Chị Trần Thị Quyên (sinh năm 1977, ngụ tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) vừa có đơn kêu cứu tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tòa án nhân dân quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh trình bày nội dung có liên quan đến gia đình mình, kéo dài đã hơn 2 năm mà vẫn chưa được giải quyết.
Vụ án kéo dài hơn 2 năm mà tòa không giải quyết
Cụ thể, trong đơn của mình, chị Trần Thị Quyên cho biết, ngày 22/12/2011, chị Quyên được Văn phòng công chứng số 6 cấp chứng nhận số 22481, chứng nhận chị được nhận cho tài sản của bà Trần Thị Kim Thảo.
Tài sản là khu đất có diện tích 100m2, thửa đất 896, tờ bản đồ số 38 địa chỉ ở phường Thới Anh, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị, thời gian sử dụng là lâu dài.
Ngày 2/12/2016, chị Quyên có nhờ chị Vũ Thu Huyền nhận tiền đặt cọc của anh Hà Bá Toản số tiền 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, con trai của chị Quyên là anh Nguyễn Việt Chiến (sinh năm 1996) đã không đồng ý cho chị Quyên chuyển nhượng lô đất này, do anh có nguyện vọng sinh sống và lập nghiệp ở thành phố.
Hơn nữa, tại thời điểm đó, anh Chiến đã trên 20 tuổi, là người có quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp đối với tài sản chung trong gia đình.
Nhận thấy, do thiếu hiểu biết pháp luật, đã để xảy ra việc đó, nên chị Quyên đã rất nhiều lần liên lạc, chuyển trả lại tiền đặt cọc cho anh Hà Bá Toản, nhưng anh Toàn không nhận, và làm đơn kiện chị Quyên ra Tòa án nhân dân quận 12.
Tòa án nhân dân quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: vov.vn) |
Ngày 27/3/2017, Tòa án quận 12 đã có quyết định 08/2017/QĐ-BPKCTT (biện pháp khẩn cấp tạm thời), đề nghị cấm chuyển dịch và sử dụng tài sản.
Kể từ thời gian đó cho đến nay, khi quyết định này chính thức bị áp dụng đã làm cho gia đình chị Quyên gặp rất nhiều khó khăn, do đây là tài sản chung của cả gia đình, việc học tập và sinh hoạt của anh Chiến cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Từ đó đến nay đã hơn 2 năm, Tòa án nhân dân quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa giải quyết vụ việc này cho gia đình chị Quyên, dù thời gian đã quá hạn.
Chị Quyên cũng đã rất nhiều lần liên hệ với Thẩm phán phụ trách vụ việc, nhưng cũng không được, nên vụ việc đã hoàn toàn bế tắc và đi vào quên lãng.
Vụ việc kéo dài hơn 2 năm, nay mới được giải quyết
Ngày 11/12/2018, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi tìm hiểu đã có thông tin phản hồi:
Vụ việc này do Thẩm phán Đỗ Thanh Hương thụ lý ban đầu. Trong khi đang thụ lý vụ việc này, thì bà Hương lại có quyết định điều chuyển lên tòa thành phố cách đây vài tháng.
Bà Đỗ Thị Thu Hương là thẩm phán mới thụ lý, đã từng mời bị đơn một lần, nhưng vắng mặt. Sau đó, Thẩm phán Hương này lại hết nhiệm kỳ, chờ được bổ nhiệm lại nên phải ngừng vụ việc một thời gian.
Vào gần cuối tháng 12/2018, khi phóng viên gọi cho lãnh đạo Tòa án nhân dân quận 12, và cả chị Trần Thị Quyên thì được biết, dự kiến ngày 3/1/2019, Tòa án nhân dân quận 12 sẽ mời cả hai bên tới để tổ chức giải quyết vụ việc này.
Theo thông tin mà chị Trần Thị Quyên cung cấp cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tại buổi hòa giải với hai bên ở Tòa án nhân dân quận 12 vào ngày 3/1/2019, chị đã đồng ý trả lại tiền cọc (100 triệu đồng) và bồi thường thêm 200 triệu đồng cho ông Hà Bá Toản.
Tuy nhiên, phía ông Toản đã không đồng ý việc này. Ban đầu, phía ông Toản đòi bồi thường 500 triệu đồng, sau tăng lên 1 tỷ đồng, và cuối cùng phía ông Toản đòi bồi thường 3,9 tỷ đồng, số tiền đúng bằng giá trị chuyển nhượng của lô đất đang bị tranh chấp.
Do hai bên đã không cùng quan điểm với nhau, nên thẩm phán Đỗ Thị Thu Hương tuyên bố buổi hòa giải không thành, và sẽ lên lịch tổ chức một buổi xét xử công khai.
Luật sư Nguyễn Hồng Cơ – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: Một vụ án được lãnh đạo tòa phân công cho thẩm phán thụ lý, giải quyết thì phải đảm bảo theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Còn Tòa án nhân dân quận 12 lấy lý do chờ bổ nhiệm lại thẩm phán, kéo dài vụ án là không chính đáng.
Nếu biết hết hoặc gần hết nhiệm kỳ thẩm phán thì phải có thẩm phán dự khuyết, thẩm phán khác, cứ vậy thì vụ việc kéo dài, giao cho Thẩm phán khác thì đến khi nào xét xử, còn thời hạn để đưa ra xét xử đều có quy định rõ ràng trong Bộ luật tố tụng dân sự (không quá 6 tháng đối với những vụ việc phức tạp).
Tóm lại, theo luật sư Nguyễn Hồng Cơ, cần xem lại sự phân công thẩm phán của vụ việc này đã hợp lý chưa?
Nếu vụ án đã kéo dài đến hơn 2 năm, mà vẫn chưa được giải quyết xong, phía tòa án cần nghiêm túc xem xét coi lý do vì sao án bị kéo dài thời gian giải quyết, đừng để người dân cho rằng “án dây thun, co giãn kéo dài” – luật sư Nguyễn Hồng Cơ nhấn mạnh.