Tổ chức hành chính tinh gọn là cần thiết, cơ hội để huyện/xã rà soát cán bộ

12/07/2023 06:36
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Nội vụ đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực, có những đề xuất phù hợp trong việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện.

Vừa qua, tại Hội nghị của Bộ Nội vụ với các địa phương sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tập trung tổng lực để quán triệt, triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 với tinh thần thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội.

Cụ thể, trong giai đoạn này, dự kiến cả nước sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã. Con số này chưa kể các huyện, xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

Trước đó, giai đoạn 2019 – 2021, cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 8 huyện; sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 563 xã. Từ đó, tinh giản 361 cán bộ, công chức cấp huyện và 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 2.008 tỷ đồng.

Tinh gọn bộ máy các đơn vị hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính là đúng với lộ trình trong cải cách hành chính. Cùng với việc tinh gọn bộ máy hành chính của Nhà nước, vừa rồi, chúng ta đã tiến hành sắp xếp lại các tổ dân phố, các thôn, các xã và một số huyện, bước đầu làm tinh gọn bộ máy các đơn vị hành chính, tạo điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Việc này cũng giúp giảm chi phí cho bộ máy hành chính, đó là những kết quả đã đạt được, trong đó phải nhắc đến đóng góp tích cực của Bộ Nội vụ, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội để đưa ra những đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Việc này phù hợp với chủ trương của Đảng cũng như chương trình cải cách hành chính nhà nước.

Trong thời gian tới, căn cứ vào Nghị quyết Quốc hội, các tiêu chí đặt ra, Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất tiếp tục sắp xếp lại bộ máy, từ cấp xã, cấp huyện và tiến tới cấp tỉnh, đến các bộ, ngành.

Bộ Nội vụ đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực, khẩn trương, có những đề xuất kịp thời, phù hợp nên được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, triển khai có hiệu quả trong thực tiễn.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, phải làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền. Đặc biệt sắp xếp lại các đơn vị sẽ có nhiều vấn cần lưu tâm để có phương án giải quyết hợp tình hợp lý, đó là về con người, về cơ sở vật chất,…

“Ví dụ sau khi sáp nhập 2 đơn vị thành 1, còn 1 trụ sở thì cơ sở vật chất của trụ sở này cần được khai thác và sử dụng ra sao cho phù hợp để tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả?

Đặc biệt vấn đề về con người, phải có giải pháp để sắp xếp lại đội ngũ, tránh gây sốc tâm lý hay tác động không tốt đến tư tưởng, đời sống đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Khi thực hiện, đòi hỏi phải có sự phấn đấu, nỗ lực, cố gắng, thực hiện điều hành thật tốt, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành; Nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực để đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục cho đội ngũ nhân sự nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho hay.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII nhấn mạnh, việc sắp xếp tổ chức hành chính cho tinh gọn, hiệu quả là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ Nội vụ thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, đầu tư, sắp xếp tổ chức bộ máy sao cho hợp lý, tinh gọn, phù hợp với nhu cầu của Nhân dân, điều này là hết sức tích cực.

Song, ông Nguyễn Bá Thuyền cũng nêu lưu ý, quá trình thực hiện cần có nghiên cứu, đánh giá từ thực tế để việc triển khai được hiệu quả.

Ví dụ như có những địa bàn dân cư ít nhưng diện tích rộng, cần tính toán việc sáp nhập có hợp lý không, có gây khó khăn, trở ngại trong việc đi lại của người dân không?

Chính vì vậy, phải căn cứ vào số dân, đặc điểm, tính chất địa bàn trước khi quyết định sáp nhập các đơn vị hành chính, như miền núi dân số ít nhưng quy mô rất rộng, phải tính toán việc đi lại của người dân như thế nào.

Điều quan trọng là làm sao đảm bảo lợi ích của người dân, chứ không thể chỉ chú trọng vào việc tinh gọn bộ máy. Việc triển khai thực hiện cần được cân nhắc thật kỹ, thận trọng, xem xét đến tính hiệu quả trong thực tiễn.

Cải cách nền công vụ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp

Trao đổi về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, căn cứ vào tiêu chí Quốc hội đặt ra, Bộ Nội vụ đã thực hiện nhiệm vụ và gặt hái được nhiều kết quả, đây cũng là một bước tiến mới quan trọng trong việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã/phường và cấp huyện.

Việc này có liên quan tới quy mô phát triển của từng địa phương, sắp xếp lại các đơn vị hành chính nhằm tăng thêm nguồn lực và giảm tình trạng phân tán trong điều kiện cơ chế thị trường hiện nay.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, chúng ta đang thực thi một chủ trương lớn trong tiến trình cải cách công chức, công vụ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, chúng ta đang thực thi một chủ trương lớn trong tiến trình cải cách công chức, công vụ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Hơn nữa, việc làm này là phù hợp trong bối cảnh chúng ta tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các công việc hành chính cho người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, dựa trên cơ chế một cửa.

Đây cũng là cơ hội để các đơn vị rà soát lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cấp xã và cấp huyện để đáp ứng với yêu cầu mới, chuyển một nền công vụ theo chức nghiệp trước đây sang một nền công vụ theo vị trí việc làm. Nghĩa là sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức vào đúng từng vị trí việc làm, tương ứng với quy định về tiêu chuẩn, chức danh, phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của họ.

Muốn làm được điều này phải nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo các tiêu chí về năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp, từ đó, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính là hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống chính quyền, đặc biệt là cơ quan cấp xã, cấp huyện -nơi gần với dân và làm việc trực tiếp với dân nhiều nhất.

“Tóm lại, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính giúp chúng ta cơ cấu lại bộ máy, định lại các tiêu chuẩn, tiêu chí cho cán bộ công chức tương ứng với từng vị trí việc làm. Như vậy sẽ phát huy được trình độ, năng lực, việc thực thi công vụ và sự cống hiến của đội ngũ, từ đó mới có người tài, người cán bộ tốt cho đất nước.

Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ này cũng là một thách thức lớn để chúng ta chuyển sang một mô hình quản trị mới. Chúng ta đang thực thi một chủ trương lớn trong tiến trình cải cách công chức, công vụ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị của nền công vụ Việt Nam.

Cần có sự thống nhất về nhận thức và triển khai, từ lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền đến các đoàn thể tham gia, đảm bảo sắp xếp đúng người đúng việc, tránh tình trạng không thanh lọc được cán bộ hay không trọng dụng được người tài, cán bộ tốt.

Sắp xếp lại các đơn vị hành chính không chỉ đong đếm hiệu quả qua số lượng, mà cái đích hướng tới là có sự chuyển biến về chất lượng, để có một cơ cấu mới, phương pháp làm việc mới, những chuẩn mực mới trong thời kỳ chuyển đổi số. Và thực hiện nhiệm vụ này trong giai đoạn tới cũng sẽ là một thách thức với Bộ Nội vụ”, ông Thang Văn Phúc chia sẻ.

Kim Ngọc