Trả lời của Bộ trưởng Giáo dục về sách giáo khoa chưa thuyết phục

23/12/2021 06:46
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy khi nghiên cứu phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn.

Cuối tháng 10/2021, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn một số nội dung liên quan đến vấn đề biên soạn, xuất bản và lựa chọn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có trả lời phần nội dung mà Đại biểu chất vấn. Để hiểu rõ hơn những nội dung chất vấn và phần trả lời chất vấn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy.

Thưa Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, bà có thể thông tin những vấn đề mà bà đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bằng văn bản không?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: Đúng là qua tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến từ báo chí, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tôi có gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn 2 câu chất vấn, trong đó có chất vấn liên quan đến việc biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn thành phố Đà Nẵng) (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn thành phố Đà Nẵng) (Ảnh: quochoi.vn)

Thứ nhất, vào đầu năm học, báo chí lên tiếng phê phán khá gay gắt một số bài học thiếu tính khoa học, tính giáo dục trong các bộ sách giáo khoa Khoa học tự nhiên, Ngữ văn và Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng cả tác giả, Nhà xuất bản và Bộ đều im lặng, không cho biết những ý kiến phê bình đó đúng sai đến đâu, nếu đúng thì đã được khắc phục thế nào.

Báo chí cũng phát hiện một tác giả trong 2 năm viết đến 50 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo các loại ở cả 3 cấp học; đề nghị Bộ trưởng cho biết điều đó đúng sai đến đâu và có phải là một nguyên nhân dẫn đến nhiều sai sót trong sách giáo khoa không.

Thứ hai, dư luận đặt ra nhiều bất cập trong việc lựa chọn sách giáo khoa bắt nguồn từ Thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này? Vì sao trước nhiều bất cập như vậy, Bộ không tiến hành thanh tra công việc lựa chọn sách và chỉ đạo các địa phương khắc phục kịp thời?

Đến nay đã nhận được trả lời chất vấn từ phía Bộ Giáo dục và Đào, bà có hài lòng với phần trả lời đó không?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời nội dung chất vấn của tôi như sau:

“Về nội dung, tác giả, lựa chọn sách giáo khoa

Đối với ý kiến về sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên, Ngữ văn và Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Sau khi nhận được phản ánh của báo chí về sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên, Ngữ văn và Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chủ biên, tác giả, đại diện Hội đồng thẩm định, một số nhà khoa học để xác minh, phân tích, đánh giá về tính đúng, sai theo góc độ khoa học.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiếp thu chỉnh sửa kịp thời những nội dung phản ánh đúng, bảo lưu những nội dung phản ánh không đúng. Vì vậy các lỗi trong sách giáo khoa đã cơ bản được khắc phục.

Về vấn đề “một tác giả trong 2 năm viết đến 50 đầu sách giáo khoa, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học”

Theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và qua nắm bắt tình hình, các tác giả mới chỉ có tên trên các sách đã xuất bản ở hai cấp (tiểu học có các lớp 1 và 2, trung học cơ sở có lớp 6) trong 2 năm. Trong 2 năm qua, không có tác giả nào của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam “viết 50 đầu sách giáo khoa, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không mời tổng chủ biên, chủ biên, tác giả viết đồng thời 2 bộ sách giáo khoa để đảm bảo thời gian cần thiết để tổng chủ biên, chủ biên, tác giả thực hiện theo nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Về quy định lựa chọn sách giáo khoa:

Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 quy định thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và thay thế quy định thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa là của các cơ sở giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Thực hiện Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020, quy trình lựa chọn sách giáo khoa từ giáo viên đến tổ chuyên môn các cơ sở giáo dục, Hội đồng lựa chọn cấp tỉnh lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở lựa chọn của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo quy định của Thông tư, Hội đồng chọn sách giáo khoa, thảo luận đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất (các sách giáo khoa có tỉ lệ chọn cao) và căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa để bỏ phiếu kín lựa chọn. Song thực tế ở một số địa phương có tình trạng sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục với tỉ lệ cao nhất, nhưng khi Hội đồng bỏ phiếu lựa chọn chưa bảo đảm tỉ lệ phiếu để đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, vấn đề này gây băn khoăn trong các nhà trường và xã hội. Bộ Giáo dục và đào tạo đã có thông tin về vấn đề này và thời gian tới sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa tại một số địa phương; rà soát Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT để nâng cao hơn nữa vai trò trong việc lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông…”

Đọc, nghiên cứu phần trả lời chất vấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều nội dung tôi chưa đồng tình.

Đại biểu có thể nói rõ hơn về những điểm mà bà chưa thấy thuyết phục trong phần trả lời chất vấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo không?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định các lỗi trong sách giáo khoa đã cơ bản được khắc phục, nhưng tôi khẳng định rằng, sách thì học sinh đã mua và không hề có đính chính. Cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tác giả sách đều không hề trả lời công luận nên mãi tới khi nhận được văn bản trả lời của Bộ trưởng, tôi mới biết Nhà xuất bản chỉ sửa lỗi trên sách giáo khoa điện tử nhưng cũng không rõ là sửa những gì và sửa từ bao giờ. Đó không phải là thái độ đúng trong tiếp thu phê bình.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng “không có tác giả nào của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam “viết 50 đầu sách giáo khoa, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học” thì thông tin tôi có được cho thấy trong 2 năm 2020 – 2021, ông Bùi Mạnh Hùng là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), Tổng Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Chân trời sáng tạo), Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 2, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 6 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Cả 4 bộ sách này đã xuất bản.

Cũng trong thời gian trên, ông Hùng còn làm Tổng Chủ biên các sách giáo khoa Tiếng Việt 3, Ngữ văn 7, Ngữ văn 10 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Các bản mẫu sách giáo khoa này đã hoàn thành, được in và đã trình Hội đồng thẩm định. Ngoài ra, ông Hùng còn viết hàng chục đầu sách tham khảo của hai bộ sách trên. Báo chí đã thống kê gần 50 đầu sách ông Hùng viết trong 2 năm. Để làm bằng chứng, một nhà báo đã gửi tôi ảnh chụp các bìa sách giáo khoa, sách tham khảo Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo dục. Riêng ở bộ sách Tiếng Việt 1 Kết nối tri thức với cuộc sống, ông Hùng đã đứng tên trên 13 quyển sách.

Về Thông tư 25 (lựa chọn sách giáo khoa), tôi hoan nghênh Bộ đang chuẩn bị rà soát, sửa đổi và chuẩn bị kiểm tra, thanh tra việc lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chưa cho biết kế hoạch (ít nhất là thời gian) thực hiện các công việc ấy như thế nào. Tôi đề nghị Bộ trưởng thông tin cho Đại biểu Quốc hội có chất vấn và công luận biết nội dung thông tư sửa đổi và kết quả kiểm tra, thanh tra của Bộ.

Trân trọng cảm ơn Đại biểu.

Thanh Sơn