Trò chuyện đầu xuân với vị Giáo sư thứ 10 của ngành Công nghệ thông tin

23/01/2023 06:40
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2022, ngành Công nghệ thông tin đã chính thức chào đón vị Giáo sư thứ 10 - tính kể từ năm 1991 đến nay.

Năm 2022, ngành Công nghệ thông tin có duy nhất 1 ứng viên được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư. Với sự kiện này, ngành Công nghệ thông tin đã chính thức chào đón vị Giáo sư thứ 10 (kể từ năm 1991 đến nay).

Nhân dịp đầu xuân, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nhà giáo Đỗ Phúc để hiểu hơn về sự nghiệp của ông và bức tranh về nhân lực ngành Công nghệ thông tin hiện nay.

Giáo sư Đỗ Phúc - Giảng viên cao cấp trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Thầy từng giữ vị trí Trưởng khoa Khoa Hệ thống Thông tin, Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Công nghệ thông tin, Trưởng ban Ban Quan hệ Đối ngoại Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.

Giáo sư Đỗ Phúc - Giảng viên cao cấp trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Thầy từng giữ vị trí Trưởng khoa Khoa Hệ thống Thông tin, Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Công nghệ thông tin, Trưởng ban Ban Quan hệ Đối ngoại Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.

____
Phóng viên: Ông có chia sẻ gì khi bản thân là ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư duy nhất của ngành Công nghệ thông tin năm nay?

Giáo sư Đỗ Phúc: Trước hết, tôi muốn nhân dịp này gửi lời cảm ơn đến tập thể thầy cô và cán bộ viên chức trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (trường Đại học Công nghệ thông tin) đã động viên tin tưởng, giúp đỡ và tạo điều kiện làm việc cho tôi trong suốt quá trình nhiều năm phấn đấu.

Tôi cảm thấy rất tự hào khi được Hội đồng giáo sư cơ sở trường Đại học Công nghệ thông tin, Hội đồng giáo sư ngành Công nghệ thông tin và Hội đồng giáo sư nhà nước xét đạt chuẩn giáo sư ngành Công nghệ thông tin năm 2022. Đây là vinh dự to lớn trong cuộc đời giảng viên.

Đồng thời, tôi ý thức được trọng trách và lời căn dặn của các giáo sư trong các Hội đồng về trách nhiệm và kế hoạch phát triển ngành Công nghệ thông tin Việt Nam, đó là làm sao cho tương xứng với kỳ vọng và thời cơ của ngành Công nghệ thông tin trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta.

____
Phóng viên: Được biết, đây là năm thứ 2 ông nộp đơn xét duyệt công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư. Vậy ở lần thứ 2 này, ông có gặp áp lực gì không? Trong lần nộp đơn xét duyệt năm nay, ông đã rút kinh nghiệm từ lần đầu tiên như thế nào?

Giáo sư Đỗ Phúc: Tôi được nhận chức danh Phó giáo sư năm 2006. Kể từ năm đó đến nay, công việc xét hồ sơ Giáo sư cũng đã có nhiều thay đổi và Công nghệ thông tin được ứng dụng nhiều hơn.

Quy trình xét duyệt chức danh Giáo sư năm nay có yêu cầu rất cao trong tiêu chuẩn và khâu chuẩn bị hồ sơ. Mọi danh mục phải được trình bày rất cụ thể, chi tiết và có minh chứng đầy đủ. Do chưa quen với thủ tục mới, tôi đã không cung cấp đủ các minh chứng trong hồ sơ.

Rút kinh nghiệm năm 2021, tôi đã bổ sung hoàn chỉnh các minh chứng, đặc biệt là các minh chứng về biên soạn giáo trình giảng dạy đại học và tham gia xây dựng chương trình đào tạo.

Trong mười năm qua, trường Đại học Công nghệ thông tin đã tích cực khuyến khích giảng viên biên soạn giáo trình phục vụ giảng dạy đại học; trường cũng đã thiết kế nhiều chương trình đào tạo bậc đại học trong đó có ngành Khoa học dữ liệu mà tôi được tham gia. Bên cạnh đó, trong quá trình cung cấp minh chứng khi khai báo hồ sơ, tôi cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các phòng, ban của trường.

____
Phóng viên: Từ mối duyên nào mà Giáo sư lựa chọn gắn bó với ngành Công nghệ thông tin?

Giáo sư Đỗ Phúc: Tôi đến với ngành Công nghệ thông tin cũng là một cơ duyên.

Hồi đó, vào năm 1977, tôi thi đậu vào ngành Điện tử thuộc trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau khi học xong giai đoạn đại cương, tôi lại được thầy cô chuyển sang học ngành Điện Toán.

Tốt nghiệp ngành Điện Toán trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, tôi bắt đầu công tác tại Công ty Máy Tính Việt Nam (tiền thân là IBM Việt Nam) và làm việc đầu tiên với Máy tính IBM 360, model 40.

Đến năm 1999, tôi chuyển công tác về trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Năm 2006, tôi chuyển công tác về trường Đại học Công nghệ thông tin thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn lại chặng đường 40 năm, tôi cảm thấy rất may mắn đã được thầy cô phân về học ngành Công nghệ thông tin. Ngày nay, tôi vẫn đam mê nghiên cứu tìm hiểu và triển khai những công nghệ tiên tiến trong ngành Công nghệ thông tin. Tôi vẫn say sưa với những dòng lệnh đã được thầy cô chỉ dạy nguyên lý lập trình ở những năm đầu Đại học.

Trong nghiên cứu, cũng có khi gặp khó khăn do thiếu điều kiện và kinh phí, thiếu đối tác. Nhưng với quyết tâm vượt khó và sự hỗ trợ của trường Đại học Công nghệ thông tin, tôi đã vượt qua.

Giáo sư Đỗ Phúc nhận Bằng khen nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo sư Đỗ Phúc nhận Bằng khen nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

____

Phóng viên: Trải qua 40 năm học tập, giảng dạy và nghiên cứu Công nghệ thông tin, Giáo sư tập trung chủ yếu vào các hướng nghiên cứu nào?

Và trong các công trình nghiên cứu của mình, Giáo sư tâm đắc hay ấn tượng nhất với công trình nào? Xin ông hãy kể thêm về nó.

Giáo sư Đỗ Phúc: Các nghiên cứu của tôi chủ yếu tập trung vào 4 hướng chính là: Khai thác dữ liệu; Khai thác văn bản và phân tích trình tự sinh học; Phân tích mạng xã hội; Và Hệ thống thông tin không đồng nhất và đồ thị tri thức.

Mục tiêu của các hướng nghiên cứu là tìm kiếm các tri thức trong dữ liệu để hỗ trợ tiến trình ra quyết định.

Hướng nghiên cứu 1, tập trung vào bài toán khai thác tri thức tiềm ẩn trong cơ sở dữ liệu hỗ trợ các tiến trình ra quyết định.

Hướng nghiên cứu 2, tập trung vào bài toán khai thác tri thức tiềm ẩn trong văn bản và các trình tự sinh học hỗ trợ các tiến trình phân tích, tổng hợp thông tin văn bản, khám phá các đặc trưng của trình tự sinh học hỗ trợ bài toán chuyển nạp gen vào cây trồng.

Hướng nghiên cứu 3, tập trung vào bài toán khai thác tri thức tiềm ẩn trong mạng xã hội để khám phá chủ đề lan truyền trên mạng xã hội, phân tử có ảnh hưởng lớn, cộng đồng người dùng có quan tâm cùng chủ đề trên mạng xã hội.

Hướng nghiên cứu 4, tập trung vào bài toán khai thác tri thức tiềm ẩn trong các mạng thông tin không đồng nhất ví dụ mạng trích dẫn, đồ thị tri thức và ứng dụng trong các hệ hỏi đáp bằng ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt.

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, tôi đã hoàn thành 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ theo các hướng nêu trên; Công bố trên 100 bài báo khoa học trong và ngoài nước; Và xuất bản 3 giáo trình, 4 book chapter của các nhà xuất bản uy tín.

4 hướng nghiên cứu trên đều là những nội dung quan trọng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Đặc biệt, tôi rất tâm đắc với hướng xây dựng các hệ hỏi đáp tự động dựa trên đồ thị tri thức.

Với những nỗ lực nghiên cứu, tôi rất mong xây dựng được một hệ hỏi đáp tự động kiến thức về đất nước và con người Việt Nam để giúp các em học sinh thêm yêu mến tổ quốc ta.

____
Phóng viên: Giáo sư vừa nhắc đến ước muốn xây dựng một hệ hỏi đáp tự động kiến thức về đất nước và con người Việt Nam, vậy cụ thể việc xây dựng như thế nào, thưa ông?

Giáo sư Đỗ Phúc: Ở những ngày cuối năm 2022, chúng ta đã nghe nhiều thông tin tích cực về Chatbot GPT của OpenAI có khả năng trả lời những câu hỏi có độ trôi chảy không kém người thật, cùng khả năng đối thoại trong hàng loạt chủ đề, thể hiện tiến bộ lớn so với các chatbot xuất hiện cách đây chỉ vài năm. Trong nước, các hệ hệ hỏi đáp đã xuất hiện nhưng hệ hỏi đáp cần một cơ sở tri thức phong phú để có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến đất nước và con người Việt Nam vẫn còn đang là vấn đề mở.

Hiện nay, các công nghệ về hỏi đáp tự động đã xuất hiện nhiều, tuy vậy việc áp dụng và phát triển công nghệ hỏi đáp vào xử lý tiếng Việt không phải là chuyện một sớm một chiều. Bên cạnh đó việc xây dựng một cơ sở tri thức phong phú và chính xác về đất nước và con người Việt Nam cũng là một vấn đề nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu của tôi thông qua đề tài DS2020-26-01 của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng thử nghiệm các công cụ thu gom và phân tích văn bản từ Internet để tạo cơ sở tri thức kết hợp với việc biên soạn thủ công. Việc tạo ra các cơ sở tri thức tiếng Việt và việc xây dựng hệ hỏi đáp tiếng Việt đòi hỏi phải xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt. Đây là một trong các thách thức của các nhà nghiên cứu.

Qua quá trình nghiên cứu, điểm thú vị nhất nhóm chúng tôi là bước đầu thể tạo ra sản phẩm có trí thông minh của con người trong trong một số lĩnh vực.

Chúng tôi mong muốn tạo ra một phần mềm có khả năng học tập tiếp thu tri thức liên tục và qua đó có khả năng trả lời nhằm hỗ trợ cho chúng ta có thể tìm kiếm, phân tích, tổng hợp thông tin. Các phần mềm này sẽ là các trợ thủ đắc lực cho quá trình học tập, nghiên cứu của chúng ta.

Và lý do tôi chọn chủ đề về kiến thức về đất nước và con người Việt Nam bởi vì đây thực sự là một kho tàng tri thức to lớn mà chúng ta cần tổ chức và truyền bá cho thế hệ sau, để xây dựng niềm tự hào, tinh thần yêu nước, ý chí vươn lên để xây dựng đất nước ngày thêm mạnh giàu. Với hệ hỏi đáp tự động bằng máy tính, chúng ta có thể tra cứu, hỏi đáp rất kiến thức rất nhanh với nhiều hình thức thể hiện, hệ có khả năng cập nhật tự động các kiến thức mới. Thế hệ trẻ ngày nay, với khả năng tiếp thu và sử dụng công nghệ sẽ rất nhanh chóng tiếp thu và làm chủ phương tiện này.

Giáo sư Đỗ Phúc (đeo kính, đứng ở giữa) tham gia seminar tại trường Đại học Công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12/2022.

Giáo sư Đỗ Phúc (đeo kính, đứng ở giữa) tham gia seminar tại trường Đại học Công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12/2022.

____

Phóng viên: Thưa Giáo sư, ý nghĩa và sự đóng góp to lớn về mặt học thuật cũng như tính ứng dụng của các nghiên cứu liên quan đến ngành Công nghệ thông tin là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về học thuật (các Giáo sư, Phó giáo sư) đối với ngành này đang thiếu trầm trọng. Thậm chí, ngay cả Hội đồng giáo sư ngành Công nghệ thông tin cũng phải lấy thêm cả Phó giáo sư và Giáo sư ngành Toán học.

Vậy từ thực tế công tác trong ngành, Giáo sư nhận thấy thực trạng này như thế nào? Việc thiếu trầm trọng như vậy gây ra những ảnh hưởng ra sao đến chất lượng đào tạo, sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin,...?

Giáo sư Đỗ Phúc: Ngành Công nghệ thông tin có đặc thù là nghiên cứu và triển khai ứng dụng. Ngành Công nghệ thông tin có thuận lợi là hiện nay đang là ngành khoa học mũi nhọn của thế giới. Ở trong nước, các ứng dụng của Công nghệ thông tin cũng đang được áp dụng mạnh mẽ và sâu rộng vào mọi mặt của cuộc sống đặc biệt hơn nữa, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất sôi động trên mọi mặt của đời sống. Các thầy cô giáo giỏi có thể giảng dạy, nghiên cứu và đồng thời triển khai các ứng dụng Công nghệ thông tin.

Do đó đại đa số thầy cô cũng không nhất thiết tập trung vào việc đạt các chức danh khoa học. Bên cạnh công tác giảng dạy, các thầy cô có thể có thêm thu nhập qua các hợp đồng triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin. Vậy nên, để các thầy cô có thể tập trung phát triển nghiên cứu và đạt các chức danh khoa học thì thu nhập phải tương xứng với tài năng và công sức của họ.

Việc thực hiện các nghiên cứu để có các bài báo quốc tế trong các tạp chí SCI có IF cao, không phải là chuyện dễ dàng nếu thầy cô không có các nguồn tài trợ thông qua các đề tài nghiên cứu triển khai Công nghệ thông tin.

Việc thiếu các thầy cô có học vị Giáo sư, Phó giáo sư trong ngành Công nghệ thông tin không phải vì lý do chúng ta thiếu các chuyên gia có hiểu biết sâu sắc về ngành nghề mà theo tôi nghĩ do các thầy cô đang tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin. Do đó, chúng ta vẫn đủ tiềm lực để đào tạo nguồn nhân lực Công nghệ thông tin chất lượng cao.

Tuy vậy lâu dài, theo tôi đội ngũ thầy cô cần định hướng lại vì sự phát triển chuyên môn sâu về mặt học thuật của ngành Công nghệ thông tin. Lúc đó, các thầy cô cần có các nguồn tài trợ từ đề tài, dự án để thực hiện nhằm đạt các yêu cầu của chức danh Phó giáo sư, Giáo sư.

Khi thầy cô đã có chức danh Phó giáo sư, Giáo sư, các Cơ sở đào tạo, nghiên cứu cần tạo cho họ điều kiện thật tốt để họ có thể đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu, giáo dục đào tạo đội ngũ nhân lực Công nghệ thông tin chuyên môn sâu.

Từ năm 1991 đến nay, ngành Công nghệ thông tin có 10 Giáo sư được công nhận đạt chuẩn. Cụ thể: TSKH.Bạch Hưng Khang là người đầu tiên được phong học hàm Giáo sư (năm 1991). Tiếp theo là TSKH Hoàng Văn Kiếm (năm 1996), TS.Nguyễn Thúc Hải (năm 2001), TS.Nguyễn Thanh Thủy (năm 2010), TS.Vũ Đức Thi, TS.Cao Hoàng Trụ, TS.Phan Thị Tươi, TS.Lê Hoài Bắc (năm 2019), TS.Từ Minh Phương (năm 2019) và năm 2022 là TS.Đỗ Phúc.

____
Phóng viên: Vậy ông đánh giá như thế nào về môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay đối với sự phát triển của lĩnh vực Công nghệ thông tin? Giáo sư kỳ vọng gì ở thế hệ những nhà khoa học trẻ nước ta hiện nay?

Giáo sư Đỗ Phúc: Tôi hiện đang công tác tại trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Từ thực tiễn của mình, bản thân tôi nhận được các nguồn tài trợ qua các đề tài nghiên cứu của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn có các nguồn tài trợ thông qua các đề tài khoa học của Nafotech, Vingroup, các sở khoa học công nghệ các tỉnh, thành… Như vậy nguồn lực về tài chính không phải là vấn đề lớn.

Theo tôi, điều quan trọng là chúng ta chọn hướng đề tài và viết thuyết minh để xin đăng ký đề tài. Thuyết minh đề tài như một hình thức theo kiểu đấu thầu. Do đó chúng ta cần có các chuẩn bị về đội ngũ, tiềm lực và học thuật để thuyết phục Hội đồng phê duyệt đề tài.

Qua tiếp xúc và làm việc với các bạn trẻ, tôi nhận thấy thế hệ trẻ hôm nay rất giỏi chuyên môn Công nghệ thông tin và tiếng Anh. Các em được đào tạo theo chuẩn mực ở các đại học nghiên cứu nước ngoài. Do đó tôi tin tưởng họ sẽ là đội ngũ mạnh của ngành Công nghệ thông tin. Điều này cũng được chứng minh khi chúng ta thấy rằng trong năm 2022 vừa qua, đã nhiều giảng viên trẻ đã đạt chức danh Phó giáo sư.

Giáo sư Đỗ Phúc chụp ảnh cùng các nghiên cứu sinh của mình.

Giáo sư Đỗ Phúc chụp ảnh cùng các nghiên cứu sinh của mình.

____
Phóng viên: Trở thành Giáo sư là một niềm vinh dự, tự hào, cũng là sự vinh danh, khẳng định cho những cống hiến không miệt mài của ông. Nhìn lại hành trình hơn 40 học tập, nghiên cứu và giảng dạy của mình, điều Giáo sư cảm thấy tự hào nhất là gì?

Giáo sư Đỗ Phúc: Trở thành Giáo sự là mơ ước của bất kỳ giảng viên nào. Nhìn lại hành trình đã đi qua, điều tôi cảm thấy rất tự hào nhất có lẽ là việc được tham gia vào việc phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Năm 2006, tôi được tham gia vào đề án xây dựng trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong các trường Đại học Công nghệ thông tin đầu tiên của nước ta.

Trải qua, 16 năm phấn đấu, trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã là một trường Đại học có uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về Công nghệ thông tin cho cả nước.

Trong quá trình phát triển của trường, Tôi đã đóng góp vào việc biên soạn các chương trình giảng dạy mới, đào tạo các nghiên cứu sinh, học viên cao học thông qua các đề tài nghiên cứu, triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin. Đây chắc chắn sẽ là những ký ức không bao giờ quên trong sự nghiệp của tôi.

____
Phóng viên: Cuối cùng, xin ông hãy chia sẻ thêm về những dự định ấp ủ của mình khi đã ở một cương vị mới là Giáo sư ngành Công nghệ thông tin?

Giáo sư Đỗ Phúc: Với chức danh Giáo sư, tôi mong mỏi được truyền cảm hứng cho các giảng viên trẻ. Tôi sẽ có các đóng góp tích cực về quá trình đào tạo Nghiên cứu sinh cho trường Đại học Công nghệ thông tin nói riêng và xã hội nói chung.

Đồng thời, tôi cũng sẽ tập trung vào việc nghiên cứu các đường hướng mới của Công nghệ thông tin và ứng dụng trong kinh doanh, giảng dạy các phương pháp nghiên cứu khoa học, nghệ thuật viết và xuất bản bài báo, viết luận văn-luận án, hướng dẫn cách làm và trình bày hồ sơ xin xét chức danh khoa học.

Ngoài ra, để đóng góp thêm tiếng nói trong lĩnh vực học thuật, tôi rất sẵn sàng để tham gia phản biện bài báo cho các tạp chí nổi tiếng trong và ngoài nước, tham gia các hội thảo Công nghệ thông tin trong và ngoài nước. Và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về Công nghệ thông tin với các đại học nước ngoài.

Với các công việc trên, tôi hy vọng sẽ góp phần vào việc phát triển đội ngũ nghiên cứu của Việt Nam!

____
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

Doãn Nhàn