Hình ảnh Trung Quốc cải tạo bất hợp pháp ở Trường Sa được đăng tải trên các diễn đàn quân sự trực tuyến nước này. |
Đa Chiều ngày 23/7 dẫn nguồn tờ The Christian Science Monitor bình luận, Trung Quốc đang lúng túng vì bốn mặt giáp địch ở Biển Đông, càng lên gân cơ bắp, càng gặp phiền phức và ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược "một vành đai, một con đường" mà ông Tập Cận Bình khởi xướng.
The Christian Science Monitor đặt câu hỏi, biết rõ là sẽ gây xung đột với Mỹ cũng như các nước láng giềng nhưng tại sao Trung Quốc vẫn bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa 7 đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Trương Kiệt, một học giả nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh muốn làm điều này lâu lắm rồi.
Chỉ có điều đến hiện tại Trung Quốc mới có đủ tiền, nhân lực và công nghệ, do đó Trung Quốc bắt đầu bồi lấp xây dựng đảo (bất hợp pháp). Peter Dutton, một chuyên gia từ Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ cho rằng, Trung Quốc hy vọng có thể khống chế khu vực sau một thời gian mở rộng (bành trướng) lợi ích.
Tuy nhiên việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo này sẽ đẩy khu vực vào trạng thái căng thẳng. Cộng đồng quốc tế đang đặt dấu hỏi Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc như thế nào.
Trương Nông, một học giả từ Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) do Trung Quốc thành lập nhận định, hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông đã khiến các nước cảnh giác, nghi ngờ ý đồ thực sự về cái gọi là trỗi dậy hòa bình mà Trung Quốc tuyên bố.
Xung quanh tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tháng trước rằng việc bồi lấp đảo nhân tạo sắp kết thúc, học giả Trương Phong từ đại học Quốc gia Úc bình luận, đó chỉ là thông báo, không có thay đổi nào thực chất về mặt chính sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Avery Goldstein từ đại học Pennsylvania Hoa Kỳ phân tích, động thái này chỉ là một thủ thuật ngoại giao của Trung Quốc để quyết định nước cờ tiếp theo. Có thể Bắc Kinh xem việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông là một "thắng lợi", nhưng học giả Chu Phong từ Trung tâm Nghiên cứu liên hợp Biển Đông đại học Nam Kinh cho rằng đó là nước cờ để cân bằng ngoại giao với Hoa Kỳ.
Ông Phong lưu ý, nếu Bắc Kinh sử dụng các đảo nhân tạo này vào mục đích quân sự sẽ là hành động thiếu khôn ngoan. Bắc Kinh nên mở cửa các đảo nhân tạo này cho các công trình dân sự như họ tuyên bố, càng lên gân cơ bắp, họ càng gặp nhiều phiền phức.
Luật sư Trịnh từ Viện nghiên cứu Lịch sử và Luật Biển Thượng Hải cho rằng, về mặt pháp luật các đảo nhân tạo này không làm thay đổi bản chất pháp lý của các thực thể, nhưng về mặt chiến lược nó lại có ảnh hưởng rất lớn. Avery Goldstein cho rằng, Trung Quốc cứ tưởng làm thế là mình mạnh hơn Mỹ, Nhật, Úc, nhưng điều đó chỉ làm cho Bắc Kinh bốn bề thọ địch, thậm chí tạo ra một liên minh chống Trung Quốc.
Chính vì Trung Quốc đang leo thang gây căng thẳng trên Biển Đông nên không ít học giả hoài nghi về khả năng thực hiện chiến lược "một vành đai, một con đường" mà ông Tập Cận Bình theo đuổi.