Tàu cá Trung Quốc (ảnh minh họa) |
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 11 tháng 9 dẫn trang mạng "Blogos" Nhật Bản ngày 10 tháng 9 đăng bài viết của giáo sư nghiên cứu về biển, Yoshihiko Yamada, Đại học Đông Hải. Bài viết cho rằng, Trung Quốc không chỉ muốn có tài nguyên đáy biển khi nhòm ngó lãnh thổ của Nhật Bản. Ngư dân được huấn luyện, được nhà cầm quyền chỉ huy là điều đáng để cảnh giác.
Theo bài báo, trước khi trở thành cường quốc biển, để duy trì cuộc sống của 1,3 tỷ người, mục tiêu của Trung Quốc là giành lấy nguồn lợi thủy sản và tài nguyên đáy biển ở vùng biển xung quanh, cho nên thiết lập cục hải cảnh tiến hành quản lý thống nhất đối với các hoạt động như nghề cá hải dương và khai thác tài nguyên.
10 triệu ngư dân lại là đội quân tiên phong thực hiện mục tiêu cường quốc biển của Trung Quốc. Trong số ngư dân hoạt động ở biển Hoa Đông và Biển Đông có rất nhiều người là dân binh (dân quân) trên biển, rất nhiều người trong số họ được huấn luyện quân sự và được nhà cầm quyền trên biển chỉ huy.
Tàu cá Trung Quốc phần lớn hoạt động ở xung quanh mỏ dầu khí trên biển Hoa Đông, bề ngoài là thúc đẩy khai thác mỏ dầu khí, mục tiêu chủ yếu và thực tế là ngăn chặn tàu chiến Mỹ và Nhật Bản tiếp cận. Những tàu cá này cũng sử dụng máy dò đàn cá để giám sát tàu ngầm.
Tàu cá Trung Quốc bị cảnh sát biển Hàn Quốc bắt giữ (ảnh tư liệu minh họa) |
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã thành lập một hệ thống có thể điều nhiều nhất 1.000 tàu cá đến biển Hoa Đông, để ngư dân đồng loạt đổ bộ lên đảo Senkaku bất cứ lúc nào.
Tháng 7 năm 2012, 106 tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển ở Tamanoura, đảo Fukue, quần đảo Goto, tỉnh Nagasaki, những tàu cá này từ 100 - 500 tấn, lớn hơn 10 lần so với tàu cá của quần đảo Goto.
Hơn nữa, trên mỗi tàu cá đều treo cờ đỏ 5 sao, tạo thành một hạm đội, giống như Tamanoura chính là một cảng của tỉnh Phúc Kiến.
Mặc dù mục đích của tàu cá Trung Quốc là tránh bão, nhưng chúng lưu lại 1 tuần ở đó, Tamanoura với dân số chỉ 1.800 người không thể ngăn cản ngư dân Trung Quốc. Ứng phó với ngư dân Trung Quốc là nhiệm vụ của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và cảnh sát trên đảo, nhưng 2 lực lượng này đều không có nhân viên ngăn chặn ngư dân đổ bộ.
Sau năm 2011, Trung Quốc khuyến khích tầng lớp giàu có chế tạo tàu cá viễn dương. Nhà máy đóng tàu Trung Quốc chế tạo 1 tàu cá lớp 100 tấn cần khoảng 100 triệu yên (khoảng 5,7 triệu nhân dân tệ).
Nghe nói, hiện nay, người giàu Trung Quốc đã chế tạo 1.000 tàu cá cỡ lớn. Trung Quốc còn không ngừng thúc đẩy chính sách cấm đánh bắt cá mang tính cưỡng chế ở Biển Đông (chính sách này là bất hợp pháp, vô hiệu).
Phương pháp áp dụng của Trung Quốc là, trước hết điều ngư dân tới vùng biển muốn đến, sau đó hải quân hoặc lực lượng hải cảnh dựa vào luật lãnh hải và luật ngư nghiệp (luật của Trung Quốc), lấy bảo vệ ngư dân làm lý do đề điều động, cuối cùng kiểm soát thực tế đối với đảo. Không nên quên rằng, đối với Trung Quốc, sự phát triển của nghề cá và mở rộng phạm vi khu vực kiểm soát là một chỉnh thể.
Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu minh họa) |