đoạn lừa đảo trên đã có khoảng một năm rồi. Cách đây khoảng một tuần trước, có nạn nhân bị lừa đảo như trên mất hơn 20 triệu đồng, gọi điện đến nhờ chúng tôi truy tìm những kẻ lừa đảo, tuy nhiên điều này là bất khả thi.

Theo tôi, không có biện pháp kỹ thuật nào để chống lại loại hình lừa đảo trên mạng này, cách duy nhất là người dân phải tự trang bị kiến thức qua sách, báo....", chuyên gia bảo mật chia sẻ.

Mạnh Đoàn