Khi trời tờ mờ tối, có thời gian rảnh rỗi, cô Xa Thị Hương (giáo viên Trường mầm non Vầy Nưa, Đà Bắc, Hoà Bình) lại chèo thuyền và mang theo một chiếc thùng xốp to, hướng đến vị trí đặt 2 chiếc vó được cố định trên lòng sông.
Người phụ nữ trung niên này khéo léo đi qua đoạn thân cây được buộc chặt cố định vào chiếc vó. Kéo lưới lên, cô Hương dùng chiếc chậu vớt cá sông loại to, loại nhỏ đều cho vào thùng xốp để mang về làm thức ăn cho 7 lồng bè cá lăng, trắm đen...
Cô Hương cất vó được mẻ cá to. (Ảnh: NVCC) |
"Sống ở vùng sông nước, tôi biết bơi từ khi còn bé và bơi rất giỏi. Giờ đây đã có tuổi, tôi chỉ bơi được một đoạn là mệt.
Nhà tôi nuôi bảy, tám lồng mỗi lồng rộng 24 mét vuông trên sông Đà, nếu mua thức ăn công nghiệp cho chúng thì gia đình không có điều kiện", cô Hương chia sẻ.
Nữ giáo viên cho biết, nếu như khi đi dạy học, cô thường chỉ kéo cá vào lúc 22h hoặc 3-4 giờ sáng, giờ nghỉ hè rảnh rỗi hơn nên cô cũng kéo vó sớm hơn.
Công việc nuôi cá, hay ruộng nương đều do chồng cô gánh vác. Chỉ khi đến thời gian nghỉ hè, cô mới có thời gian để phụ giúp chồng nhiều hơn.
Cô Hương chèo thuyền ra chỗ đặt vó để kiếm cá. Lúc rảnh rỗi, cô lại lên đồi chăm sóc vườn cây keo, sắn. (Ảnh: NVCC) |
Cô Hương cho biết, trong năm học, hết giờ lên lớp về nhà, cô lại “vùi đầu” vào giáo án, sổ sách. Khi không bận các công việc đó, cô lại tự làm các đồ dùng, dụng cụ học tập cho các bé. Để có vật liệu, cô Hương phải đi nhặt những đồ dùng ve chai, các vật liệu phù hợp để làm xoong, ấm chén, tủ, giường… cho học sinh của mình.
Để làm được những đồ vật đó, cô thường lại lên mạng tìm các video hướng dẫn dạy cách làm. Từ đó, cô trở thành "nghệ nhân" một cách bất đắc dĩ.
Cô Hương vào rừng kiếm măng. (Ảnh: NVCC) |
“Nhiều cô giáo trẻ rất sáng tạo, khéo léo làm đồ rất đẹp, còn chúng tôi đã có tuổi nên đồ vật cũng chưa được đẹp bằng”, nữ giáo viên khiêm tốn nói.
Cô Hương nhớ lại, cách đây khoảng 7- 8 năm về trước, đường sá ở nơi đây là đường đất, nên phụ huynh cũng ngại cho trẻ đi học, giáo viên phải đến vận động phụ huynh. Khi đường sá được xây dựng đẹp đẽ hơn, việc đi lại đỡ vất vả, cuộc sống của người dân cũng khá hơn.
Trước đây, cô từng giảng dạy tại điểm trường nằm ở đảo nhỏ. Để đến được trường, cô phải đi thuyền, có hôm trời đen kịt mưa giông sắp ập xuống, cô vội vã chèo thuyền vào trong bờ tránh trú.
"Khi có mưa giông, trời đen sầm sì, tôi phải chèo thuyền trở vào trong đảo để tránh trú. Hiện nay, tôi đã được chuyển về điểm trường gần trung tâm, đi lại cũng thuận tiện hơn", cô chia sẻ.
Cùng công tác tại Trường mầm non Vầy Nưa, cô Lương Thị Thuý chia sẻ, khi đi dạy, cô cũng tìm cách kiếm thêm thu nhập. Ví như gần dịp Tết, trên đường từ trường về nhà, cô kiếm mối lấy lá dong để chở về chợ gần nhà bán kiếm thêm chút tiền xăng xe hoặc chở thuê nếu ai đặt.
“Làm giáo viên, thu nhập không cao. Nhiều lúc cũng phải tìm công việc để có thêm đồng xăng xe, thêm tiền mua hộp sữa cho con”, nữ giáo viên chia sẻ.
Trong quãng thời gian nghỉ hè, cô Thúy có nhiều thời gian hơn cho công việc làm cộng tác viên bán hàng đồ gia dụng. Công việc này đã gắn bó với cô đã mấy năm rồi.
Theo đó, công việc của cô là đăng bài bán các sản phẩm như nồi cơm điện, quạt… vào các nhóm trên mạng xã hội. Khi có khách đặt hàng, cô sẽ đi xe máy qua cửa hàng để lấy đồ mang về giao cho khách.
Tuy nhiên, việc bán hàng cũng không hề đơn giản, bởi có những nhóm không duyệt bài viết của cô do phải mất phí hoặc bị duyệt bài chậm.
“Tôi cũng làm công việc này được khoảng ba, bốn năm nay rồi. Trong năm học, thứ Bảy, Chủ Nhật tôi mới làm thêm công việc này”, cô Thuý chia sẻ.
Nữ giáo viên cho biết, nếu có một đơn hàng, cô có thể nhận được 10-15 nghìn đồng đủ để mua thêm hộp sữa cho con. Có những ngày không được đơn nào nhưng cũng có ngày, cô được hai, ba đơn hàng. Tính ra, một tháng hè, cô cũng kiếm thêm được khoảng 1-2 triệu đồng.
Với mức thu nhập làm thêm ít ỏi, trong khi quãng thời gian nghỉ hè dài, cô Thúy cũng từng nghĩ mình sẽ đi làm thêm tại công ty. Tuy nhiên, dù nghĩ hè nhưng có những đợt tập huấn mất vài ngày, nếu cô xin công ty cho nghỉ làm thì bản thân cũng thấy ái ngại.
Chia sẻ về những đồng nghiệp khác, cô Thuý cho hay, nhiều giáo viên ở vùng cao nghỉ hè thường đi làm nương rẫy. Hiện khu vực cô và nhiều đồng nghiệp đang sinh sống đang vào vụ măng, các cô sẽ đi kiếm măng để đem bán. Thu nhập từ các công việc này cũng giúp các cô thêm đồng ra đồng vào để chi tiêu cho gia đình.