Tôi nghĩ có người khác cùng ông Tuấn "nâng đỡ không trong sáng" bà Quỳnh Anh

19/12/2017 06:32
DU THIÊN
(GDVN) - "Nếu người đứng đầu nghiêm túc thì anh sẽ không đưa người chưa đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch, bổ nhiệm", ông Dĩnh nhận định.

Mới đây, xem xét kết quả kiểm tra về việc thi hành kỷ luật đảng đối với ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận:

Ông Ngô Văn Tuấn từ tháng 10/2010 - 11/2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng, đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ;

Ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc tiếp nhận, điều động bà Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở Xây dựng. 

Ban Bí thư cũng vừa quyết định thi hành kỷ luật Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn với hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Một sự việc đáng chú ý khác liên quan tới sai phạm của cha con ông Lê Phước Thanh và ông Lê Phước Hoài Bảo.

Trước đó, bà Trần Vũ Quỳnh Anh được cho là sở hữu nhiều tài sản lớn. Ảnh: VOV.
Trước đó, bà Trần Vũ Quỳnh Anh được cho là sở hữu nhiều tài sản lớn. Ảnh: VOV.

Bình luận kết luận trên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hôm 17/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cơ quan có thẩm quyền đã làm đúng trách nhiệm, thỏa mãn sự kỳ vọng của cử tri.

"Việc quy hoach, bổ nhiệm cán bộ như ở Thanh Hóa, Quảng Nam thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Riên đối với Thanh Hóa, cử tri thấy rằng, kỷ luật đó là chưa thỏa đáng với những vi phạm của cán bộ.

Những vi phạm của ông Ngô Văn Tuấn từ thời làm Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa đã được chỉ rõ là rất nghiêm trọng, nhưng mức kỷ luật lại quá thấp.

Khi đưa ra Đảng bộ kỷ luật thì phiếu khiển trách nhiều hơn cảnh cáo, thậm chí có phiếu không kỷ luật.

Rõ ràng việc đưa ra hình thức kỷ luật đối với ông Tuấn trước những vi phạm rất nghiêm trọng như vậy là có vấn đề, kể cả tập thể đó.

Do đó, việc Trung ương xem xét, đề nghị xử lý những cán bộ thuộc diện quản lý là cách làm rất thấu đáo, nghiêm khắc, theo đúng theo tính chất, mức độ vi phạm.

Điều đó còn thể hiện sự công minh của Đảng trong việc xử lý cán bộ vi phạm không có vùng cấm.

Tôi nghĩ có người khác cùng ông Tuấn "nâng đỡ không trong sáng" bà Quỳnh Anh ảnh 2Giám đốc sở "mất chim quý" được bố ưu ái, kê khai lý lịch thiếu trung thực

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ sai quy định đối với các trường hợp nói trên có trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương.

"Những việc bổ nhiệm sai như vậy đều có/thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị.

Nhưng quan trọng nhất trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nói chung vẫn là trách nhiệm của người đứng.

Nếu người đứng đầu nghiêm túc thì anh sẽ không đưa người chưa đủ tiêu chuẩn (bà Trần Vũ Quỳnh Anh, Lê Phước Hoài Bảo) vào quy hoạch, bổ nhiệm.

Nhưng khi anh đã cố ý áp đặt quy trình theo ý anh thì quy trình đó sẽ không còn khách quan vì nó gắn ý kiến chủ quan của lãnh đạo vào đó rồi.

Bản chất quy trình luôn đúng, chặt chẽ, nhưng bị méo mó khi lãnh đạo đưa ra ý kiến chủ quan của mình khiến cấp dưới nể nang hoặc không dám làm trái", ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh của VOV.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh của VOV.

Qua những sự việc nêu trên cũng có thể thấy, những vi phạm trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại các địa phương nói trên đã diễn ra từ nhiều năm về trước, nhưng đến nay mới được xử lý triệt để.

Lý giải về việc này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc phát hiện, đấu tranh của cán bộ, đảng viên trước hết ở cấp cơ sở về những vi phạm trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ còn hạn chế.

"Nhiều khi những vi phạm trong quy hoạch, bổ nhiệm không phải do Đảng bộ, cán bộ đơn vị đó phát hiện ra, mà do ý kiến tố giác của quần chúng, báo chí phát giác.

Điều này cho thấy sự thiếu trách nhiệm hoặc cả nể trong việc phát giác vi phạm.

Nhưng điều quan trọng là những vi phạm đó đến nay đã, đang được cấp trên chỉ đạo, xử lý nghiêm túc, trở thành động lực để người dân cùng tham gia vào việc phát hiện, đề nghị xử lý vi phạm.

Tôi tin rằng, trong thời gian tới, nếu địa phương nào không làm nghiêm túc, thì Trung ương vào cuộc để xử lý", ông Dĩnh nhận định.

DU THIÊN