TQ tức tối, "tuyệt vọng" khi thấy Nhật siết chặt quan hệ với Việt Nam

27/05/2014 08:14
Đông Bình
(GDVN) - Theo bài báo, Nhật Bản muốn thực hiện chiến lược hướng nam, trong khi Việt Nam cần Nhật trong vấn đề Biển Đông, vì thế lòng tham của Trung Quốc sẽ xa vời!
Tháng 1 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Việt Nam
Tháng 1 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Việt Nam

Trang mạng qianzhan tiếng Trung ngày 26 tháng 5 đăng bài viết nhan đề “Shinzo Abe công khai giúp Việt Nam đối kháng Trung Quốc, quân đội Trung Quốc bị phiền phức nhiều hơn trên Biển Đông”.

Bài viết thể hiện thái độ tức tối khi Trung Quốc nhận thấy những quốc gia láng giềng của mình đang xích lại gần nhau để phản đối sự tham lam, bành trướng vô độ, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang ngược đến trắng trợn của giới cầm quyền Bắc Kinh.

Bài viết dẫn hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 24 tháng 5 cho biết, ngày 23 tháng 5, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hội kiến với Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam, hai bên xác nhận sẽ triển khai hợp tác về tình hình Biển Đông hiện đang căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngoài ra chính phủ Nhật Bản đang phối hợp sắp xếp để Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đến thăm Việt Nam vào tháng 6 tới, hai bên sẽ tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải và thể hiện “tư thế kiềm chế Trung Quốc”.

Theo bài báo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hoan nghênh những nỗ lực thực hiện “chủ nghĩa hòa bình tích cực” của ông Shinzo Abe. Tới đây, Ngoại trưởng Nhật Bản đến thăm Việt Nam sẽ bàn về việc cung cấp  tàu tuần tra để giúp Việt Nam.

Trước vấn đề này, Trung Quốc tỏ ra lo lắng, thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao của họ lên tiếng đòi Nhật Bản chấm dứt mọi lời nói và hành động “gây hấn”, dùng hành động thực tế để “bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông” (?), đồng thời kiên quyết phản đối Nhật Bản can thiệp vào vấn đề Biển Đông dưới bất cứ hình thức nào.

Tháng 3 năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Nhật Bản, hai nước đã nâng quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á
Tháng 3 năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Nhật Bản, hai nước đã nâng quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á

Theo bài báo, khi “xung đột Biển Đông giữa Trung-Việt từng bước có xu hướng lắng xuống” (?), thì ông Shinzo Abe công khai “khuyến khích Việt Nam áp dụng hành động cưỡng ép đối với Trung Quốc” (?), đồng thời tuyên bố sẽ giúp Việt Nam đối phó Trung Quốc.

Đồng thời, chính quyền Shinzo Abe tuyên bố muốn thảo luận hợp tác với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, đẩy nhanh các kế hoạch viện trợ cho Việt Nam, hỗ trợ khó khăn của Cảnh sát biển Việt Nam về trang bị để nâng cao thực lực cho Việt Nam đối phó Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo bài báo, trong cuộc đối đầu trên Biển Đông giữa Việt-Trung lần này, bất kể về số lượng hay trọng tải tàu chấp pháp, Việt Nam đều “kém xa” Trung Quốc, khiến cho Việt Nam nằm trong thế yếu trong xung đột.

Để làm xoay chuyển tình hình này, bên cạnh sự cố gắng nội lực, Việt Nam muốn hợp tác thêm với Nhật Bản.

Trong bối cảnh lớn Mỹ tiến hành quay trở lại châu Á, Nhật Bản cũng “rục rịch”, luôn tìm cơ hội can thiệp tình hình Biển Đông, từ sau khi xảy ra đối đầu bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines vào năm 2012 (Trung Quốc dùng thực lực ăn cướp), Nhật Bản luôn hỗ trợ Philippines trong vấn đề Biển Đông.

Ngày 22 tháng 5 năm 2014, tại Tokyo, bên lề hội nghị quốc tế "Tương lai châu Á", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam
Ngày 22 tháng 5 năm 2014, tại Tokyo, bên lề hội nghị quốc tế "Tương lai châu Á", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam

Đối với vấn đề này, Nhật Bản không ngừng cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Philippines, đồng thời nhiều lần ủng hộ chính quyền Benigno Aquino về ngoại giao.

Chính phủ Nhật Bản sở dĩ tích cực hỗ trợ cho Philippines, một mặt là do muốn thông qua viện trợ kinh tế và quân sự, lôi kéo và khuyến khích Philippines quyết tâm đối phó Trung Quốc để Philippines “gây sự” ở Biển Đông, chuyển sức ép mà Trung Quốc gây ra cho Nhật Bản ở đảo Senkaku; mặt khác xây dựng Philippines làm bàn đạp cho chiến lược “hướng nam” của Nhật Bản, trở thành căn cứ chiến lược để Nhật Bản can thiệp vấn đề Biển Đông.

Theo bài báo, dưới sự nỗ lực nhiều năm của Nhật Bản, Philippines đã trở thành trạm trung chuyển của chiến lược “hướng nam” của Tokyo. Lần này, Ngoại trưởng Nhật Bản thăm Việt Nam và cung cấp viện trợ cho Việt Nam, rõ ràng giống như đã lôi kéo Philippines trước đây, đưa Việt Nam vào trong hệ thống chiến lược “hướng nam” của họ, mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Biển Đông.

Tháng 9 năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)
Tháng 9 năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)

Bài báo cho rằng, trên thực tế, Việt Nam hoàn toàn không giống Philippines. Trong vấn đề Biển Đông, Philippines ít nhất có được sự ủng hộ rất lớn của Mỹ và Nhật Bản, trong khi đó, Việt Nam chỉ dựa vào sức mạnh của mình để đối kháng Trung Quốc.

Theo giọng điệu của bài báo, lần này, trong cuộc đối đầu xoay quanh giàn khoan HD-981, Việt Nam rõ ràng “không phải là đối thủ” của Trung Quốc, điều này làm cho cấp cao Việt Nam cảm thấy “lực bất tòng tâm”. Do đó, chính phủ Việt Nam buộc phải xây dựng chiến lược Biển Đông mới.

Theo giọng lưỡi tuyên truyền của báo này, ngày 21 tháng 5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Philippines, tuyên bố trong vấn đề Biển Đông sẽ “liên kết” với Philippines “đối kháng” Trung Quốc (?).

Trong khi đó, thông tin Ngoại trưởng Nhật Bản sắp thăm Việt Nam đủ chứng minh “Việt Nam có ý định đi theo Philippines”, sẵn sàng phối hợp với chiến lược “hướng nam” của Nhật Bản để đổi lấy Nhật Bản viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam, tăng cường khả năng cho Việt Nam đối phó Trung Quốc.

Dự kiến đến tháng 6 năm 2014, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) sẽ đến thăm Việt Nam bàn về tình hình Biển Đông
Dự kiến đến tháng 6 năm 2014, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) sẽ đến thăm Việt Nam bàn về tình hình Biển Đông

Ngoài ra, Việt Nam cũng có ý định dựa vào sức mạnh của Nhật Bản để cân bằng với hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, nhằm bảo vệ “lợi ích đã có” của Việt Nam ở Biển Đông.

Báo Trung Quốc xuyên tạc cho rằng, Nhật Bản sở dĩ ra sức can thiệp vấn đề Biển Đông, thực hiện toàn diện chiến lược “hướng nam”, chủ yếu có một số mục đích sau: Thứ nhất, liên kết với Việt Nam “gây sự cố” ở Biển Đông, chuyển tiêu điểm xung đột Trung-Nhật từ biển Hoa Đông xuống Biển Đông, làm giảm sức ép cho Nhật Bản do Trung Quốc gây ra ở Biển Hoa Đông.

Thứ hai, tăng cường vai trò ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Biển Đông, sau đó lấy Việt Nam, Philippines làm “bàn đạp”, tăng cường hiện diện của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á, tận dụng cơ hội tiến quân xuống Nam Á, châu Đại Dương và châu Phi, để đảm bảo an toàn tuyến đường sinh mệnh trên biển của họ (một quyền lợi chính đáng).

Thứ ba, cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam, Philippines, đổi lấy sự hợp tác của Việt Nam, Philippines trên phương diện khai thác dầu mỏ ở Biển Đông, mở rộng kênh nhập khẩu dầu mỏ của Nhật Bản, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế trong nước.

Việt Nam sẽ được Nhật Bản cung cấp "lượng lớn" tàu tuần tra (ảnh minh họa)
Việt Nam sẽ được Nhật Bản cung cấp "lượng lớn" tàu tuần tra (ảnh minh họa)

Thứ tư, để giành lấy thị trường xuất khẩu vũ khí sau này, chi tiêu quân sự của các nước Đông Nam Á luôn tăng lên, một khi Nhật Bản hoàn toàn sửa đổi Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản chắc chắn sẽ đồng thời thúc đẩy “ngoại giao công nghiệp quân sự” và chiến lược “hướng nam”, thực hiện toàn diện thâm nhập và “kiểm soát” đối với Đông Nam Á.

Đứng trước việc Nhật Bản công khai can thiệp vấn đề Biển Đông, đẩy “mặt trận đối đầu Trung-Nhật” tới Biển Đông, bài báo này tuyên truyền, tư vấn cho Bắc Kinh rằng “Trung Quốc cần làm tốt chuẩn bị đáp trả”, một khi Nhật Bản “lôi kéo” Việt Nam thành công, Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một “cái đinh” của Nhật Bản ở Biển Đông, cộng với Mỹ “đổ thêm dầu vào lửa” ở phía sau, Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn ở Biển Đông.

Phán đoán như vậy, nên bài báo kiến nghị, Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp đảo đá ở Biển Đông (thực chất là muốn xâm lược nốt-PV), cần phải “ngăn chặn quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, ngăn chặn nhiều nước ngoài khu vực hơn can thiệp vấn đề Biển Đông.

Một khi vấn đề Biển Đông bị quốc tế hóa, phức tạp hóa, Trung Quốc muốn “thu hồi” (xâm lược) các hòn đảo trên Biển Đông e rằng sẽ “họa vô đơn chí”, có thể sẽ trở thành “hy vọng xa vời” mãi không với tới.

Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đã hạ đặt trái phép ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam đòi "khoan dầu"
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đã hạ đặt trái phép ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam đòi "khoan dầu"

Trên đây là toàn bộ nội dung bài báo của Trung Quốc, phản ánh một cái nhìn sai lệch và tuyên truyền xuyên tạc, chia rẽ, làm giảm sức mạnh của ngoại giao Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Việc Việt Nam biết lượng sức mình, tận dụng các kênh ngoại giao, tận dụng sức mạnh quốc tế, sức mạnh pháp lý để bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình thì Trung Quốc rêu rao là “quốc tế hóa”, là “làm phức tạp tình hình”…

Nhật Bản phát huy vai trò ảnh hưởng quốc tế, phối hợp bảo vệ an ninh tuyến đường hàng hải của họ thì Trung Quốc cho là Nhật Bản can thiệp vấn đề Biển Đông, cùng Việt Nam “gây sự”. Trên thực tế, chính Trung Quốc là kẻ đang gây sự, khiêu khích, gây hấn, xâm lược ở Biển Đông!

Trung Quốc khăng khăng đòi giải quyết vấn đề Biển Đông với từng nước một, vì họ thấy chính sách này dễ thực hiện, dễ “chia để trị”, dễ “bẻ gãy từng chiếc đũa”. Họ lo ngại ASEAN đoàn kết trong vấn đề Biển Đông, trở thành “bó đũa” khó đối phó, nên họ chỉ muốn “đàm phán song phương”, kiên quyết phản đối “đàm phán đa phương”, phản đối “quốc tế hóa”…

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam không đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam không đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc

Trên thực tế, Trung Quốc thường xuyên gây sự cố trên Biển Đông, tìm mọi cách để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc đã cho giàn khoan hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, thậm chí mang theo cả tàu quân sự, máy bay quân sự và nhiều loại tàu khác đến “bảo vệ” giàn khoan này, chẳng khác nào một cuộc xâm lược vùng biển của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn hàng hải ở khu vực.

Trong cuộc xâm lược này, Trung Quốc đã dùng thực lực để chèn ép một nước yếu hơn hòng làm thay đổi hiện trạng Biển Đông.

Thậm chí họ dùng những “mưu hèn kế bẩn” tới mức thật hài hước, ví dụ như định lừa để tàu ta đâm vào tàu họ, để họ có cớ lu loa với thiên hạ. Song, lực lượng chấp pháp Việt Nam luôn tỉnh táo, biết giữ hòa hiếu, thể hiện khát khao hòa bình, không muốn chiến tranh.

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực để vạch trần bộ mặt thật lòng tham vô độ “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời kết hợp sức mạnh trong nước và ngoài nước, sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế để bảo vệ chủ quyền, quyền lợi chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của mình, bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông, chống lại các hành vi xâm lược bất hợp pháp của Trung Quốc.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong hình là lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong hình là lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Đông Bình