LTS: Từ câu chuyện nhà trường thu tiền giấy thi của học trò cao hơn ở ngoài, thầy giáo Nguyễn Cao chỉ ra những câu chuyện "ăn của dân không từ một cái gì" trong xã hội.
Bài viết gợi ra nhiều suy ngẫm để xây dựng một môi trường trong sạch, nơi đề cao tính trung thực và sự minh bạch.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Khi còn đương nhiệm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có một câu nói nổi tiếng về vấn nạn tham nhũng: "Tôi càng đi càng thấy buồn, người ta ăn của dân không từ một cái gì”.
Và, dù câu nói đó đã cách nay nhiều năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi, có lẽ cứ chỗ nào cứ thấy có tiền là người ta cũng có thể “ăn” được.
Người ta “ăn” cả tiền hỗ trợ bão lụt, ăn cả tiền đền bù tài sản, tiền bảo hiểm, tiền ăn của người bệnh tâm thần, trẻ mồ côi, khuyết tật…
Một sự thật đến phũ phàng đó cứ bám riết lấy cuộc sống hiện đại và nó đã len lõi từ mọi ngóc ngách của phố phường hay chốn thôn quê để vào nơi trường học - nơi mà lâu nay người ta vẫn nghĩ là nơi “sạch” nhất.
Năm nào cũng vậy, cứ vào kì thi học kì là nhà trường lại có chủ trương thu tiền giấy thi của học trò. Và người thu tiền vẫn không ai khác là giáo viên chủ nhiệm.
Chuyện nhà trường thu tiền giấy thi cao hơn ở ngoài là chuyện nhỏ mà không nhỏ. (Ảnh minh họa trên Báo Tuổi trẻ) |
Chuyện nhà trường thu tiền giấy thi lẽ ra cũng chẳng có gì phải bàn cãi bởi từ lâu đó đã trở thành tiền lệ. Học sinh phải đóng tiền giấy thi, dù là Sở - Phòng hay trường ra đề.
Chỉ có điều là năm nào cũng có nhiều học sinh thắc mắc và hỏi thầy, cô chủ nhiệm là: sao nhà trường thu tiền giấy thi cao thế?
Đúng là cao thật, mỗi môn học nhà trường thu 1.000 đồng giấy thi, trong khi học sinh cấp 2 thì chỉ có môn Văn là các em có thể làm đến 2-3 tờ giấy (nhưng rất hiếm) còn đa số các môn còn lại thời gian kiểm tra có 45 phút nên thầy cô cũng chỉ thiết kế làm trên 1 tờ giấy.
Trong khi các tiệm Photocopy cạnh trường họ photo có 200 đồng một tờ. Mỗi học sinh thi hàng chục môn học, mỗi môn học có độ chênh ít nhất là 500 đồng, trường có gần 1000 học sinh…
Ông Lê Thanh Vân: "Tham nhũng quyền lực sẽ phá hoại nền kinh tế" |
Một số tiền không phải là quá lớn, nhưng từ chuyện “không lớn” mà chúng ta nghĩ về những chuyện “lớn” ở các đơn vị nhà trường hiện nay.
Bởi đây chỉ mới là chuyện “tờ giấy thi” của học trò.
Hiện nay, ở các trường học có rất nhiều các công ty, doanh nghiệp vào chào hàng với giá cạnh tranh nhau. Nào là đào tạo liên kết, thi chứng chỉ, bán văn phòng phẩm, các loại bảo hiểm, áo quần…
Vì thế, các Ban giám hiệu cũng có dịp để lựa chọn những sản phẩm “ưng ý” nhất cho mình.
Từ lâu, chuyện “hoa hồng” của các sản phẩm đang là nỗi ám ảnh của giáo viên và học sinh trong trường. Có điều, người ta cứ phải tảng lờ đi như không hay, không biết…
Những tháng đầu đầu năm học 2016-2017, chỉ riêng thành phố Thanh Hóa (đơn vị hành chính ngang cấp huyện) nhưng có tới 35 trường học đã thu sai qui định và phải trả lại tiền cho phụ huynh học sinh.
Điều này cũng đồng nghĩa gần như địa bàn nào của thành phố này cũng có trường vi phạm về tài chính. Một sự thật đến đau lòng nhưng nó đã trở thành điều “bình thường” trong xã hội hiện đại.
Ngày 21/12, trên Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh có bài viết phản ánh chuyện Phó giám đốc và thủ quĩ của Trung tâm nuôi trẻ mồ côi và khuyết tật của tỉnh Đồng Nai đã tuồn sữa ra ngoài lúc giữa đêm.
Chuyện đã có minh chứng bằng những clip rõ như ban ngày như vậy mà khi được phóng viên đặt vấn đề thì những người liên quan nói là đem sữa đi…tiêu hủy.
Lạ thật, người ta đem sữa của các em mồ côi, khuyết tật đi tiêu hủy vì cho rằng nó đã hết đát mà lại tiêu hủy trong đêm nên chỉ có 2 người.
Vì thế mà Phó giám đốc và thủ quĩ phải tự tay mình vận chuyển lên xe và chuyển sang xe khác để… tiêu hủy!
Hiệu trưởng Trường Đường Lâm tiếp tục bị “tố” không đứng lớp vẫn nhận phụ cấp |
Chuyện như vậy rồi mà các lãnh đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn còn bảo vệ quan điểm là đem sữa đi tiêu hủy thì làm sao những Mạnh Thường Quân có đủ niềm tin để tiếp tục vận động và đóng góp cho Trung tâm nữa.
Nhiều năm qua, ngành giáo dục đã tổ chức, phát động rất nhiều những cuộc thi, những phong trào của giáo viên và học sinh.
Có một sự thật hiển nhiên là Ban giám hiệu, các chuyên viên Sở, Phòng (tùy cấp tổ chức) bao giờ cũng được cơ cấu để vào các Hội đồng thi, Ban giám khảo… dù họ chỉ lăng xăng, thậm chí là không có mặt nhưng được các bộ phận lập kế hoạch đưa vào làm Chủ tịch, Phó chủ tịch hay thành viên hội đồng… thế là có tiền!
Và, dĩ nhiên những người được cơ cấu vào “chức vụ” lớn là hiển nhiên họ được nhận số tiền lớn hơn rất nhiều những thành viên còn lại.
Đất nước còn nghèo, trong khi nhiều lãnh đạo ở một số ban ngành, địa phương chưa thể hiện được tính nêu gương mà đôi lúc còn “nêu gương xấu” đang làm mất đi niềm tin của xã hội.
Mỗi khi phát hiện tiêu cực của cá nhân hay tập thể thì hình thức kỉ luật ở một số trường hợp chỉ mới dừng lại ở hình thức rút kinh nghiệm hay khiển trách, cảnh cáo nên chưa đủ tính răn đe đối với người vi phạm.
Vì thế, hàng ngày chúng ta vẫn phải chứng kiến nhiều những chuyện buồn hơn là những chuyện vui.