Tổng thống Duterte chủ động tiếp cận Mỹ sau khi Trump đi nước cờ Syria

10/04/2017 15:16
Hồng Thủy
(GDVN) - Chắc chắn Philippines không muốn trở thành một Syria thứ hai ở châu Á, không muốn trở thành nạn nhân của 2 siêu cường Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Bloomberg ngày 10/4 đăng bài viết: "Ông Duterte làm mềm quan hệ với Mỹ trước đàm phán (với Trung Quốc) về Biển Đông", trong đó có phỏng vấn Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo về quan hệ giữa nước này với Hoa Kỳ.

Tờ báo Mỹ nhắc lại việc năm ngoái ông chủ Điện Manacanang từng liên tục tung ra những lời lăng mạ ông Barack Obama, chỉ vì Tổng thống Mỹ khi đó phản đối cách thức người đồng cấp Philippines tiến hành cuộc chiến chống tội phạm ma túy.

Tuy nhiên kể từ khi tỉ phú Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng, những tiếng nói chỉ trích Hoa Kỳ từ Điện Manacanang thưa dần.

Đáng chú ý, hôm 8/4 trả lời phỏng vấn Bloomberg, Quyền Ngoại trưởng Enrique Manalo cho biết:

Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo, ảnh: Philstar.
Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo, ảnh: Philstar.

"Mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ rất mạnh mẽ và sôi động. Điều quan trọng là không để những chuyện nhỏ nhặt ảnh hưởng đến cốt lõi của mối quan hệ.

Chúng tôi có một mối quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ và chúng tôi mong muốn xây dựng nó.

Với Trung Quốc, chúng tôi đang xây dựng cây cầu để cải thiện quan hệ song phương".

Quyền Ngoại trưởng Philippines cho biết, một cuộc họp giữa ông Rodrigo Duterte với Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được dự kiến vào cuối năm nay.

Ông có thể sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào tháng tới.

Manila "mềm giọng" với Hoa Kỳ vì sắp đàm phán với Trung Quốc?

Tiến sĩ Malcolm Cook, thành viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore bình luận với Bloomberg về phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo rằng:

"Trung Quốc đã gây ra một số vấn đề khi hoạt động xung quanh Biển Đông, ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đi ngược lại những gì ông Rodrigo Duterte có thể đã mong muốn.

Enrique Manalo là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và kinh nghiệm, có thể phản ánh quan điểm của chính phủ Philippines khác với những gì ông Duterte đã thể hiện.

Theo đó, Hoa Kỳ là đối tác an ninh và đối tác kinh tế quan trọng nhất của Philippines".

Quyền Ngoại trưởng Enrique Manalo nói rằng chưa có thời điểm cụ thể được ấn định cho các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc xung quanh một số vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Ông cũng lưu ý, các cuộc đàn phán không phải là diễn đàn "chỉ dành riêng cho các quan chức Trung Quốc". Và quan trọng hơn là, Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 vẫn sẽ là nền tảng cho các quan chức Philippines trong các cuộc đàm phán.

"Chúng tôi muốn thấy Mỹ và Trung Quốc thực hiện vai trò thúc đẩy sự ổn định và hợp tác trong khu vực. Đó là vai trò tích cực mà không chỉ chúng tôi, các nước trong khu vực cũng mong muốn thấy", ông Enrique Manalo nói với Bloomberg. [1]

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: AP.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: AP.

Theo Đa Chiều ngày 9/4, Trung Quốc đã đề nghị bắt đầu đàm phán với Philippines về Biển Đông trong tháng tới và Manila đã nhận lời.

Tuy nhiên gần đây Điện Manacanang lại không ngừng đưa ra dư luận bên ngoài những tín hiệu phức tạp như phát biểu của Quyền Ngoại trưởng Enrique Manalo. [2]

Với những gì ông Enrique Manalo nói về khả năng đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông trên tờ Bloomberg và thông tin từ Đa Chiều, người viết cho rằng ít có khả năng những phát biểu của Quyền Ngoại trưởng Philippines ở trên đây là nhắm tới cuộc đàm phán này.

Trump không bắn chỉ thiên Syria, Duterte chủ động tiếp cận Mỹ

Cá nhân người viết cho rằng, phát biểu của Quyền Ngoại trưởng Philippines trên Bloomberg thực ra không mâu thuẫn với mục đích của chính phủ nước này ở Biển Đông:

Bảo vệ cho được hòa bình và ổn định, tránh xung đột hay chiến tranh, nhất là giữa 2 siêu cường Trung - Mỹ.

Bình luận của ông Enrique Manalo về Biển Đông, quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc trên Bloomberg được đưa ra ngay hôm sau ngày 7/4, khi Tổng thống Rodrigo Duterte cảnh báo:

Khả năng ai đó "đang tìm cách vồ lấy" các cấu trúc địa lý là những bãi cạn, rặng san hô ở Trường Sa và Nam Biển Đông hiện không có người đóng giữ.

Cảnh báo này của ông Duterte xuất hiện đúng lúc Donald Trump và Tập Cận Bình đang gặp nhau ở Mar-a-Lago.

Đồng thời, bình luận của Quyền Ngoại trưởng Philippines cũng được đưa ra sau khi Mỹ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự Shayrat, Syria sáng sớm 6/4 lúc ông Bình và ông Trump đang ăn tối cùng nhau.

Theo cá nhân người viết, đây là 2 sự kiện có liên hệ mật thiết, 2 bối cảnh không thể bỏ qua khi tìm hiểu thông điệp của Philippines.

Tổng thống Duterte chủ động tiếp cận Mỹ sau khi Trump đi nước cờ Syria ảnh 3

Trump phá thế thượng phong của Nga tại Syria, đẩy Putin vào thế bí

Dư luận quốc tế chú ý nhiều đến khía cạnh đối ngoại trong quyết định của Donald Trump: không "bắn chỉ thiên" như Barack Obama, mà bắn 59 quả tên lửa Tomahawk thật vào Syria.

Quyết định của Trump nhận được không ít sự đồng tình, thậm chí hả hê từ nhiều người.

Đã có rất nhiều bình luận, nhật định về các tác động, ảnh hưởng của sự kiện này đến quan hệ Mỹ - Nga, quan hệ Mỹ - Triều hay thậm chí là một lời cảnh báo đến Bắc Kinh.

Sau mỗi một động thái quân sự, người ta bàn tán về chiến thuật, chiến lược, bên thua bên thắng là các siêu cường, nhưng ít có bình luận, nhận định nào về bi kịch, số phận trớ trêu của các nước nhỏ như Syria khi trở thành miếng mồi bị tranh giành, cấu xé bởi các siêu cường.

Trong bối cảnh đó, các nước nhỏ ở trong những điểm nóng quốc tế do cạnh tranh gay gắt giữa các siêu cường Mỹ - Trung - Nga dễ nhận thấy nhất sự mong manh của chính mình trong hiện tại hoặc tương lai, một khi để nổ ra chiến tranh, xung đột.

Lúc này Quyền Ngoại trưởng Philippines lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ với Hoa Kỳ, đồng thời tìm cách xoa dịu ảnh hưởng những phát biểu của ông Duterte về Barack Obama và chính phủ Mỹ khóa trước.

Đồng thời ông nhấn mạnh tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông được quyết định bởi 2 tay chơi Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Điều này không cho thấy sự thay đổi nào trong chính sách đối ngoại của Philippines hiện nay, mà chỉ là những nỗ lực tiếp theo của Manila nhằm kéo cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc vào bàn đối thoại để giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Chắc chắn Philippines không muốn trở thành một Syria thứ hai ở châu Á, không muốn trở thành nạn nhân của 2 siêu cường Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Nói như dân gian, trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.

Tổng thống Duterte chủ động tiếp cận Mỹ sau khi Trump đi nước cờ Syria ảnh 4

Đằng sau phản ứng của ông Tập Cận Bình vụ Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa

Ông Duterte đang rất tích cực chiến đấu và tìm cách chiến thắng các thứ giặc nội xâm (tham nhũng, ma túy, tội phạm…) và phát triển kinh tế.

Lúc này nếu để đất nước phải đối mặt với chiến tranh thì hậu quả với Philippines thật khôn lường.

Và cũng không quốc gia nào trong khu vực muốn bị rơi vào thảm cảnh trở thành nơi thử bom đạn của các siêu cường, nhưng làm thế nào để chủ động tránh nó?

Người viết cho rằng, có lẽ các nhà lãnh đạo Philippines đã cảm nhận thấy:

Khi Donald Trump gặp nhiều khó khăn về đối nội vì rào cản mang tính hệ thống từ Quốc hội và các cơ quan tư pháp, những quyết sách táo bạo và bất ngờ về đối ngoại có thể được chủ nhân Nhà Trắng lựa chọn để hóa giải thế bí của mình.

Sau Syria thì bán đảo Triều Tiên và Biển Đông là hai điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xung đột, chiến tranh giữa các siêu cường hơn cả. 

Bởi thế, cá nhân người viết thiết nghĩ bài trả lời phỏng vấn Bloomberg của Quyền Ngoại trưởng Enrique Manalo và hoạt động xúc tiến cho hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Rodrigo Duterte vào cuối năm nay, có lẽ là một nước cờ ngoại giao chủ động và có tính toán kỹ lưỡng.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.bloomberg.com/politics/articles/2017-04-09/duterte-softens-tone-toward-u-s-before-talks-on-south-china-sea

[2]http://global.dwnews.com/news/2017-04-09/59809617.html

Hồng Thủy