Giải quyết lê thê tới 2 năm trời
Sự việc xảy ra từ cuối tháng 12/2015, một người tên là Đỗ Văn Phượng (thôn Trà Phương, xã Hồng Vân) gửi tới Thanh tra huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) đơn tố cao cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Băng - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hồng Vân (huyện Ân Thi) 4 nội dụng:
Lợi dụng chức quyền, giả mạo hợp đồng bảo vệ trường để rút tiền hàng tháng đút túi riêng của mình;
Ép 12 giáo viên nộp 12 triệu đồng để thi công chức;
Ăn chặn tiền thai sản của giáo viên do Bảo hiểm xã hội huyện chi trả;
Dùng tiền nhà trường mua 1 bộ bàn ghế trên 20 triệu đồng đem về nhà sử dụng mang bộ bàn ghế cũ của gia đình ra nhà trường.
Thanh tra huyện Ân Thi có biểu hiện nóng vội khi giải quyết sự việc ở Trường mầm non Hồng Vân, cho đến nay vụ việc này vẫn chưa kết thúc. ảnh: NN. |
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Thanh tra huyện Ân Thi đã đề xuất thụ lý, giải quyết tố cáo được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ân Thi ban hành Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 07/01/2016 về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập đoàn xác minh tố cáo (thời hạn giải quyết tố cáo là 20 ngày làm việc).
Hết thời hạn theo Quyết định số 20, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện tiếp tục có Quyết định số 147b/QĐ-UBND ngày 3/02/2016 về việc gia hạn thời gian giải quyết tố cáo, thời gian gia hạn là 15 ngày làm việc.
Ngày 29/2/2016, Thanh tra huyện có báo cáo kèm tờ trình đề nghị, Ủy ban Nhân dân huyện Ân Thi có Công văn số 61b/CV-UBND ngày 29/02/2016, chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an huyện Ân Thi.
Ngày 23/8/2016 Cơ quan điều tra Công an huyện Ân Thi có Công văn số 82/CV làm rõ 4 nội dung tố cáo gửi Thanh tra huyện và đề nghị Thanh tra huyện Ân Thi:
Thứ nhất: Tháng 1/2014, Trường mầm non Hồng Vân chuyển đổi từ bán công sang công lập. Ban giám hiệu trường có Nghị quyết hợp đồng bảo vệ là ông Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1963 làm bảo vệ, số tiền được chi trả 1.150 nghìn đồng/tháng).
Quá trình xác minh ông Phượng cung cấp cho Cơ quan Điều tra hợp đồng bảo vệ và phiếu kê chi trả tiền bảo vệ tháng 7, 8, 9 năm 2014 cho ông Nguyễn Văn Minh là do bà Băng ký là không có.
Thực tế không có tên ông Minh được chi trả và nhà trường cũng không thất thoát tiền (số tiền này thực chất chi trả cho ông Nguyễn Văn Trường, do cán bộ giúp việc khi vào tên đã ghi sai tên thành ông Minh).
Thứ hai: Nội dung tố cáo bà Băng yêu cầu giáo viên nộp 12 triệu đồng tiền thi công chức là không có căn cứ.
Khởi tố, bắt giam một Hiệu trưởng lạm thu |
Thứ ba: Trường mầm non Hồng Vân có 5 giáo viên hưởng chế độ thai sản thì 4 giáo viên đã nhận đủ tiền; chủ có 1 giáo viên là Nguyễn Thị Lanh nhận thiếu 1.477.000 đồng.
Ngày 7/12/2015, Phòng Giáo dục huyện Ân Thi về làm việc, bà Băng đã nhận trách nhiệm về mình và đã chi trả cho cô Lanh số tiền trên.
Thứ tư: Tháng 5/2015, Ban Giám hiệu Trường mầm non Hồng Vân có họp hội đồng nhà trường và ra nghị quyết mua 1 bộ bàn ghế văn phòng nhà trường với giá 21.800.000 đồng. Nhà trường đã ký hợp đồng mua bộ bàn ghế và làm thủ tục chuyển khoản qua tài khoản Kho bạc nhà nước huyện Ân Thi. Sau khi mua bàn ghế có vào sổ theo dõi tài sản của nhà trường theo quy định.
Qua xác minh đơn thư tố cáo, Công an huyện Ân Thi kết luận, tại văn phòng nhà trường có 1 bộ bàn ghế đang sử dụng; tại nhà bà Băng không có bộ bàn ghế nào thể hiện như đơn tố cáo.
Ngày 22/8/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Ân Thi và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Ân Thi họp kết luận vụ việc xảy ra trường mầm non Hồng Vân theo nội dung tố cáo của ông Đỗ Văn Phượng chưa đủ căn cứ xác minh có dấu hiệu tội phạm.
Trách nhiệm của Thanh tra và Chủ tịch huyện ra sao?
Như vậy, nội dung tố cáo rất nhiều chi tiết sai sự thật, nhưng vấn đề này Thanh tra huyện Ân Thi không xử lý, mà tìm cách đẩy sự việc đi theo một hướng khác, khiến cho vụ việc trở nên phức tạp kéo dài 2 năm trời, cho đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Cụ thể hơn, trong đơn tố cáo bà Băng “dùng tiền nhà trường mua 1 bộ bàn ghế trên 20 triệu đồng đem về nhà sử dụng mang bộ bàn ghế cũ của gia đình ra nhà trường”, lẽ ra Thanh tra huyện phải xác định bà Băng có mang bộ bàn ghế về nhà không (một việc hết sức đơn giản).
Tuy nhiên, Thanh tra huyện Ân Thi lại gửi nội dung sang Công an huyện Ân Thi để xác định giá trị của bộ bàn ghế. Điều này chính ông Cáp Minh Tiến – Chánh Thanh tra huyện Ân Thi xác nhận trong buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ân Thi khi đó là ông Phạm Văn Khuê đồng ý chuyển hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện là có biểu hiện chủ quan, nóng vội khi xác minh sai nội dung tố cáo, chưa xác minh làm rõ nội dung:
Bà Băng có ăn chặn số tiền thai sản không? Có giả mạo hợp đồng bảo vệ trường để rút tiền hàng tháng đút túi riêng của mình không? Có mua 1 bộ bàn ghế đem về nhà sử dụng mang bộ bàn ghế cũ của gia đình ra nhà trường không?
Việc cung cấp chứng từ kế toán của nhà trường làm tài liệu cho người tố cáo trách nhiệm thuộc về ai?
Theo quy định của Luật tố cáo: “Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo là 90 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày”.
Ông Mai Xuân Giới – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ân Thi có biểu hiện thiếu sâu sát, ký ban hành Quyết định số 4434/QĐ-UBND thành lập đoàn thanh tra không đúng với quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ dẫn đến việc giải quyết đơn của ông Phượng vòng vo kéo dài thời gian gây bức xúc cho người tố cáo và người bị tố cáo. |
Điều bất thường nữa là Thanh tra huyện báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện: “Có dấu hiệu tham nhũng trong việc mua sắm tài sản công, chi tiền bảo vệ, chế độ thai sản của giáo viên” để đề nghị chuyển hồ sơ sang Công an huyện, nhưng qua điều tra Công an huyện đã làm rõ không có dấu hiệu tham nhũng về những nội dung trên.
Sau khi có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ân Thi, 22/9/2016 Thanh tra huyện có Công văn số 53/CV-TTr gửi cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ân Thi xác định không có tài liệu bổ sung.
Thế nhưng một lần nữa Thanh tra huyện lại tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện ra Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 28/10/2016 thành lập đoàn thanh tra mới do Phó Chánh thanh tra huyện làm trưởng đoàn (không có thành viên nào của đoàn thanh tra trước) tiếp tục xác minh 4 nội dung mà đoàn thanh tra trước đó do Chánh Thanh tra làm trưởng Đoàn là không đúng với quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình giải quyết tố cáo.
Quyết định của ông Mai Xuân Giới - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ân Thi không đúng với quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình giải quyết tố cáo. ảnh: NN. |
Cụ thể, tại Điều 8 về tiếp nhận, xử lý tố cáo tiếp và giải quyết lại tố cáo tại điểm 1 quy định:
a) Trong trường hợp đã quá thời hạn giải quyết tố cáo mà vụ việc chưa được giải quyết hoặc có nội dung tố cáo chưa được giải quyết thì yêu cầu người có trách nhiệm giải quyết tố cáo phải giải quyết, đồng thời yêu cầu báo cáo rõ lý do về việc chưa giải quyết tố cáo.
b) Đối với tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng có tình tiết mới chưa được phát hiện trong quá trình giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo thì yêu cầu người đã giải quyết tố cáo phải tiếp tục giải quyết tố cáo đó theo thẩm quyền”.
Như vậy, thông qua hồ sơ giải quyết vụ việc trên của Thanh tra huyện cho thấy, ngoài trách nhiệm của ông Phạm Văn Khuê tại thời điểm làm Chủ tịch Ủy ban hân dân huyện còn có trách nhiệm của ông Cáp Minh Tiến - Chánh thanh tra huyện, Trưởng đoàn giải quyết tố cáo.
Cách giải quyết vòng vo như vậy khiến vụ việc bị kéo dài gây bức xúc cho người tố cáo và người bị tố cáo.
Trong trường hợp này có trách nhiệm trên thuộc về ông Mai Xuân Giới - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ân Thi và ông Cáp Minh Tiến - Chánh Thanh tra huyện là người tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện ban hành Quyết định số 4434.
Vụ việc này đã kéo dài 2 năm và vẫn chưa kết thúc, vì vậy đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên cần vào cuộc làm rõ, đảm bảo sự công bằng, công khai minh bạch trong xử lý vụ việc. Quan trọng hơn cả là đảm bảo sự ổn định hoạt động của nhà trường.