Trường mầm non A Xing thuộc thôn A Máy, xã Lìa là nơi biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ở miền biên viễn xa xôi ấy có một cô giáo bám bản 22 năm với tình yêu thương con trẻ và niềm mong ước tất cả mọi người được đến trường.
Đó là cô giáo Trần Thị Châu (sinh năm 1975). Hiện tại, cô đang là Tổ phó Tổ Mẫu giáo 5-6 tuổi, Trường mầm non A Xing.
Giáo dục là sự nghiệp suốt đời
Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Châu chia sẻ: "Tôi gắn bó với ngành giáo dục từ năm 2002 đến nay là 22 năm. Giáo dục không phải là con đường đầu tiên tôi lựa chọn nhưng là ước mơ thuở ban sơ, là sự nghiệp tôi sẽ phụng sự suốt đời. Tôi lựa chọn trở thành giáo viên mầm non vì tôi yêu thương trẻ như chính con đẻ của mình".
Cô giáo Trần Thị Châu sinh ngày 5/7/1975 tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Năm 1977 cô theo cha mẹ lên sống tại thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Năm 1995 cô Châu học ngành Lâm nghiệp tại Quy Nhơn sau đó trở về làm việc ở Nông trường cao su Hướng Hóa.
Chia sẻ lý do rẽ hướng sang giáo dục, cô Châu bộc bạch: "Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi học Lâm nghiệp, tạm gác giấc mơ sư phạm sang một bên. Dự định của tôi là sau khi ra trường, làm việc có tiền sẽ theo học sư phạm và khi lên huyện miền núi như Hướng Hóa, tôi sẽ song hành được hai sự nghiệp cùng một lúc.
Làm việc được hai năm, tôi lập gia đình. Chồng tôi là giáo viên nên tôi ngày càng có cái nhìn sâu sắc hơn về nghề giáo. Hơn nữa, khi nhìn những hoàn cảnh đáng thương của các em nhỏ, các bà mẹ, ông bố nơi miền non cao này, tình yêu thương, niềm đam mê của tôi lại trỗi dậy.
Muốn dạy người khác trước tiên phải hoàn thiện chính mình. Bởi vậy tôi lại càng quyết tâm đi học, phải trở thành cô giáo mầm non.
Lúc đó chương trình mầm non vùng bản dạy một buổi trên ngày, tôi nghĩ mình có thể sắp xếp một buổi đi dạy, một buổi trồng cây nhưng về sau có sự thay đổi nên tôi chỉ có thể theo ước mơ ban đầu của mình là dạy học.
Tôi nghĩ, những đứa trẻ được giáo dục tốt ngay từ khi ở mầm non sẽ luôn hướng đến chân - thiện - mỹ và trở thành người có ích cho xã hội, đất nước”.
Vì trường học cũng như nhà của mình
Giáo viên mầm non vốn đã vất vả lại dạy ở nơi khó khăn như xã Lìa, thiếu thốn trăm bề nhưng cô Châu không hề có suy nghĩ từ bỏ. Ngược lại, cô quyết tâm ở lại đây, mang tất cả cái tâm cùng kiến thức mình đã học được để giúp đỡ các em nhỏ vùng rẻo cao biên giới. Nơi khó khăn nhất chính là nơi nuôi dưỡng ước nguyện và tình yêu thương của cô.
Cô Châu nói: "Ước mơ từ nhỏ của tôi là lớn lên được đi học, làm việc và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Khi đặt chân lên mảnh đất xã A Xing nay là xã Lìa, trước mắt tôi là những ngôi nhà lụp xụp cũ kỹ, bản làng không có điện.
Nhiều gia đình không cho con đi học vì khi đó họ chưa hiểu về giá trị của việc học, cũng không có kinh phí để trang trải. Cha mẹ đi làm rẫy từ sớm, trẻ muốn đến trường phải vượt qua con suối đầy nguy hiểm và khó khăn.
Họ lo miếng ăn còn chưa đủ huống hồ gì là nghĩ đến việc học. Và điều này càng khiến tôi trăn trở”.
Trên hành trình ươm mầm tri thức của mình, cô Trần Thị Châu có sự đồng hành của chồng là thầy Đỗ Xuân Thành (sinh năm 1972), giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing. Cả hai thầy cô đều cùng chí hướng với niềm tin về sự yêu thương và sẻ chia sẽ mang đến những điều tốt đẹp.
Cô giáo Trần Thị Châu không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy mà còn làm nhiều công việc khác để giúp đỡ các em học sinh. Cô Châu thường trích những đồng lương ít ỏi của mình để mua đồ dùng học tập cho các em, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện quyên góp.
“Đồng lương chẳng có là bao nhưng tôi nghĩ “khéo chi thì no, khéo co thì ấm”, ta biết thế nào là đủ thì sẽ đủ nên tôi không tiếc khi bỏ ra để giúp đỡ các em. Tôi cũng không nề hà bất cứ công việc nào miễn là sức mình có thể.
Tuổi thơ của tôi cũng thiếu cơm ăn, áo mặc. Nhìn thấy sự khốn khó của các em, nhiều em mặc một bộ áo quần cũ ba ngày thậm chí cả tuần không có áo quần thay, đầu tóc bù xù tôi ngậm ngùi thương xót. Vì thế, tôi mày mò tự học rồi mua vải để may thêm quần áo cho các em.
Khi tường lớp học bị nứt vỡ tôi cũng tự mình sửa chữa. Đợi thợ rất lâu nên việc gì mình làm được thì nên làm, lại giúp tiết kiệm kinh phí. Vì trường học cũng như nhà của mình” - cô Châu chia sẻ.
Nỗi niềm canh cánh vì giáo dục
Cô Châu nói rằng, khoảnh khắc cô cảm thấy mình đã chọn đúng nghề là khi nhìn thấy các em học sinh trưởng thành. Cô kể về ấn tượng đầu tiên ngày mới vào nghề, về hình ảnh những em bé dân tộc Pa Cô, Vân Kiều với đôi mắt ngây thơ có phần sợ sệt.
Các em đã cùng cô đi nhặt từng chiếc lá vàng, từng viên sỏi để làm đồ dùng học tập. Khi gặp lại các em học sinh ngày nào giờ đã trưởng thành, cô Châu không giấu nổi sự xúc động và hạnh phúc.
Nói về cô Châu, cô Hồ Thị Ngành, ở thôn A MôR, xã Lìa chia sẻ: "Cô Châu là giáo viên mầm non dạy con gái tôi từ năm 2011. Tôi có thể cảm nhận được sự yêu thương của cô Châu dành con tôi và toàn bộ những bạn học sinh khác. Cô luôn ân cần chỉ bảo và quan tâm các cháu mà không ngại vất vả, khó khăn.
Bởi vậy, con gái tôi khi trưởng thành vẫn luôn nhớ về hình ảnh cô giáo mầm non dịu dàng là cô Châu. Cô là một người gần gũi và thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người”.
22 năm gắn bó với nghề, cô vẫn luôn canh cánh nỗi niềm làm sao để mang lại một môi trường học tập tốt hơn cho các em học sinh.
Cô chia sẻ: "Tôi trăn trở về việc làm thế nào để các em được tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng, phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, giúp các em học sinh và phụ huynh hiểu được giá trị của việc học tập.
Đó là con đường giúp các em có được công việc ổn định, cải thiện đời sống, có nhận thức để đẩy lùi các tệ nạn xã hội”.
Khi được hỏi về mơ ước của mình, cô Châu chẳng nói gì đến đời sống riêng mà tất cả đều gắn với con đường giáo dục.
Cô chia sẻ: "Tôi mong muốn cải thiện cơ sở vật chất tại các trường học. Nhiều điểm trường nhà đã xuống cấp, sân trường gồ ghề không đảm bảo an toàn cho học sinh. Trang thiết bị học tập, đồ chơi chưa phù hợp và đồng bộ. Chế độ ăn trưa của trẻ cũng cần được thay đổi.
Ngoài ra, phụ huynh không có công việc ổn định nên không có điều kiện trang trải cho con đi học. Tệ nạn xã hội từ bên ngoài ảnh hưởng vào các lớp học, giáo viên và người dân. Bởi vậy tôi cũng mong người dân có thể được tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn tệ nạn”.
Nhắc đến cô Trần Thị Châu, cô Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết: "Cô Châu là một giáo viên tận tụy với tấm lòng cao cả và sự hi sinh lớn lao dành cho các em học sinh ở miền núi, biên giới.
Trường mầm non A Xing thuộc vùng khó khăn của tỉnh Quảng Trị, thiếu thốn như vậy nhưng cô Châu vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cô Châu đạt được nhiều thành tích như chiến sĩ thi đua cơ sở; giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen và đặc biệt là được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vào năm 2023.
Trong đời sống riêng, cô Châu là người phụ nữ đảm đang, cùng chồng nuôi dạy hai con khôn lớn thành tài. Hai người con của cô Châu đều theo học tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Cả gia đình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục".