Ngày 7/9, Ban chấp hành Đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo có thư ngỏ gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc Bộ.
Theo đó, thư ngỏ viết: Trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành Giáo dục. Đặc biệt là với các em học sinh, sinh viên. Trong đó, nhiều học sinh, sinh viên đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách. Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu các điều kiện, phương tiện để học trực tuyến.
Thư ngỏ của Ban chấp hành Đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: T.L) |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Ban Thường vụ Đoàn Bộ phát động chương trình “Ủng hộ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”. Cụ thể:
Thời gian phát động từ 7/9-19/9/2021.
Đối tượng tham gia là đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức, chuyên viên, người lao động tại cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc.
Hình thức quyên góp: máy tính, laptop; điện thoại, máy tính bảng có kết nối 3G, 4G… (mới hoặc cũ còn sử dụng được; kèm sạc nếu có), tiền mặt.
Tuy nhiên, vừa qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dạy học qua truyền hình, bảo đảm cho các em học sinh được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng nhất là những nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thiết nghĩ, Ban chấp hành Đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bổ sung kêu gọi, phát động quyên góp các thiết bị nghe, nhìn (thiết bị còn mới, vì nó rẻ hơn nhiều so với thiết bị dạy học trực tuyến) phục vụ cho việc học qua truyền hình.
Trước đó, ngày 2/9, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ký kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về giải pháp ưu tiên cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình cả nước trong mùa dịch COVID.
Theo đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng phương án dạy học trên truyền hình, cho học sinh phổ thông trong cả nước, để sẵn sàng triển khai ngay trong mùa dịch Covid-19 khi buộc phải kéo dài thời gian đóng cửa trường học, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chần chừ, không cầu toàn; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm gửi thiết bị nghe nhìn cho các địa phương có khó khăn để học sinh những nơi đó được tham gia học tập trên truyền hình.
Cần sớm thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phương thức dạy và học trong mùa dịch Covid-19 để thống nhất hoạt động này trong cả nước, chứ không chỉ dừng ở các hoạt động riêng biệt ở từng địa phương, từng trường như hiện nay.
Từ đó các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các kênh truyền hình/mạng giáo dục ở địa phương lên kế hoạch cụ thể bố trí giáo viên giỏi lên giảng trên kênh truyền hình khi được phân công (như Hà Nội đã làm rất hiệu quả) và tham gia tích cực trong việc hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho học sinh, cùng hội cha mẹ học sinh triển khai việc tổ chức học qua truyền hình cho các nhóm nhỏ học sinh tại địa bàn, giám sát việc học và đánh giá kết qủa học tập của học sinh,… nhằm khắc phục một số hạn chế vốn có của phương thức dạy học trên truyền hình.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc kết hợp hài hòa giữa hai phương thức dạy học truyền thống và dạy học truyền hình/trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc dạy học chỉ theo từng phương thức riêng biệt.
Còn dạy học trực tuyến là phương thức dạy học chủ lực tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp, có kết hợp một cách hợp lý, tùy tình hình cụ thể, với các phương thức dạy trực tiếp.
Đối với giáo dục phổ thông chỉ cho phép áp dụng đại trà dạy và học trực tuyến ở những cơ sở giáo dục phổ thông (chủ yếu cho cấp trung học phổ thông) có phương thức dạy thực sự “trực tuyến” và phải bảo đảm cho 100% học sinh của những cơ sở đó có đủ điều kiện để học trực tuyến. Trong trường hợp ngược lại, dạy học trực tuyến chỉ nên áp dụng riêng lẻ cho các bài học nâng cao hoặc bổ trợ cho những nhóm học sinh có điều kiện về kinh tế.