Reuters ngày 27/4 có bài phân tích về một liên minh ngày càng khăng khít giữa Trung Quốc và Pakistan. Hãng thông tấn hàng đầu Anh quốc cho biết, một phái đoàn Trung Quốc tham dự lễ khánh thành cảng container mới tại thị trấn nhỏ Gwadar, Pakistan.
Gwadar vốn là một làng chài heo hút, một nơi được ví như sự lãng quên của trái đất, nhưng đã phát triển bùng nổ trong mấy năm qua. Bắc Kinh đầu tư xây dựng cảng container tại đây và có quyền sử dụng đối với cảng này của Pakistan.
Cũng theo Reuters, Trung Quốc đã dành một khoản tiền lớn bất thường với 46 tỷ USD để đầu tư trên khắp lãnh thổ Pakistan, nhiều hơn so với ngân sách viện trợ của Hoa Kỳ hàng năm trên phạm vi khắp thế giới.
Hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống cùng Thủ tướng Pakistan trên biểu trưng của sự hợp tác Bắc Kinh - Islamabad. Ảnh: Reuters. |
Đây cũng là cam kết lớn nhất của Bắc Kinh đối với một quốc gia khác kể từ trước cho đến nay. Pakistan cũng là nước mua vũ khí lớn nhất của Trung Quốc.
Thực ra, từ lâu Pakistan đã được Bắc Kinh xem trọng và dành cho những ưu ái. Nhưng vì vị thế vai trò lớn mạnh của Ấn Độ, nên Bắc Kinh phải hướng mắt sang New Delhi nhiều hơn là để mắt đến Islamabad.
Tuy nhiên, khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền tại Ấn Độ thì việc kiềm chế New Delhi trở nên khó khăn hơn và Bắc Kinh cần phải sử dụng đến lá bài Pakistan với nhiều công dụng.
“Trung Quốc quan hệ với Ấn Độ lâu hơn với Pakistan. Tuy nhiên mối quan hệ này đôi khi nhạy cảm, Trung Quốc không thể đủ khả năng thực sự để đối kháng với New Delhi.
Vì vậy Trung Quốc phát triển liên minh với Pakistan, khiến họ trở thành đối tác chiến lược về mặt quân sự. Pakistan chiếm hơn một phần ba doanh số bán vũ khí của Trung Quốc”, Reuters bình luận.
Tuy nhiên theo cá nhân người viết, việc Bắc Kinh hướng về Islamabad nhiều hơn trong thời gian gần đây còn nhằm mục đích “dạy” cho Bình Nhưỡng bài học về “hãi người cho ăn”.
Bởi lẽ từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên nắm quyền tại xứ Bắc Hàn đã gây cho Bắc Kinh nhiều phiền toái. Cùng với đó là lời cảnh báo gửi tới Washington trong việc nhìn nhận lại vị thế của Bắc Kinh trong việc tạo ra trật tự thế giới mới.
Sử dụng lá bài Pakistan – nhất tiễn hạ song điêu
Pakistan có biên giới chung với Trung Quốc và là một cường quốc hạt nhân, vì vậy Pakistan có một vị trí đặc biệt trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc.
Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga |
"Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả Pakistan như "đối tác chiến lược có thể hợp tác trong mọi điều kiện" duy nhất của Bắc Kinh. Trung Quốc làm cho Pakistan phải chịu ơn và điều đó khiến Pakistan vừa là người bạn, vừa là đồng minh thực sự của Bắc Kinh”, Reuters bình luận.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Pakistan và giúp Islamabad nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt qua việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Pakistan vào năm 2006.
Mặc dủ vậy, giá trị thương mại với Pakistan vẫn còn là một con số rất nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ thân thiết Bắc Kinh – Islamabad sẽ là công cụ tốt nhất kiềm chế Ấn Độ, đối thủ không đội trời chung của Pakistan và đồng thời là đối thủ chiến lược tiềm năng của Trung Quốc.
Với Trung Quốc thì việc phát triển sâu rộng quan hệ với Pakistan không chỉ giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng chính trị toàn cầu của mình, mà còn rất phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể, nhất là hiện thực hoá giấc mộng “Con đương tơ lụa mới” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bắc Kinh kết hợp viện trợ, thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài để xây dựng uy tín và đảm bảo khai thác các nguồn lực tự nhiên của Pakistan phục vụ cho việc phát triển của mình.
“Chỉ với một cảng biển nước sâu ở biển Ả Rập và một con đường đất xa xôi phía tây Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có thể vận chuyển một số lượng lớn dầu thô từ Trung Đông trên con đường ngắn nhất qua Pakistan, thay vì 6.000 dặm qua eo biển Malacca đến Thượng Hải. Hiện nay đó là con đường vận chuyển hơn 80% dầu thô của Trung Quốc và các loại năng lượng khác”, Reuters phân tích.
Trung Quốc chỉ bỏ ra chi phí tối thiểu nhưng có thể đạt lợi ích tối đa khi tăng cường phát triển quan hệ với Pakistan. Bởi lẽ chiến lược của Trung Quốc không còn phải quá chú trọng vào kiềm chế Ấn Độ, mà tốn kém không phải ít, dù là ưu đãi hay trừng phạt.
Chỉ cần ưu đãi Pakistan với con số rất nhỏ nhưng Bắc Kinh có thể mượn tay Islamabad dằn mặt New Delhi.
Với việc “mua thiện chí” của các đối tác qua chính sách “ngoại giao kinh tế”, việc xây dựng chiến lược hướng vào các dự án cơ sở hạ tầng cho nước láng giềng là một trong những cách giúp Bắc Kinh “mua thiện chí” rẻ nhất, khi cả hai bên cùng sử dụng.
Bên cạnh đó các công ty Trung Quốc có được nguồn tài chính vũng mạnh, còn người lao động Trung Quốc thì có công việc và thu nhập. Đúng là chiêu “nhất tiễn hạ song điêu” của Bắc Kinh.
Sử dụng lá bài Pakistan, Bắc Kinh có thể kiềm chế New Delhi và hiệu chỉnh Washington
Dư luận cho rằng quan hệ hữu nghị Trung Quốc - Pakistan được xem là ngọt ngào hơn mật ong và vũng bền hơn sắt thép. Điều này không thể không là mối bận tâm của Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Lenin với quyền bảo vệ Tổ quốc trước chủ nghĩa đế quốc |
Washington và New Delhi thừa hiểu rằng, tất cả sự hào phóng của Trung Quốc sẽ khiến cho Pakistan gắn chặt vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Thông qua đó sẽ tạo ra một sự cân bằng bốn bên trong khu vực, điều mà Washington và New Delhi đều không muốn.
“Năm ngoái Bắc Kinh tuyên bố sẽ tài trợ cho một siêu xa lộ dài 1.800 dặm và một tuyến đường sắt tốc độ cao từ biển Ả-rập, qua dãy Himalaya đến tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.
Ngoài ra, họ sẽ tài trợ một tuyến đường ống dẫn dầu đến thành phố Kashgar của Trung Quốc. Mạng lưới các cơ sở hạ tầng sẽ giúp Pakistan phát triển, cùng với đó là chống lại sức mạnh ngày càng tăng của đối thủ cạnh tranh trong khu vực - Ấn Độ”, Reuters phân tích.
Còn với Hoa Kỳ thì trục Trung Quốc-Pakistan sẽ khiến cho họ có ít đòn bẩy để kiềm chế hành động của Pakistan về sử dụng quân đội hoặc phát triển vũ khí hạt nhân, hay vai trò của họ trong việc hỗ trợ hòa bình ở Afghanistan.
Đặc biệt, Hoa Kỳ lo ngại Trung Quốc sẽ bảo vệ Pakistan khi nước này từ chối hợp tác với Ấn Độ và phương Tây về việc không tham gia buôn bán những loại vũ khí bị cấm mua bán.
Việc sử dụng lá bài Triều Tiên ngày càng hết hiệu nghiệm, thậm chí còn như con dao hai lưỡi, có thể gây nguy hại cho Trung Quốc bất cứ lúc nào.
Trước đây Bắc Kinh dung túng cho Bình Nhưỡng trong việc chế tạo và thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Nhưng khi mới đạt được những gì gọi cơ bản thì anh đồng minh “nghèo lúa gạo nhưng giàu vũ khí” này đã ngày càng đi quá đà.
Với những cái đầu nóng ở Bình Nhưỡng và tính khí thất thường của nhà lãnh đạo Kim Jong-un thì rõ ràng Bắc Kinh đang như nuôi ong tay áo và có thể hậu quả sẽ khôn lường.
Với là bài Pakistan, Bắc Kinh không phải thấp thỏm lo âu vì Pakistan đã có vũ khí hạt nhân từ lâu và họ biết, họ hiểu hậu quả của nó cũng như vận dụng nó cho mục đích gì, như thế nào.
Nghĩa là Bắc Kinh đã nhìn thấy khả năng và có cách kiềm chế nếu Islamabad đi chệch quỹ đạo. Nhưng với Bình Nhưỡng thì Bắc Kinh vẫn mù mờ.
Quan hệ Trung Quốc – Pakistan phát triển sẽ ảnh hưởng tới nhiều đối tác, hiệu chỉnh chính sách của nhiều đối thủ. Ảnh: Reuters. |
Và nếu "vô phúc" Triều Tiên có vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc chưa biết sẽ phải làm gì. Thậm chí Bắc Kinh còn rất lo lắng vì chính Trung Quốc có thể là một trong những mục tiêu dành cho nhà lãnh đạo trẻ “tài năng” ra lệnh khai hoả.
Vì vậy, chưa biết Triều Tiên có thể giúp khống chế, kiềm chế được đối thủ hay không, nhưng rõ ràng hiện tại Bắc Kinh phải đau đầu tìm kế sách kiềm chế Bình Nhưỡng.
Do đó, việc chọn lá bài Pakistan là một trong những cách gửi lời cảnh báo và có thể hiệu chỉnh một cách tốt nhất những gì Washington đang hướng về Bắc Kinh với những sự bất lợi, nguy hiểm.
"Điều đó khiến Washington phải tính toán làm gì để ngăn chặn sự hình thành hai thế lực thù địch Trung Quốc-Pakistan và Ấn Độ - Hoa Kỳ.
Dù Washington có làm gì thì đều có lợi cho Bắc Kinh, bởi lẽ Hoa Kỳ, Ấn Độ và những nước khác nên nhớ rằng Pakistan là một trong những đối tác thực sự duy nhất của Trung Quốc.
Họ cùng xây dựng chiến lược chung về phát triển kinh tế trong khu vực cũng như chống chủ nghĩa nghĩa khủng bố và quyết định tương lai của Afghanistan. Do vậy Washington phải có quan hệ tốt với tất cả các nước trong khu vực”, Reuters cảnh tỉnh về việc Hoa Kỳ phải hiệu chỉnh chính sách đối ngoại của mình trong quan hệ với Trung Quốc.
Sử dụng lá bài Pakistan, Bắc Kinh có thể dạy cho Triều Tiên bài học “hãi người cho ăn”
Có thể thấy rằng, những cử chỉ lạnh nhạt của Tập Cận Bình đối với anh bạn Triều Tiên từ khi họ Tập vào Trung Nam Hải đã chứng tỏ rằng, lá bài Triều Tiên không còn được Bắc Kinh xem trọng, thậm chí không còn cần sử dụng tới.
Thông điệp lạ từ chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn |
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng đều xuất phát từ giá trị và giá trị sử dụng của lá bài này, mà hành động của Bình Nhưỡng là ảnh hưởng quyết định đến những vấn đề đó.
Về giá trị, Bình Nhưỡng ngày càng mất đi thiện cảm vốn đã ít ỏi trong cộng đồng quốc tế. Dù Bắc Kinh muốn độc quyền trong việc khai thác giá trị của lá bài Bình Nhưỡng cũng khó, bởi nó đâu còn nhiều giá trị lợi dụng vì chính những gì Bình Nhưỡng thể hiện.
Về lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong quan hệ với Triều Tiên thì hoàn toàn không tương xứng với những gì Bắc Kinh đã nhún nhường, bao bọc. Về lợi ích chính trị, Bình Nhưỡng đã chứng minh dần hết sự lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Bình Nhưỡng ngày càng làm ảnh hưởng xấu đến Bắc Kinh, càng đứng về phía Bình Nhưỡng thì Bắc Kinh càng thiệt hại. Vậy nên dần dà Bắc Kinh chuyển sang quốc tế hoá trong việc sử dụng lá bài này.
Bắc Kinh ủng hộ trừng phạt Bình Nhưỡng chứ không còn bao dung như trước nữa và đương nhiên Bình Nhưỡng cũng thể hiện sự cứng đầu.
Vì vậy, Bắc Kinh chọn một đối tác khác, chuyển lợi ích của Bình Nhưỡng cho họ để dạy cho Bình Nhưỡng hiểu như thế nào là “hãi người cho ăn”. Pakistan đã là nước được hưởng lợi nhiều nhất bởi đầu tư của Bắc Kinh chứ không phải Triều Tiên.
Một số thông tin tình báo cho thấy Bắc Kinh thậm chí còn giúp kỹ thuật thu nhỏ vũ khí hạt nhân đáng sợ mới của Pakistan và cả máy bay không người lái.
“Trong bảy tháng qua, Pakistan và Trung Quốc đã tiến hành tập trận chung. Trung Quốc cũng đã xây dựng sáu lò phản ứng hạt nhân ở Pakistan trong hai thập kỷ qua và hy vọng sẽ giúp xây dựng ít nhất hai lò nữa”, theo tường thuật của Reuters.
Điều này Bình Nhưỡng có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Nó vừa là cách dằn mặt Triều Tiên, vừa là cách thể hiện của Bắc Kinh cho thế giới thấy rằng, Bình Nhưỡng đã không còn nằm trong sự ưu tiên đặc biệt của Bắc Kinh nữa.
Triều Tiên đã bị thay thế bởi Pakistan trong sự ưu tiên của Trung Quốc. Ảnh minh họa: AP. |
Có thể thấy rằng, Trung Quốc đang tìm mọi cách khai thác tối đa 4 "đối tác chiến lược": Nga ở phía Bắc, Triều Tiên ở phía Đông, Việt Nam ở phía Nam và Pakistan ở phía Tây để khống chế các đối thủ một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc nhảy vào tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ngày càng leo thang quân sự hóa, đe dọa trực tiếp an ninh của Việt Nam và khu vực thì việc khai thác vai trò của Việt Nam không phải chuyện dễ dàng.
Còn Triều Tiên có thể trở thành điểm yếu nhất của của chiến lược “ngoại giao bốn phương” này của Bắc Kinh nên việc dùng lá bài Pakistan là một trong những cách hành xử “nhất cử lưỡng tiện” nhất của Bắc Kinh.
Tóm lại, việc tăng cường quan hệ với Islamabad mang lại rất nhiều tiện ích, lợi ích cho Bắc Kinh. Nó giúp cho Tập Cận Bình nhanh chóng đạt được mục đích của mình với chi phí ít nhất, trong thời gian ngắn nhất, gây nguy hại cho đối thủ nhiều nhất và qua đó mang lợi ích nhiều nhất cho mình.