Tăng cường hợp tác
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 20 tháng 3 dẫn trang mạng Đài phát thanh Deutsche Welle (DW) Đức ngày 19 tháng 3 đưa tin, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác quân sự với Philippines và Việt Nam. Philippines và Việt Nam là 2 quốc gia có tranh chấp chủ quyền “nghiêm trọng nhất” với Trung Quốc ở Biển Đông (nguồn gốc là do Trung Quốc xâm lược vào các năm 1974, 1988...), trong khi đó, bản thân Nhật Bản cũng có tranh chấp chủ quyền đảo đá (đảo Senkaku) với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo chuẩn bị thăm Nhật Bản |
Theo bài báo, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chuẩn bị thăm Tokyo và ký kết thỏa thuận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Có quan chức cho biết, thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác công nghệ và huấn luyện quân sự giữa hai nước. Hiện nay, hai nước chỉ có thỏa thuận trao đổi học viên quân sự. Mặc dù thỏa thuận hoàn toàn không có tính ràng buộc, bên ngoài vẫn coi đây là bước đi đầu tiên trong tăng cường quan hệ quốc phòng.
Do ông Joko Widodo lần đầu tiên đến thăm khu vực ngoài Đông Nam Á, quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, chuyến đi này của ông đang phát đi một "thông điệp quan trọng". Một quan chức Indonesia chỉ ra, thỏa thuận quốc phòng có "ý nghĩa to lớn" đối với hai nước.
Theo bài báo, đối với Nhật Bản, tăng cường quan hệ với Indonesia cũng sẽ đem lại một cơ hội tốt hơn cho các doanh nghiệp quốc phòng của họ, nhằm cạnh tranh với các nhà chế tạo thiết bị quân dụng đang đứng chân ở khu vực này.
Sau khi thăm Nhật Bản, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ đến thăm Trung Quốc - nước đã ký kết thỏa thuận quốc phòng với Indonesia, thỏa thuận này có tính ràng buộc về pháp lý.
Theo bài báo, là quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia luôn tự cho là người trung gian xử lý tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng của họ. Tokyo mặc dù không có bất cứ yêu cầu lãnh thổ nào ở Biển Đông, nhưng lo ngại nếu Trung Quốc kiểm soát tuyến đường thương mại trên biển của Nhật Bản thì Nhật Bản sẽ bị cô lập.
Thỏa thuận lần này cũng được ông Shinzo Abe khởi xướng, thống nhất với chính sách an ninh cứng rắn hơn. Ông Shinzo Abe hy vọng giảm sự trói buộc của Hiến pháp Nhật Bản sau Chiến tranh, cũng đồng tình với việc Mỹ "chuyển trọng điểm chiến lược tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Đối thoại bảo đảm an ninh Trung-Nhật ngày 19 tháng 3 năm 2015 (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ) |
Trung-Nhật tái khởi động đối thoại an ninh
Theo tờ “Tin tức Tham khảo” và các báo điện tử khác của Trung Quốc ngày 19 và ngày 20 tháng 3, cùng với việc tăng cường quan hệ an ninh với Đông Nam Á, Nhật Bản cũng đã mở lại hội nghị an ninh cấp cao đã gián đoạn 4 năm với Trung Quốc vào ngày 19 tháng 3 vừa qua. Hội nghị này tổ chức tại Tokyo, nhằm thảo thuận xây dựng một cơ chế tránh để hai nước xảy ra xung đột bất ngờ ở trên biển.
Tham dự hội nghị có Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc phụ trách các vấn đề châu Á – ông Lưu Kiến Siêu cùng nhiều quan chức Bộ Quốc phòng và Cục cảnh sát biển Trung Quốc. Phía Nhật có Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama và các quan chức của Bộ Quốc phòng, Lực lượng Phòng vệ và Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
Tờ “Thời báo New York” ngày 20 tháng 3 cho biết, hai bên Trung-Nhật đã tiến hành thảo luận về việc thiết lập đường dây nóng – đây là một bước tiến nhỏ để hai bên đi tới hòa giải.
Theo bài báo, đây là cuộc gặp lần đầu tiên của quan chức quốc phòng và quan chức ngoại giao của hai “nước lớn” châu Á kể từ tháng 1 năm 2011 đến nay. Những năm gần đây, do tranh chấp lịch sử và lãnh thổ nhạy cảm, hai nước đã có bất đồng.
Có quan chức cho biết, trọng điểm đàm phán của Tokyo là thiết lập đường dây nóng hoặc tương tự để kịp thời trao đổi với đối phương nhằm tránh va chạm trên biển, hoặc ít nhất ngăn chặn những va chạm này phát triển thành xung đột quy mô lớn hơn.
Theo bài báo, ngăn chặn xảy ra chiến tranh ngoài ý muốn đã trở thành một vấn đề cấp bách, đây là do tàu chiến và máy bay quân sự của hai nước Trung-Nhật khiêu khích lẫn nhau ở khu vực đảo Senkaku – một hòn đảo không có người ở trên biển Hoa Đông. Hiện nay, sự “tiếp xúc” này còn mang tính hòa bình, nhưng có chuyên gia cảnh báo, một sơ suất sẽ có thể leo thang thành xung đột quân sự.
Các quan chức cho biết, hai bên hy vọng cuộc gặp này có thể thúc đẩy hai bên triển khai đàm phán, có thể mở đường cho hội nghị cấp cao, tiến tới cải thiện quan hệ. Chẳng hạn cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 11 năm 2014.
Cái bắt tay và thái độ của ông Tập Cận Bình - lãnh đạo Trung Quốc với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 10 tháng 11 năm 2014 bên lề Hội nghị cấp cao APEC |
Việc tăng cường đối thoại có thể sẽ làm giảm sự ngờ vực của Nhật Bản đối với việc Trung Quốc tăng cường chi tiêu quân sự - chi tiêu quân sự năm 2015 của Trung Quốc tăng 10,1%. Điều này có thể cũng sẽ làm giảm sự lo ngại của Trung Quốc.
Theo tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc, tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama cho rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản xem như tiếp tục được cải thiện, nhưng hai bên vẫn có sự ngờ vực về chính sách an ninh của đối phương.
Ông Shinsuke Sugiyama nói: “Nhật-Trung tổ chức đối thoại bảo đảm an ninh là tương trưng cho cải thiện quan hệ hai nước. Nói thẳng ra, quan hệ Nhật-Trung lấy hội đàm cấp cao năm 2014 làm cơ hội, đang từng bước cải thiện. Nhưng, nhìn vào hiện trạng, hai bên Nhật-Trung vẫn lo ngại đối với chính sách an ninh của đối phương, đây là sự thực”.
Phó Cục trưởng chính sách phòng vệ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản Suzuki Atsuo cho biết, Nhật Bản trông đợi nhanh chóng khởi động cơ chế quản lý kiểm soát khẩn cấp trên biển, trên không với Trung Quốc.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu nói: “Trung Quốc rất coi trọng quan hệ Trung-Nhật. Chúng tôi cũng hy vọng hai bên tuân thủ 4 đồng thuận cơ bản đã đạt được. Trên cơ sở 4 văn kiện chung cơ bản của hai nước về quan hệ Trung-Nhật, dựa trên tinh thần lấy lịch sử làm gương và hướng tới tương lai, thúc đẩy quan hệ Trung-Nhật không ngừng đạt được cải thiện và phát triển”.
Ngoài ra, trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục tranh cãi với nhau về quần đảo Senkaku, đáng chú ý mấy ngày gần đây đã nổi lên tranh cãi xung quanh việc Nhật Bản vừa công bố bản đồ cũ xuất bản vào năm 1969.
Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku (ảnh tư liệu) |