Các biện pháp nhằm tăng cường lực lượng hạt nhân của Triều Tiên là "phương tiện duy nhất để ngăn ngừa chiến tranh với Mỹ do sự thiếu tin cậy" giữa hai quốc gia, thông tấn Itar-tass ngày 30/5 dẫn báo cáo của đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên được công bố trên một tờ báo địa phương cho biết.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là người tích cực thúc đẩy các chương trình vũ khí hạt nhân của nước này kể từ khi lên câm quyền vào cuối năm 2011. |
Báo cáo nhấn mạnh rằng Triều Tiên đã xây dựng các lực lượng răn đe hạt nhân để "chống lại các mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ". Bình Nhưỡng đang nỗ lực nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng đổ lỗi cho Mỹ đã "cản trở" nỗ lực này bằng việc đưa ra "các điều kiện tiên quyết".
Đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng Washington "không có quyền chỉ trích Bình Nhưỡng về việc nước này tăng cường khả năng quân sự để tự vệ".
Báo cáo cũng kêu gọi Washington nhận ra các sai lầm trong chính sách của họ đối với Bình Nhưỡng được mô tả là đe dọa, ngăn cản bình thường hóa quan hệ song phương và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố này được xem như là một sự phản pháo của Bình Nhưỡng sau khi đại diện tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 27/5 nhất trí tăng cường sức ép cũng như các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nhằm buộc nước này quay trở lại bàn đàm phán sáu bên.
Đại diện các nước này cũng lưu ý rằng khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng "nghiêm trọng" và kêu gọi một "phản ứng ngay lập tức".
Các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bắt đầu vào năm 2003 và tiếp tục với những thành công khác nhau cho đến năm 2008 với đại diện của các nước Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Thành tựu quan trọng nhất của hội nghị này là việc các bên nhất trí thông qua một tuyên bố chung vào tháng 9 năm 2005, trong đó Triều Tiên cam kết cắt giảm dần chương trình hạt nhân để đổi lấy bảo đảm an ninh và viện trợ kinh tế.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ từ năm 2008 tới nay và Bình Nhưỡng đang tiếp tục các chương trình thử hạt nhân, tên lửa bất chấp lệnh cấm của Liên Hợp Quốc, vi phạm thỏa thuận 6 bên và bỏ qua lời kêu gọi của các cường quốc hạt nhân khác.