Chuyến công du Camphuchia của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Lương Quang Liệt đúng vào thời điểm diễn ra hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 tại Phnom Penh trong lúc căng thẳng trên biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh bãi đá Scarborough đang tăng cao khiến dư luận đặc biệt chú ý. Qua chuyến công du này, nhiều ý đồ liên quan đến biển Đông của Bắc Kinh dần trở nên rõ nét.
Lễ ký kết hiệp định hợp tác quân sự giữa ông Lương Quang Liệt với người đồng nhiệm Camphuchia, đại tướng Tea Banh, trong đó có điều khoản Bắc Kinh sẽ viện trợ cho Phnom Penh 19 triệu USD, đổi lại Bắc Kinh sẽ nhận được những gì từ Campuchia? Chí ít là sự ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trên biển Đông, nét mặt rạng rỡ của ông Tea Banh tại lễ ký kết viện trợ. |
Tờ Nhật báo Đông Phương ngày 30/5 đưa tin, trong cuộc hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc – Camphuchia ngày 28/5 hai bên đã ký hiệp định hợp tác quân sự song phương, theo đó Bắc Kinh sẽ viện trợ quân sự cho Phnom Penh 120 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 19 triệu USD) để giúp quân đội hoàng gia Campuchia xây dựng quân y viện và các trường đào tạo quân sự. Ngoài ra, Campuchia tiếp tục cử học viên sĩ quan qua Trung Quốc đào tạo.
Tờ báo này giải thích chuyến công du Phnom Penh của ông Lương Quang Liệt trong thời điểm nhạy cảm này là “theo lời mời” từ phía Campuchia. Một điều hiển nhiên như vậy mà tờ Nhật báo Đông phương phải bôi đậm, giải thích thì quả là lạ lùng cho giới truyền thông Trung Quốc, không lẽ ông Lương Quang Liệt lại là khách không mời mà đến Phnom Penh?
Khi đưa lại thông tin từ tờ Nhật báo Đông phương, QQ News đã giật title khá choáng "Trung Quốc đầu tư 19 triệu USD viện trợ quân sự cho Campuchia (để) giảm căng thẳng biển Đông" khiến dư luận đặt dấu hỏi về mục đích chuyến công du Phnom Penh lần này của ông Lương Quang Liệt. (ảnh chụp màn hình đã ghi lại tiêu đề này, nhưng sau đó vài giờ tiêu đề trên đã được QQ điều chỉnh). |
Bất ngờ hơn, khi dẫn lại bài báo này, trang tin QQ có lượng truy cập rất lớn ở Trung Quốc lại giật tiếp một cái title khá choáng: “Trung Quốc đầu tư 120 triệu nhân dân tệ viện trợ cho quân đội Camphuchia (để) giảm căng thẳng biển Nam Trung Hoa (biển Đông)”. Không phải ngẫu nhiên một tờ báo điện tử lớn như vậy lại có sự sai sót, vậy phải chăng giới truyền thông Trung Quốc đã nói hộ ông Lương Quang Liệt và giới chức cao cấp nước này?
Một trong những mục đích và nội dung chuyến công du Campuchia lần này của ông Lương Quang Liệt là gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Philippines để nhắc nhở, cảnh báo và thậm chí là đổ lỗi cho nước này |
Có thể thấy trong chuyến công du Campuchia lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhằm vào 3 mục đích chính: Thứ nhất là “viện trợ tiền cho Campuchia” đầu tư xây dựng quân đội; Thứ 2, gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, đổ lỗi cho Philippines gây ra căng thẳng trên bãi đá Scarborough, nhắc lại lập trường “Scarborough thuộc chủ quyền Trung Quốc, không có tranh chấp gì hết, yêu cầu phía Philippines kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình”;
Thứ 3 là có cuộc gặp gỡ với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN dự hội nghị ADMM 6 để “nói cho rõ” lập trường không đổi của Trung Quốc về biển Đông.
Cả ba mục đích và cũng là nội dung này trong chuyến đi Camphuchia của ông Liệt đều có liên quan đến nhau và cùng phục vụ một mục tiêu: Chia rẽ nội khối ASEAN, phản đối đàm phán đa phương và sự can dự của bên thứ 3 cũng như đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế để Trung Quốc dễ dàng bẻ từng chiếc đũa, cuối cùng ung dung độc chiếm biển Đông.
Trung Quốc không hào phóng đến mức tự nhiên cho không Camphuchia 19 triệu USD, lại còn đưa học viên sĩ quan nước này qua Trung Quốc đào tạo giúp, vậy đổi lại Bắc Kinh sẽ được cái gì đằng sau khoản viện trợ khá lớn này? Đặc biệt trong năm 2012 Campuchia đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Vậy cái tiêu đề “Trung Quốc đầu tư 120 triệu nhân dân tệ viện trợ cho quân đội Camphuchia (để) giảm căng thẳng biển Nam Trung Hoa (biển Đông)” đăng trên mạng của QQ News có lẽ dư luận cũng đã hiểu.
2 viên tướng tháp tùng ông Lương Quang Liệt được giới phân tích quân sự Đài Loan cho rằng nắm rõ cục diện biển Đông nhằm phát đi thông điệp dọa Philippines nên tự biết kiềm chế (Lý Tác Thành - Phó tư lệnh quân khu Thành Đô và Điền Nghĩa Công - Phó chính ủy quân khu Quảng Châu) |
Mục đích và nội dung thứ 2 thì quá rõ ràng, Bắc Kinh gửi thông điệp cứng rắn nếu không muốn nói là “dằn mặt” Philippines cũng như “cảnh báo” các bên liên quan còn lại trong khối ASEAN về cái gọi là “không được làm phức tạp tình hình trên biển Đông” vì lo ngại các thành viên ASEAN "sẽ kết thành một khối" và đại diện cho các nước thành viên có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông đứng ra đàm phán với Trung Quốc.
Điều Bắc Kinh lo ngại hơn là nếu không “cảnh cáo”, các nước thành viên ASEAN có thể ngả theo quan điểm của Mỹ và các bên thứ 3.
Mục đích áp đặt quan điểm của Trung Quốc về cách thức giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Đông qua đàm phán tay đôi giữa Trung Quốc với từng nước một đã thể hiện rất rõ qua chuyến đi này, nếu không ông Lương Quang Liệt không dễ gì có cuộc gặp kéo dài đến 45 phút với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN để ông nói về vấn đề biển Đông.
Thủ tướng Malaysia và Phó tổng thống Philippines bất ngờ đưa ra một hướng đi mới nhằm đoàn kết 4 nước thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông sớm nhóm họp riêng để bàn bạc giải pháp |
Trong một động thái khác có liên quan, dường như đã nhìn rất rõ ý đồ của Trung Quốc khống chế ASEAN về vấn đề biển Đông thông qua các nước không có tranh chấp trực tiếp như Campuchia, hôm nay 30/5 Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Phó Tổng thống Philippines, Jejomar Binay thống nhất kêu gọi 4 quốc gia thành viên ASEAN có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông là Philippines, Malaysia, Việt Nam và Brunei nên nhóm họp riêng với nhau để bàn bạc làm thế nào giải quyết bế tắc sau sự kiện căng thẳng trên bãi Scarborough bắt đầu từ hôm 10/4.
Đúng như tờ Strait Times hôm nay 30/5 nhận định, không ai sẽ tin rằng những bế tắc giữa Philippines và Trung Quốc trên bãi đá Scarborough ở biển Đông là một vấn đề song phương đơn giản. Nó có tác động nghiêm trọng không chỉ đối với chính trị khu vực mà còn ảnh hưởng tới sự thay đổi mô hình quyền lực toàn cầu.
Đây là lý do tại sao vấn đề biển Đông bắt buộc phải được giải quyết thông qua một cơ sở rõ ràng được thiết lập cho việc giải quyết tranh chấp mà không có bất kỳ sự chậm trễ nào nữa.
Sự đoàn kết giữa các nước nhỏ trong khối ASEAN, đặc biệt là 4 quốc gia có tranh chấp biển Đông với Trung Quốc thời điểm này cần thiết, nếu để Trung Quốc "bẻ từng chiếc đũa" như một số "học giả" Trung Quốc vẫn nói đến thì nguy cơ đề Bắc Kinh độc chiếm biển Đông chỉ còn là vấn đề sớm muộn, nhưng khi ASEAN, hoặc chí ít là 4 nước đoàn kết lại, thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp qua đàm phán hòa bình, cơ chế đa phương hoặc đưa ra trọng tài quốc tế cộng với sự tham gia can thiệp của Mỹ và các nước thứ 3 khác có lợi ích trên biển Đông sẽ góp phần hạn chế tối đa sự leo thang, chiếm quyền kiểm soát trên biển Đông như những gì đã xảy ra trên bãi Scarborough.
Hồng Thủy