Cuối tháng 6, nhiều trường phổ thông đang lên kế hoạch tổ chức tuyển sinh, cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học mới. Đối với vai trò của các lãnh đạo nhà trường, trách nhiệm công việc trong quãng thời gian này cũng bận rộn không kém so với thời gian trong năm học.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Anh Tuấn (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở - trung học phổ thông huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) cho hay, trong quãng thời gian nghỉ hè, nhà trường phân ra 3 nhóm đối tượng.
Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở - trung học phổ thông huyện Hàm Yên (Ảnh: website nhà trường) |
Cụ thể, nhóm nhân viên và nhóm quản lý nhà trường gồm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng vẫn đi làm bình thường, và cuối cùng là nhóm giáo viên sẽ có một số thầy cô đi tập huấn bồi dưỡng chuyên môn 3 tháng như giáo viên dạy môn Hoá, Sinh, Lịch Sử, Địa lý, còn lại những thầy cô khác đi tập huấn theo lịch của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thầy Tuấn cho biết, 3 tháng nghỉ hè với thầy, không có gì khác nhiều so với trong năm học. Theo đó, công việc về hồ sơ sổ sách cũng khá nhiều, ví dụ như thời điểm này, thầy Tuấn phải làm hoàn thiện hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 và lớp 6, bên cạnh đó là mua sắm cơ sở vật chất cho năm học mới.
Thầy Hà Anh Tuấn. (Ảnh: website nhà trường) |
Năm học tới đây, nhà trường sẽ xây dựng thêm nhà ăn, bổ sung 70 chỉ tuyển sinh (tổng số học sinh là 490).
Do công việc bận rộn nên con cái ở nhà được ông bà và mẹ chăm nom. Nhiều lúc đi làm về, bố con chỉ trò chuyện được với nhau lúc ăn cơm, ăn xong con lại lên phòng học, còn bố cũng vào bàn làm việc.
“Nhiều lúc, tôi chưa làm xong công việc vào ban ngày nên buổi tối lại cố gắng hoàn thiện. Nếu như giáo viên có thời gian để cho con đi nghỉ mát nhưng tôi thì rất khó”, thầy Tuấn nói.
Cô Nông Thị Thí (Trường trung học cơ sở Thượng Giáp, Na Hang, Tuyên Quang) cho hay, trong kì nghỉ hè, nếu có nhiệm vụ được nhà trường sắp xếp, giáo viên vẫn sẽ thực hiện theo sự phân công.
Trong quãng thời gian này, cô Thí cũng phụ giúp chồng làm nông nghiệp, chăm lo vài sào ruộng, cùng với đó là phát cỏ cho 1 hecta cây Mỡ…
“Thời gian tôi đi dạy học cũng không phụ giúp được công việc cho chồng", cô Thí cười nói.
Nữ giáo viên cũng cho biết, địa bàn nơi cô sống là vùng sâu vùng xa nên bản thân cô cũng không kiếm thêm được công việc để làm thêm.
Chia sẻ về quãng thời gian nghỉ hè, một thầy giáo đang công tác tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Bắc Phong, Cao Phong, Hoà Bình cho hay, trong quãng thời gian nghỉ hè, thầy được đi bồi dưỡng theo lịch tập huấn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Gia đình thầy đang sinh sống tại một chung cư ở thành phố Hoà Bình, vợ thầy làm trong doanh nghiệp. Cuộc sống gấp gáp, hối hả, nên hai vợ chồng có ít thời gian gần con hơn. Vì vậy, quãng thời gian nghỉ hè là lúc để hai người gắn bó với con nhiều hơn.
“Khi đi làm thì tôi cũng rất bận rộn với giáo án, sổ sách, có ít thời gian kèm cặp hai con học hành. Giờ được nghỉ hè, tôi có nhiều thời gian hơn dành cho con”, thầy giáo này chia sẻ.
Bên cạnh việc nhà trường tổ chức cho các con đi dã ngoại, trong đợt nghỉ hè, thầy cũng dự kiến cho các con đi nghỉ mát. Đây là điều mà các con mong đợi từ lâu.
Một nữ giáo viên tại Trường trung học cơ sở Yên Thượng, Cao Phong, Hoà Bình chia sẻ, khi đi dạy học, hằng ngày cô phải dậy sớm từ lúc 5 giờ sáng để nấu cơm cho hai con. Sau đó đến khoảng 6 giờ là cô lái xe đến trường với quãng đường 17 km đường đèo quanh co, khúc khuỷu.
Đến buổi trưa, cô và chồng đều không có ở nhà nên đứa lớn phải chăm nom đứa em trong bữa trưa. Khi đi học về, người anh sẽ cắm lại nồi cơm cho nóng, đun lại thức ăn, hoặc đến chiều anh sẽ thay bộ quần áo khác cho em đi học.
“Chồng tôi cũng đi làm ở ngoài, vì vậy buổi trưa hai con ăn cơm ở nhà với nhau. Đến chiều tối tôi mới về nhà, tôi thấy hai anh em làm đúng như tôi bảo, tôi cũng rất vui”, nữ giáo viên chia sẻ.
Trong quãng thời gian được nghỉ hè, nữ giáo viên cũng kèm cặp, bảo ban các con nhiều hơn về việc học hành, giấc ngủ đảm bảo hơn. Bên cạnh đó, người mẹ hai con cũng làm các việc nhà được nhiều hơn.
Chia sẻ về công việc, trước kia cô công tác trường ở thị trấn và 4 năm học vừa qua, cô thực hiện nhiệm vụ lên vùng cao công tác trong 5 năm học. Nữ giáo viên hy vọng, sau khi hết 5 năm công tác vùng cao, cô có thể về giảng dạy gần nhà để có thêm thời gian chăm sóc gia đình và các con.