(GDVN) - Ở bài này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gửi đến độc giả câu chuyện vô cùng thú vị và cảm động về anh lính biển và Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương, qua lời kể của cựu lính biển, nhà thơ Trần Đăng Khoa.
>> Bài 1: Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Trung Quốc hùng mạnh sao lại ứng xử tiểu nhân?
>> Quân đội Việt Nam đã từng giúp TQ đánh giặc như thế nào?
>> Tướng bắt giữ Dương Văn Minh nói về chiêu bài của Trung Quốc
>> Tướng Lê Hữu Đức: “Chưa bao giờ Việt Nam chịu nhục”
>> Tướng Việt Nam phân tích tình hình biển Đông
>> Thiếu tướng, cựu Đại sứ VN ở TQ: "Bằng chứng của TQ là hàng giả!"
>> Tướng Thước: “Thời đại này không phải muốn làm gì thì làm”
>> Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tàu Bình Minh vẫn sẽ ra khơi
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. |
- "Vất vả không, các cậu?" - Tư lệnh hỏi một cậu lính trẻ, tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa. Cậu lính trẻ cười khì khì: “Báo cáo bố, cũng tàm tạm thôi ạ!”.
- “Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi - Giọng Tư lệnh bùi ngùi - Nhưng cái gì cần nhất, cấp thiết nhất, các cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu...”.
- “Thế bố cho con được nói thật nhé!”. “Ừ, thì phải nói thật chứ! - Tư lệnh mỉm cười - Chả lẽ tớ già thế này, còn lặn lội vượt sóng gió ra đây với các cậu, để rồi rốt cuộc, lại nghe các cậu nói dối à?”. “Nhưng bố không được phê phán con lãng mạn cơ...”. “Cái thằng! Tao còn lãng mạn hơn mày ấy!”.
- Anh lính trẻ nhìn mái đầu bạc trắng của Tư lệnh, cười hồn nhiên: “Thế thì, con đề nghị bố thế này nhé! Bận sau, nếu bố ra đảo, bố chịu khó giắt lưng cho chúng con vài cô gái...”.
Anh lính trẻ bỗng bối rối trước cái nhìn ngỡ ngàng của Tư lệnh. “Thì con đã vòi bố trước rồi, là bố phải tha thứ cho con, không được phê phán con lãng mạn”. “Chúng mày muốn nghe hát hả? Muốn xem văn công hả?”.
- “Không, không! - Anh lính bỗng luống cuống - Con đâu dám có voi đòi tiên! Văn công xem ra xa vời quá! Chúng con chỉ muốn bố mang ra đây vài cô nuôi quân thôi! Các cô ấy chẳng phải hát hò gì. Chỉ mặc tấm áo phin trắng, cái quần lụa đen, đi phơ phất trên đảo, để chúng con ngắm, chúng con “chỉnh” mắt. Chứ mắt mũi chúng con, bố thấy đấy, sang vành hết cả rồi!”. Tư lệnh cười ha hả. Anh lính trẻ cũng cười.
Chưa bao giờ tôi được nghe cuộc đối thoại kỳ lạ như thế. Sau đó, quả như niềm ao ước của anh lính trẻ, các cô gái lần lượt ra thăm đảo. Không phải cánh nuôi quân mà các cô văn công mặt hoa da phấn hẳn hoi. Trông cô nào cũng đẹp, cũng thơm phức và lộng lẫy như những nàng tiên cá. Các cô múa hát và khâu vá cho chiến sĩ. Nhiều anh áo quần còn mới nguyên, cũng bí mật xé ra, rồi nhờ các cô vá. Thế là từ đấy, lần nào Tư lệnh ra đảo, các chiến sĩ cũng được dự những bữa tiệc mắt linh đình.
Lính Trường Sa "giấu đảo" và "mở mang bờ cõi" thế nào?
Nhưng đó là chuyện sau này, còn chiều ấy, ngồi bên Tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ Nghệ thực sự coi Tư lệnh như một người đồng đội thân thiết.
- Anh lắc lắc đầu gối Tư lệnh: “Bố thấy Vương quốc của chúng con thế nào?”. Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã. “Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong quân kỷ. Ở đây mà giữ được như thế này là tốt lắm rồi" - Giọng Tư lệnh bỗng bùi ngùi.
- Tất nhiên là vất vả! Chúng mày rất vất vả! Tao biết! Nhưng đây là Tổ quốc, là đất đai hương hoả của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...”. “Vâng, con hiểu! Con hiểu, bố ạ!”.
Tư lệnh ôm lấy đôi vai trần cháy khét nắng gió của người lính trẻ xứ Nghệ. Đôi mắt ông bỗng cay xè, ầng ậng nước. Anh lính trẻ cũng nắm chặt bàn tay xù xì thô ráp của Tư lệnh: “Bố đừng lo! Chúng con ở đây quen rồi! Khổ mấy chúng con cũng chịu được! Nhưng đúng như bố nói đấy. Rất vất vả, cực nhọc. Nhiều lúc mệt quá, con liều nghĩ, hay là ta cứ tạm giấu quách đảo đi!”.
Tư lệnh ngạc nhiên: “Giấu đảo à? Mày nói gì lạ thế? Giấu thế nào?”. “Như là ngụy trang ấy!”. Anh lính trẻ vui vẻ: “Bố cứ cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi! Mà không đến ba tiếng đâu. Chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là con xúc xong chỗ cát này cho xuống biển, đố kẻ thù nào còn nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu!”.
Tư lệnh cười vang, cười đến giàn giụa nước mắt. Rồi ông lóp nhóp đánh xuồng về tàu. Con tàu bấy giờ đang bập bềnh buông neo ngay bên ngoài mép san hô. Và thật bất ngờ, lát sau, ông trở lại với chiếc xẻng còn mới coóng. “Đây! Xẻng đây! Không phải mượn đâu. Tớ tặng luôn cậu đấy để cậu ngụy trang cho đảo!”. Cứ tưởng anh lính trẻ sẽ lắc đầu quầy quậy. Nào ngờ anh vồ vập đón chiếc xẻng từ tay Tư lệnh.
Và sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng của Tư lệnh. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá san hô chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay.
“Mày làm cái gì thế mày? Giấu đảo à?”. “Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! - Anh lính cười khục khục, gương mặt nhấp nhoá nước - Mà, mà, đúng ra, đúng ra con chỉ “buông neo” cho đất nước khỏi bị trôi dạt thôi”!
Văn Trinh ghi
* Tựa đề phụ trong bài do Tòa soạn đặt