Dạy học cho bậc phổ thông giữa đại dịch COVID, phương thức nào nên là chủ chốt?

05/09/2021 07:58
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với giáo dục phổ thông, đặc biệt đối với các cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở thì phương thức dạy học qua truyền hình có nhiều ưu điểm nổi trội hơn.

Gần hai năm qua đại dịch Covid- 19 đã diễn biến ngày càng phức tạp và lan truyền nhanh cả trên thế giới cũng như tại nhiều địa phương của Việt Nam. Đến nay, WHO vẫn chưa đánh giá được mức độ thảm hoạ và thời gian kéo dài đến lúc nào.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong mùa dịch Covid-19 là cần thiết nhưng nếu kéo dài, hơn hai mươi triệu học sinh, sinh viên nghỉ học quá lâu sẽ tác động xấu nhiều mặt đến giáo dục và xã hội. Tốt hơn là, toàn xã hội cần chung sức với ngành giáo dục triển khai các giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể của đại dịch mà không chỉ thụ động cho học sinh, sinh viên nghỉ học chờ hết dịch.

Với tinh thần trên, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị lên Chính phủ giải pháp cho học sinh, sinh viên được chủ động chuyển sang học đại trà theo phương thức từ xa (bao gồm dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình) ngay trong mùa dịch Covid-19.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay từ tháng 3/2020 phương thức dạy và học ở một số địa phương đã có sự chuyển biến để thích ứng với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Đặc biệt tại Hà Nội, lãnh đạo Thành phố đã nhanh chóng quyết định triển khai dạy đại trà trên Kênh truyền hình Hà Nội, trước mắt cho các khối lớp 9 và 12, bắt đầu từ ngày 9/3/2020 và cho các khối lớp phổ thông còn lại (từ lớp 4 đến lớp 12) từ ngày 19/3/2020. Đây là một chủ trương đúng đắn kịp thời và được xã hội đồng tình ủng hộ.

Tiếp theo Hà Nội, hàng chục tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc dạy học cho học sinh trên kênh truyền hình của địa phương. Bên cạnh đó, việc triển khai dạy học trực tuyến cũng được thực hiện ở một số trường, cả đại học lẫn phổ thông.

Qua thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại thời gian đó, có thể thấy việc chuyển qua phương thức dạy từ xa, đặc biệt là dạy học qua truyền hình, trong mùa dịch Covid-19 được xã hội hết sức ủng hộ.

Tuy nhiên qua theo dõi, lãnh đạo Hiệp hội nhận thấy một điều không bình thường là sau làn sóng thứ nhất của dịch, trong giáo dục ở mọi cấp đang có xu hướng chạy theo “mốt” chỉ tập trung vào phương thức dạy học trực tuyến. Ngoài ra còn thiếu sự thống nhất trong chỉ đạo triển khai dạy học từ xa, đặc biệt là dạy học qua truyền hình, cho khối giáo dục phổ thông ở quy mô cả nước.

Dạy học trên truyền hình là biện pháp Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị khi xảy ra thiên tai, dịch họa mà học sinh phải nghỉ như hiện nay. (Ảnh chụp màn hình truyền hình Đồng Nai)

Dạy học trên truyền hình là biện pháp Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị khi xảy ra thiên tai, dịch họa mà học sinh phải nghỉ như hiện nay. (Ảnh chụp màn hình truyền hình Đồng Nai)

Theo Hiệp hội, dạy học qua truyền hình và dạy học trực tuyến có các đặc điểm và những điểm mạnh, yếu khác nhau. Tuy nhiên đối với giáo dục phổ thông, đặc biệt đối với các cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở thì phương thức dạy học qua truyền hình có nhiều ưu điểm nổi trội hơn, vì:

Dưới góc nhìn của tâm lý học lứa tuổi, kinh nghiệm thế giới cho thấy học sinh phổ thông, đặc biệt ở các cấp Tiểu học và Trung học cơ sở thích hợp với dạy học qua truyền hình hơn là với dạy học trực tuyến.

Hơn nữa, dạy học trên truyền hình cho bậc học phổ thông ở Việt Nam có tính khả thi cao hơn so với dạy học trực tuyến bởi vì các điều kiện để triển khai nó hầu như đã có sẵn, bao gồm: kênh truyền hình, đội ngũ đạo diễn truyền hình, đội ngũ kỹ thuật viên, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, hệ thống giáo án,…

Nếu không quá cầu toàn thì có thể thấy cách dạy trên truyền hình và cách dạy truyền thống giống nhau về cơ bản (chỉ khác đôi chút là ở chỗ trường hợp này người thầy đứng trước học sinh còn trường hợp kia người thầy đứng trước camera). Đầu tư cho dạy học trên truyền hình sẽ không lớn nếu biết khai thác mạng lưới truyền hình quốc gia to lớn đang có (bao gồm cả truyền hình trung ương lẫn truyền hình địa phương) mà nhìn chung còn chưa sử dụng hết công suất.

So với dạy học truyền thống và dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình bị hạn chế ở khâu tương tác thầy – trò. Tuy nhiên hạn chế này sẽ được khắc phục nếu biết huy động đội ngũ giáo viên trực tiếp ở các cơ sở giáo dục tham gia vào quá trình dạy học trên truyền hình thông qua vai trò trợ giảng. Họ phải theo dõi trực tiếp bài giảng trên truyền hình, trực tiếp giải đáp thắc mắc của học sinh, tổ chức cho học sinh học theo nhóm nhỏ ở các khu dân cư, hướng dẫn học sinh tự học và đánh giá kết quả học tập của học sinh...

Để quản lý và giám sát việc học tập của học sinh ở các nhóm nhỏ, nhà trường cần làm việc với hội cha mẹ học sinh, huy động họ tham gia vào hoạt động này.

Với những ưu việt của hình thức học tập từ xa bao gồm cả cách học trực tuyến (cho một bộ phận cơ sở giáo dục, cả phổ thông và đại học nếu có đủ điều kiện), cũng như cách học qua truyền hình (triển khai đại trà chủ yếu cho giáo dục phổ thông ở những nơi chưa đủ điều kiện ứng dụng công nghệ cao đại trà), trước thềm năm học mới, lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, dạy học qua truyền hình là phương thức dạy học chủ lực cho phần đa các cơ sở giáo dục phổ thông tại các vùng có dịch, có kết hợp một cách hợp lý, tùy tình hình cụ thể, với các phương thức dạy trực tiếp và trực tuyến.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định rõ các nội dung dạy trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ ban hành, phải kế tiếp với những nội dung đã học thời gian trước dịch và bắt buộc tất cả học sinh (trừ những trường được Bộ công nhận đủ điều kiện dạy học trực tuyến) phải học trong thời gian nghỉ đến trường trong mùa dịch. Phải tránh tâm lý ở không ít người, kể cả lãnh đạo ngành, địa phương là chờ hết dịch các trường sẽ được Bộ cho kéo dài khung thời gian để dạy bù các nội dung còn chưa được dạy trên lớp trước dịch.

Để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm tránh lãng phí, đồng thời trợ giúp cho các địa phương gặp khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ cho việc triển khai đại trà dạy học trên truyền hình cho toàn khối giáo dục phổ thông trong mùa dịch Covid-19, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng Chính phủ nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng phương án dạy học trên truyền hình, cho học sinh phổ thông trong cả nước, để sẵn sàng triển khai ngay trong mùa dịch Covid-19 khi buộc phải kéo dài thời gian đóng cửa trường học, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chần chừ, không cầu toàn; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm gửi thiết bị nghe nhìn cho các địa phương có khó khăn để học sinh những nơi đó được tham gia học tập trên truyền hình.

Cần sớm thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phương thức dạy và học trong mùa dịch Covid-19 để thống nhất hoạt động này trong cả nước, chứ không chỉ dừng ở các hoạt động riêng biệt ở từng địa phương, từng trường như hiện nay.

Từ đó các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các kênh truyền hình/mạng giáo dục ở địa phương lên kế hoạch cụ thể bố trí giáo viên giỏi lên giảng trên kênh truyền hình khi được phân công (như Hà Nội đã làm rất hiệu quả) và tham gia tích cực trong việc hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho học sinh, cùng hội cha mẹ học sinh triển khai việc tổ chức học qua truyền hình cho các nhóm nhỏ học sinh tại địa bàn, giám sát việc học và đánh giá kết qủa học tập của học sinh,… nhằm khắc phục một số hạn chế vốn có của phương thức dạy học trên truyền hình.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc kết hợp hài hòa giữa hai phương thức dạy học truyền thống và dạy học truyền hình/trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc dạy học chỉ theo từng phương thức riêng biệt.

Còn dạy học trực tuyến là phương thức dạy học chủ lực tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp, có kết hợp một cách hợp lý, tùy tình hình cụ thể, với các phương thức dạy trực tiếp.

Đối với giáo dục phổ thông chỉ cho phép áp dụng đại trà dạy và học trực tuyến ở những cơ sở giáo dục phổ thông (chủ yếu cho cấp trung học phổ thông) có phương thức dạy thực sự “trực tuyến” và phải bảo đảm cho 100% học sinh của những cơ sở đó có đủ điều kiện để học trực tuyến. Trong trường hợp ngược lại, dạy học trực tuyến chỉ nên áp dụng riêng lẻ cho các bài học nâng cao hoặc bổ trợ cho những nhóm học sinh có điều kiện về kinh tế.

Trước đó, khi tình hình dịch COVID-19 phức tạp ở làn sóng đầu tiên tại Việt Nam, ngày 20/2/2020 Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam có gửi Thủ tướng kiến nghị giải pháp cho học sinh – sinh viên được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình trên cả nước trong mùa dịch COVID-19.

Để lý giải rõ hơn về kiến nghị trên, ngày 26/2/2020, Hiệp hội gửi Thủ tướng thuyết minh giải pháp cho học sinh- sinh viên được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình trên cả nước trong mùa dịch COVID-19.

Đến ngày 2/3, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tiếp tục có kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng về việc cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch COVID-19 trong đó có phương thức dạy học qua truyền hình.

Ngày 23/3/2020, Hiệp hội kiến nghị một số giải pháp bổ sung trong triển khai phương thức dạy học từ xa trong mùa dịch COVID-19 gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhấn mạnh đến phương thức dạy học qua truyền hình.

Thùy Linh