Thủ tướng Thái Lan trong chuyến thăm Nhật Bản. |
The Nation ngày 7/2 đưa tin, chính phủ Thái Lan đang cân nhắc xem có nên vay tiền từ các tổ chức tài chính trong nước để thực hiện dự án đường sắt Trung - Thái trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận vay vốn với Bắc Kinh hay không. "Nếu các cuộc đàm phán với Trung Quốc không thành công, chúng tôi có thể vay vốn từ các tổ chức tài chính trong nước mà chúng tôi có đủ khả năng thanh toán cho các dự án trong nước", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Thái Lan Prajin Juntong cho biết.
Dùng công nghệ Trung Quốc, Bắc Kinh mới cho vay tiền
Ông đưa ra nhận định sau khi chính quyền Trung Quốc cam kết cho Thái Lan vay tiền thực hiện dự án, nhưng với lãi suất và các điều kiện đi kèm mà người Thái "không thể chấp nhận được". Cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp Thái - Trung nhằm chuẩn bị cho một cuộc họp chính thức giữa 2 chính phủ tại Trung Quốc trong tuần tiếp theo.
Prajin cho biết, trong cuộc họp sắp tới sẽ hoàn thiện các chi tiết về đầu tư và ông dự kiến bắt đầu công tác khảo sát và thiết kế trong đầu tháng tới, nếu không có vấn đề gì trục trặc. Phó Thủ tướng Pridiyathorn Devakula thì cho biết, không có vấn đề gì với việc vay vốn từ các tổ chức tài chính trong nước để tài trợ cho dự án.
Các ngân hàng Trung Quốc sẵn sàng cho vay ưu đãi với lãi suất từ 2-4% và không tính lãi trong 4 năm đầu tiên nếu Thái Lan chấp nhận sử dụng công nghệ Trung Quốc cho các dự án, để nhà thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm thiết kế, quản lý tuyến đường sắt. Trong khi đó Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẵn sàng cho vay với mức lãi suất chỉ 1,5%.
The Nation ngày 10/2 dẫn lời Kip Keino bình luận, tuần trăng mật trong quan hệ Trung - Thái tưởng chừng không bao giờ cũ đã có những vết nứt. Nếu chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh, theo Kip Keino người Thái đã "khấu đầu" trước Trung Nam Hải và 55 năm tiếp theo sẽ phải theo luật chơi người Hán đặt ra cho mình.
"Hãy sẵn sàng, người Thái: Sẽ có nhiều bất ngờ khó chịu hơn với các dự án đường sắt xấu số", Kip Keino cho biết. Theo kinh nghiệm cá nhân, những sản phẩm Trung Quốc mà tác giả sử dụng trông khá tốt bề ngoài, nhưng bên trong bị cắt xén bớt nguyên liệu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp người đồng cấp Thái Lan Prayut Chan-o-cha. |
Tờ Đa Chiều ngày 10/2 bình luận, trong khi ông Tập Cận Bình muốn gây ảnh hưởng với người Thái thì Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nhanh chóng "xuất chiêu". Hôm qua 9/2 Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã thăm chính thức Nhật Bản, hai bên xác nhận sẽ triển khai hợp tác trong lĩnh vực xây dựng đường sắt cao tốc cũng như cơ sở hạ tầng tại Thái Lan, biên bản ghi nhớ đã được ký sau hội đàm.
Nhật Bản muốn hỗ trợ Thái Lan "tăng trưởng có chất lượng, con người làm trung tâm"
Giới phân tích cho rằng Nhật Bản hy vọng tăng cường hợp tác với Thái Lan thông qua hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Mục tiêu Nhật Bản đưa ra là chiến lược đầu tư "lấy con người làm trung tâm", trong đó tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng thực chất và chất lượng cao, tạo ra nhiều việc làm mới và các dịch vụ cho đời sống xã hội Thái Lan.
Mặc dù Thái Lan và Trung Quốc đã đàm phán về việc xây dựng tuyến đường sắt nối từ biên giới Thái - Lào tới miền Đông và từ Bangkok tới miền Trung, nhưng chuyến đi Nhật Bản lần này ông Prayut Chan-o-cha dường như muốn nhấn mạnh: Dù người Thái đã ký hiệp định với Trung Quốc, nhưng Nhật Bản không phải lo ngại.
Tại Tokyo, ông Prayut Chan-o-cha trả lời phỏng vấn tờ Sankei cho biết: "Thái Lan hy vọng triển khai chiến lược ngoại giao khoảng cách, đặc biệt là giữ cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản", một cách nói gián tiếp phủ định các bình luận cho rằng chính quyền quân sự Thái Lan hiện nay đang "theo Trung Quốc".
Còn theo thông tin của tờ Bangkok Post ngày 10/2, Thủ tướng Thái Lan đã gửi một thông điệp rõ ràng cho chính phủ Nhật Bản rằng, cuộc bầu cử sẽ sớm được tổ chức tại Thái Lan vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Sau cuộc đàm phán kéo dài 45 phút, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe nói ông hy vọng hòa giải sẽ xảy ra và nền dân chủ sẽ nhanh chóng quay trở lại Thái Lan.
Tướng Prayut Chan-o-cha đã đảm bảo với ông Abe rằng, ông không có ý định giữ quyền lực ngay cả sau khi diễn ra cuộc bầu cử. Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đường sắt đã được ký giữa Bộ trưởng Giao thông Vận tải Thái Lan Prajin Juntong và Bộ trưởng Bộ Đất đai - hạ tầng - giao thông và du lịch Nhật Bản Akihiro Ohta. Mặc dù Nhật Bản vẫn chưa chính thức đồng ý tài trợ cho dự án đường sắt, nhưng Tokyo chấp nhận nghiên cứu phát triển cả 2 tuyến đường sắt Bangkok - Chiang Mai và Mae Sot - Mukdahan.