Xã Phì Nhừ là một xã vùng cao thuộc huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), nơi đây có 100% dân tộc thiểu số người Mông. Điều kiện đời sống vật chất của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ chính sách của nhà nước, con em đều được bố mẹ cho đến trường học.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, nữ giáo viên Lương Thị Thúy (quê ở huyện Điện Biên) may mắn trúng tuyển về trường Tiểu học Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông). Gắn bó với nơi đây cũng đã 11 năm, cô Thúy dường như cũng đã quen với cuộc sống chật chội, bí bách trong căn phòng trọ khép kín khoảng chục mét vuông.
Cô Thúy kể, nhà trường không có ký túc xá nên các giáo viên phải thuê trọ ở ngoài. Căn phòng có giá khoảng 500 nghìn đồng, chưa kể điện, nước. Do chật hẹp, hai người ở cũng hơi chật chội nên cô Thúy cũng như nhiều người khác đều ở một mình, việc nấu nướng tự túc.
Ngôi trường nơi cô Thúy công tác thuộc vùng khó khăn, 100% là dân tộc Mông nên các nhà hảo tâm cũng đến thăm và tặng quà cho học sinh. Trước kia, các giáo viên hay phải đến tận nhà để vận động phụ huynh cho con em đến trường, nhưng kể từ khi nhà nước có chính sách hỗ trợ học sinh, các cô đã bớt được công việc này.
Trường Tiểu học Phì Nhừ (Ảnh: Google Maps) |
Những năm đầu về trường công tác, cô Thúy phải tự học tiếng Mông để giao tiếp với học sinh, phụ huynh. Cái khó với giáo viên là nhiều em phải mất một thời gian để làm quen nghe, hiểu tiếng nói của giáo viên.
Trong năm học, cuối tuần cô thường lái xe máy về với gia đình. Chồng cô cũng đi làm ở ngoài, nên ngày thường hai đứa nhỏ được ông bà nội chăm nom.
Từ trường về nhà khoảng 50 cây số, chặng đường dài với những cung đường đèo quanh co, uốn lượn, cô Thúy dường như cũng đã quá quen nên mất khoảng hơn 1 tiếng về nhà hoặc khi lên trường.
Kì nghỉ hè là quãng thời gian quý giá của cô Thúy khi được ở ngôi nhà thân yêu của mình. Bên cạnh việc chăm nom, kèm cặp học tập cho hai con (một bé học lớp 3, một bé học lớp 1), người mẹ hai con còn làm công việc nhà, chăm sóc hơn 3 sào lúa.
Dù háo hức được bố mẹ cho đi chơi trong dịp hè, nhưng các con cô Thúy chưa bao giờ đòi hỏi bố mẹ. Cô Thúy vui vì điều này và nói, gia đình cũng không có điều kiện nên chỉ cho các con vui chơi ở gần nhà.
“Gia đình cũng chỉ có thể cho các cháu đi chơi trong huyện như đi bơi, đi siêu thị. Các cháu cũng ngoan nên không đòi hỏi gì nhiều”, cô Thúy chia sẻ.
Điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nên nữ giáo viên cũng không khỏi vui mừng chia sẻ về việc từ ngày 1/7 lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng cũng là sự động viên, tiếp thêm niềm đam mê cho cô trong công việc.
Cùng công tác trên địa bàn xã Phì Nhừ, cô Vương Thị Thiệu (Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Phì Nhừ) cho biết, những ngày hè vừa qua, dù ở nhà nhưng cô vẫn phải làm báo cáo công việc được giao để gửi lãnh đạo nhà trường. Bên cạnh đó, nếu địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo có triệu tập cuộc họp, cô sẽ đi họp.
Thời điểm này, nhà trường cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch tuyển sinh và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đơn vị lên trường chuẩn quốc gia.
Vị Phó Hiệu trưởng chia sẻ, nhà trường có 16 điểm trường (điểm trường nhiều nhất là hơn 100 bé), đơn vị vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng giáo viên theo Thông tư 06/2010/TT-BGDĐT, bên cạnh đó có hạng mục đầu tư vẫn chưa được phê duyệt. Điều này khiến các lãnh đạo nhà trường cũng không khỏi sốt ruột.
Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Internet) |
Khi không có công việc, lúc rảnh rỗi, cô Thiệu lại chăm sóc vườn rau, cây ăn quả như mít, xoài, ổi của gia đình. Rồi khi cây cho thu hoạch quả, cô lại đi bán.
“Tôi đèo mẹ ra chợ bán quả, nếu mẹ bận hoặc mệt thì tôi ngồi ở chợ bán hàng. Nếu có khách đặt, tôi lái xe máy để giao hàng cho họ”, cô Thiệu vui vẻ nói.
Năm nay, khi ở nhà, cô Thiệu cũng dành nhiều thời gian để kèm cặp các con học bài, trong đó có đứa lớn tốt nghiệp trung học phổ thông.
Giáo viên Lê Thị Minh (giáo viên mầm non Đông Tiến, Đông Sơn, Thanh Hóa) cho hay, trong kỳ nghỉ hè, dù thời gian được thoải mái hơn khi đến trường nhưng cô cũng như các đồng nghiệp khác, vẫn phải làm các loại báo cáo từ cấp trên giao cho.
Sống ở trung tâm huyện nên gia đình cũng không bận bịu với ruộng đồng, nương rẫy. Thời gian rảnh rỗi, cô dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho gia đình.
Đến tháng 8 hằng năm, cô cùng các giáo viên khác lại đến trường để làm công tác tuyển sinh cho năm học mới.