- Cảm giác của Lan Phương như thế nào khi chính thức là một trong 5 ứng cử viên sáng giá của vị trí Đại sứ du lịch Việt Nam 2014 và được mời tham dự Hội chợ du lịch Quốc tế ở Hà Nội vừa qua?
Diễn viên Lan Phương |
Tôi cảm thấy thú vị vì lần đầu tiên các ứng cử viên Đại sứ du lịch được gặp gỡ và tham gia một sự kiện như vậy. Điều đó khiến tôi cảm nhận được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của vị trí Đại sứ du lịch.
Đặc biệt là khi ra Hội chợ, thấy mọi thứ được tổ chức rất chuyên nghiệp, hoành tráng cùng một lượng khán giả tham gia rất đông. Dù hôm đó trời nắng nhưng họ vẫn ngồi đến tận cuối chương trình để ủng họ cho các ứng cử viên khiến tôi vui và thấy mình có thêm nhiều động lực để làm tốt nhiệm vụ nếu được lựa chọn.
- Diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng của Trung Quốc cũng muốn ứng cử vị trí Đại sứ du lịch Việt Nam tại Trung Quốc. Từng được tiếp xúc với 'Tôn Ngộ Không' cảm nhận của chị như thế nào về con người và tính cách của nghệ sĩ này?
Cảm nhận của tôi là chú ấy rất dễ thương bởi vì đó là thần tượng của tôi, khi tôi còn bé xíu. Lúc đó tôi mê mẩn phim Tôn Ngộ Không và còn nghĩ Tôn Ngộ Không là người đẹp trai nhất thế giới.
Cho nên lúc ban tổ chức Hội chợ du lịch Quốc tế chiếu lại những thước phim tư liệu về bộ phim của chú thì tự dưng cảm xúc trong tôi dào dạt trở lại.
Mặc dù không nói chuyện trực tiếp được với chú ngoài các câu như xin chào, vì chú không nói được tiếng Anh mà chỉ thông qua phiên dịch, nhưng tôi cũng thấy rất vui.
Diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng còn khen tôi múa hát rất hay và duyên dáng nên chú có chia sẻ là đang có dự định làm một bộ phim Tây du ký phần 2 và cũng muốn tìm một diễn viên Việt Nam đóng. Tôi cũng chia sẻ lại rằng, tôi rất muốn được tham gia casting phim của chú.
- Vậy bản thân chị có ủng hộ thiện chí muốn trở thành Đại sứ du lịch Việt Nam tại Trung Quốc của diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng không?
Tôi nghĩ điều đó cũng tốt thôi. Khi một người nổi tiếng ở một đất nước khác họ muốn được giới thiệu về Việt Nam cho chính người dân và khán giả họ nghe thì chắc chắn cái sự lan tỏa và cái sức ảnh hưởng sẽ rất nhiều. Tấm lòng họ tự nguyện làm thì không có lý do gì mà mình lại phản đối cả.
Lan Phương và diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng tại Hội chợ du lịch Quốc tế vừa qua |
- Để trở thành một Đại sứ du lịch của Việt Nam thì các ứng cử viên sẽ phải chấp nhận hi sinh thời gian, tiền bạc...Trong những vấn đề trên với Lan Phương vấn đề kinh phí có phải là một trở ngại lớn nếu trúng cử không?
Tôi nghĩ về thời gian thì tôi có thể sắp xếp được vì tôi từng tham gia rất nhiều các chương trình không phải là nghệ thuật trước đây rồi.
Còn về tiền bạc thì đối với bất cứ ai, vấn đề này cũng là một trở ngại. Nhưng nếu trở thành Đại sứ du lịch thì việc đi xin tài trợ, tôi nghĩ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với bây giờ nên tôi không lo lắng lắm về điều đó.
- Gần đây có ý kiến cho rằng 'danh hiệu' Đại sứ du lịch là không cần thiết và việc phần đa các nữ nghệ sĩ thích ứng cử cho vị trí này là vì muốn làm duyên, làm dáng để được tỏa sáng. Chị có thấy tự ái với nhận định này không?
Tôi nghĩ người ta cũng có những căn cứ, những cơ sở để nói ra điều đó nên tôi cũng không phản đối ý kiến đó.
Thực ra giới showbiz, việc trưng trổ, hào nhoáng bên ngoài thì nó gần như là một đặc điểm, đặc thù rồi. Sẽ không hề ngạc nhiên khi mọi người nói về những ứng cử viên làm việc trong showbiz như vậy.
Nhưng bản thân tôi thì tôi nghĩ như này, khi mà đã tự nguyện ứng cử vị trí Đại sứ du lịch thì ai cũng đã biết trọng trách và trách nhiệm rất là nhiều. Và đó là nhiệm kì 2 năm chứ không phải vui vẻ trong chốc lát kiểu dự án 2 tháng hay 3 tháng. Cho nên khi mình biết là mình phải có trọng trách đấy thì nó không còn đơn thuần là hình ảnh bên ngoài nữa. Và bản thân tôi thích làm công việc này.
Hiện, tôi có rất nhiều những ý tưởng, những dự án muốn làm để góp phần thay đổi một phần nào đó cho du lịch Việt Nam.
Bạn bè tôi ở nước ngoài cũng rất là nhiều và khi nói chuyện với họ, tôi cũng biết du lịch Việt Nam thiếu sót cái gì. Tôi đã từng cảm thấy rất buồn khi họ đánh giá những mặt hạn chế của Việt Nam nhiều hơn là được. Đó cũng là lý do tôi thật sự muốn góp phần làm thay đổi điều đó.
- Chị có thể chia sẻ rõ hơn những hạn chế về du lịch tại Việt Nam mà bạn bè chị góp ý không?
Tôi có thể đưa ra một vài ví dụ. Thứ nhất, những người nước ngoài khi đến Việt Nam, họ phải xin visa trong khi đến Thái Lan thì họ không cần phải xin. Và thủ tục visa thì hình như ngày càng đắt hơn và chỉ được trong một khoảng thời gian nhất định.
Thứ 2 là người châu Âu rất thích biển, họ đến Việt Nam là hưởng thụ khí hậu nhiệt đới với biển xanh, cát trắng nhưng việc duy trì vệ sinh ở Việt Nam thì không tốt lắm. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, đời sống nhân sinh quan thì không cao bằng các nước khác. Cụ thể như ở Việt Nam có rất nhiều bãi biển đẹp nhưng thật sự chỉ có ở Phan Thiết và Nha Trang, mọi người đến nhiều. Ở Vũng Tàu cũng có bãi biển đẹp nhưng không phát triển vì cơ sở vật chất không tốt, khách sạn tốt cũng không có...Mọi thứ giống như làng xã ngày xưa thành ra là không có gì hấp dẫn, thu hút người khác đến.
Thứ 3 là taxi, ở nước ngoài khi họ đến sân bay thì đều có hệ thống dịch vụ đón taxi rất chuyên nghiệp. Họ xếp hàng và có nhân viên ghi hóa đơn thứ tự cho mọi người để không có việc phải tự tìm taxi giữa bao nhiêu loại taxi như ở Việt Nam, sẽ không có cảm giác sợ bị lừa hay sợ bị lấy giá cao hơn quy định.
Ngoài ra, dịch vụ, cung cách phục vụ khách ở Việt Nam cũng không cao. Những người bán hàng, kinh doanh ở khu du lịch Việt Nam vẫn có tư duy hạn hẹp ở việc cố gắng lấy được lợi cho mình càng nhiều càng tốt và ngay lập tức mà không biết rằng cách kinh doanh đó sẽ gây mất thiện cảm và lòng tin của du khách khiến họ không muốn quay trở lại lần sau, và như vậy mối lợi lâu dài hoàn toàn không có.
- Nếu trở thành Đại sứ du lịch Việt Nam 2014, chị có bị áp lực bởi những thành công mà cựu Đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ đã làm trước đó không?
Tôi nghĩ mình sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn chứ áp lực với người trước thì tôi nghĩ là không có. Mỗi thời điểm cũng sẽ khác nhau và tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình nếu trở thành Đại sứ du lịch Việt Nam.