Trước hết, theo Bộ luật Dân sự 2005, đây là hành vi vi phạm dân sự - hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Trách nhiệm dân sự được áp dụng đối với vi phạm này là buộc chấm dứt hành vi vi phạm, buộc xin lỗi công khai và buộc bồi thường thiệt hại (nếu có). Tuy nhiên, trách nhiệm pháp luật dân sự chỉ có thể được áp dụng khi có đơn khởi kiện của người bị hại (đại biểu Dương Trung Quốc) và sau đó là phán quyết của tòa án.
ĐBQH Dương Trung Quốc (trái), ĐBQH Hoàng Hữu Phước (phải) |
Thứ hai, ngoài xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người bị hại, hành vi này còn ảnh hưởng xấu tới cộng đồng nên được coi là vi phạm hành chính xâm phạm trật tự công cộng. Việc đưa ý kiến lên trang blog cá nhân không chỉ là một thông tin gửi riêng cho đại biểu Dương Trung Quốc mà còn nhằm phổ biến thông điệp cho cộng đồng.
Theo điểm a, khoản 1, Điều 7 Nghị định 73/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, người “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” bị “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng”.
Thiết nghĩ mức phạt này không đáng kể nhưng việc xử phạt sẽ có tính giáo dục đối với xã hội. Lực lượng cảnh sát nhân dân và chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi trên không phụ thuộc người bị hại có đề nghị hay không.
Thứ ba, nếu hành vi của đại biểu Hoàng Hữu Phước “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác”, có thể bị xem xét về tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999. Tùy mức độ nặng nhẹ, các hình phạt được áp dụng với tội phạm này là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Tuy nhiên, cần đảm bảo hai điều kiện để có thể xem xét tội phạm này. Một là người bị hại phải có yêu cầu thì cơ quan chức năng mới có căn cứ để khởi tố vụ án. Hai là hành vi đó phải được đánh giá là xúc phạm “nghiêm trọng” nhân phẩm, danh dự người khác thông qua một loạt các yếu tố như thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi; vị trí, môi trường xung quanh; vai trò của người bị hại trong gia đình, tổ chức, xã hội; dư luận xã hội về hành vi lăng nhục đó.
Trong ba trách nhiệm pháp lý trên, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hành chính có thể áp dụng đối với đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước ở thời điểm này. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự thì không thể áp dụng ngay vì ông Phước được hưởng quyền miễn trừ truy tố khi là đại biểu Quốc hội.
Điều 58 Hiến pháp 1992 quy định: "Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội".
Như vậy, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự của đại biểu Hoàng Hữu Phước nếu không có sự chấp thuận của Ủy ban thường vụ Quốc hội (ngoài kỳ họp Quốc hội) hoặc Quốc hội (trong kỳ họp Quốc hội).
Ngoài ba dạng trách nhiệm pháp lý trên, có một dạng trách nhiệm pháp lý khác tương đối đặc biệt có thể được áp dụng. Đó là trách nhiệm chính trị. Trách nhiệm này khác với ba loại trên ở chỗ nó có thể được áp dụng mà không cần có vi phạm pháp luật.
Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội 2001 quy định: “đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”. Sự “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” này có thể bắt nguồn từ sự vi phạm một trong những nghĩa vụ, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là “phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng” (Điều 46 Luật Tổ chức Quốc hội).
Chưa nói đến vi phạm pháp luật, hành vi của đại biểu Hoàng Hữu Phước đã không “tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng” và có thể dẫn tới trách nhiệm chính trị là bị bãi nhiệm. Cơ chế bãi nhiệm được nêu tại Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội như sau: “Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó.
Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần batổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định”.
Hơn nữa, trách nhiệm chính trị của đại biểu Quốc hội không chỉ gắn với cơ chế bãi nhiệm mà còn gắn với cơ chế từ chức. Điều này thể hiện tính liêm sỉ của người đại diện cho nhân dân. Năm 2011, một nghị sĩ Indonesia đã từ chức sau khi bị phát hiện xem phim khiêu dâm ngay trong phiên họp Quốc hội.
Do đó, sẽ là hợp pháp nếu đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước thể hiện sự “chịu trách nhiệm trước cử tri” (Điều 46 Luật Tổ chức Quốc hội) bằng việc “xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác” (Điều 57 Luật Tổ chức Quốc hội).
Thạc sĩ luật Bùi Tiến Đạt - Nghiên cứu sinh luật tại Đại học Macquarie, Australia (Nguoiduatin.vn)