Xung quanh câu chuyện ùn tắc giao thông và ý thức của người tham gia giao thông hiện nay, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến bày tỏ của bạn đọc. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải bài viết của độc giả Hoàng Văn Bách xung quanh ý thức của người Việt khi tham gia giao thông hiện nay. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Câu chuyện về ý thức tham gia giao thông của người Việt không còn là chuyện mới được bàn thảo. Nhưng trong lúc chúng ta đang kêu gọi mọi người cùng đồng tâm, đồng lòng để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, thì theo tôi chúng ta cần phải có sự nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề còn rất nhiều nhức nhối này. Trước hết, phải khẳng định ngay ý thức của một bộ phận người dân Việt Nam nhất là khi tham gia giao thông là rất tồi, thật đáng buồn khi theo nhận xét của không chỉ những người nước ngoài, những người Việt ở nước ngoài về, thậm chí là ngay cộng đồng chúng ta là kém và...thiếu ý thức khi tham gia giao thông.
Mặc dù có cầu vượt dành riêng cho người đi bộ nhưng không ít người vẫn ung dung sang đường sai quy định ngay trước điểm cầu cạn đoạn Thái Hà - Chùa Bộc (Ảnh: Hải Sơn). |
Thực tế, khi lưu thông trên các tuyến đường trong nội đô Hà Nội cũng như nhiều đô thị lớn khác, chắc chắn không chỉ tôi mà nhiều người sẽ thấy thật xấu xổ khi chứng kiến những cảnh cùng đi trên đường nhưng mạnh ai người đấy chạy, không có một tuần tự nào, qui củ nào... Những cảnh phóng nhanh, lạng lách, vượt sai, người đi bộ sang đường, phương tiện quay đầu xe vô tội vạ, bất chấp các qui định, kể cả an toàn tính mạng của bản thân... xảy ra liên tục.
Đặc biệt, mỗi khi có tắc đường xảy ra thì mỗi người điều khiển phương tiện lại một kiểu, không ai nhường ai cả, chen lấn, lạng lách bằng mọi giá để được lên trước liên tục xảy ra, để đi được nhanh hơn vài ba phút không ít người thậm chí còn lao lên cả vỉa hè để cố thoát... Và mới đây nhất, không chỉ tôi mà nhiều người dân khác cũng không khỏi xôn xao và bức xúc, trước những hành vi vi phạm giao thông điển hình của người dân Thủ đô trong đoạn clip “Những kiểu giao thông thiếu văn hóa điển hình nhất”, được ghi lại ngay tại chân cầu vượt lắp ghép Thái Hà - Chùa Bộc, vào chiều 26/4/2012 - ngày đầu tiên đưa vào sử dụng. Không bức xúc sao được khi Nhà nước đã phải bỏ biết bao nhiều tiền để xây dựng cầu đường cho dân đi lại nhưng đúng đường không đi mà cứ đi ẩu, đi sai. Nhiều đoạn có cầu đi bộ, nhưng người đi bộ không đi qua mà cứ đi cắt ngang lòng đường phương tiện cơ giới. Thực sự hành động đi đường theo sự tiện lợi của mình là rất thiếu ý thức, thiếu tôn trọng pháp luật, người cùng tham gia giao thông với mình... Giải thích cho những lý do vi phạm thì có đủ cách đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng ý thức kém đó, như: cơ sở hạ tầng không theo kịp đà phát triển, cơ chế quản lý, pháp luật còn nhiều bất cập, chưa nghiêm minh... và cái chính là: mọi người làm như thế cả, mà một mình mình làm khác thì rất khó, nên biết làm sao? Dựa vào các yếu tố khách quan bao giờ cũng rất dễ, song nếu chịu nghiêm túc nhìn nhận vấn đề từ mọi khía cạnh, chúng ta không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan trong chính nhận thức của người dân coi việc vi phạm các lỗi giao thông là chuyện... quá bình thường vẫn là "thủ phạm" chính gây ra thực trạng này. Hơn thế nữa, thời gian gần đây, những vụ việc người vi phạm giao thông nhưng vẫn có những hành động chống đối quyết liệt, thậm chí hành hung lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ giữ gìn an toàn, ký cương, trật tự giao thông trên đường...xuất hiện ngày càng nhiều cũng cho thấy sự coi thường pháp luật đã đến mức báo động.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Thế cho nên anh bạn tôi, đang làm việc tại Hàn Quốc khi xem xong đoạn clip “Những kiểu giao thông thiếu văn hóa điển hình nhất”, đã chua xót viết, ở Hàn Quốc khi ra đường hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là cảnh xe cộ cũng đông đúc như ở Việt Nam vậy nhưng họ luôn đi đúng luật giao thông. Mặc dù xe cộ rất nhiều nhưng rất ít khi nghe 1 tiếng còi bởi vì người ý thức tham gia giao thông của họ quá tốt nên chẳng cần dùng đến còi xe nữa. Và đây xem xong clip này mọi người thấy thế nào? tại sao chúng ta không học hỏi nước bạn? 1 nguời chỉ cần 1 chút thôi. Nhưng sẽ rất là khó đấy, bởi vì nhìn xem những cô cậu thanh niên với ý thức kém thì đã đành vì nhận thức của họ còn kém. Vậy những người lớn tuổi thì sao? Những người tóc đã 2 màu rồi mà ý thức tham gia giao thông vẫn còn kém như vậy thì sẽ chẳng làm gương cho thế hệ trẻ được. Thật đáng hổ thẹn. Các vấn nạn giao thông dù xét trên nguyên nhân nào đi chăng nữa thì vấn đề ý thức tham gia vào đó của mỗi người chính là điều vẫn đáng phải bàn nhất. Sẽ chẳng thế nào giảm được ùn tắc, giảm được tai nạn nếu người dân vẫn giữ những cái thói quen tùy tiện, mang tính "cá nhân" khi tham gia giao thông. Đã đến lúc ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, chúng ta cần phải có những chế tài xử phạt mạnh hơn, nghiêm minh hơn để đủ sức răn đe những trường hợp như thế này. Khi nào ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng cao lên thì tôi tin chắc sẽ góp giải quyết triệt để hơn các vấn nạn giao thông như ùn tắc, tai nạn hiện nay. Mọi ý kiến xin bạn đọc gửi về:toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Hoàng Văn Bách (Hà Nội)