Ông Tập Cận Bình chủ trì một buổi lễ thăng quân hàm thượng tướng. |
Hôm 13/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Nhân Dân nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu đồng loạt đăng tải bài viết "Thượng tướng (Trung Quốc) được sản sinh ra như thế nào?" dưới dạng hỏi đáp, đã tổng kết và "điểm danh" 34 thượng tướng tại vị của quân đội Trung Quốc.
Trong đợt thăng quân hàm cấp tướng mới nhất năm nay hôm 11/7, Trung Quốc có thêm 4 thượng tướng gồm Thích Kiến Quốc, Vương Giáo Thành, Trử Ích Dân và Ngụy Lượng nâng tổng số sĩ quan đeo quân hàm thượng tướng, cấp bậc cao nhất trong quân đội Trung Quốc hiện nay lên 34 người. Trong số này, có 8 người thuộc thế hệ 4X và 26 người thuộc thế hệ 5X.
Nếu không có gì thay đổi, mất 44 năm mới lên được thượng tướng ở tuổi 64
Theo Nhân Dân nhật báo, trên chính trường các quan chức thế hệ 5X bắt đầu bước vào tuổi nghỉ hưu thì trong quân đội Trung Quốc các thượng tướng 5X mới dang ở tuổi "sung mãn" bởi lên được cấp hàm này mất thời gian tương đối dài.
Tờ Nhân vật Hoàn cầu, phụ san của Nhân Dân nhật báo tính toán, từ cấp thiếu úy lên đến đại tá ở Trung Quốc có 7 cấp hàm, tức 6 lần thăng quân hàm. Nếu cứ 4 năm thăng quân hàm 1 lần thì để đeo lon đại tá, một quân nhân mất ít nhất 24 năm.
Từ đại tá lên thiếu tướng không giới hạn thời gian mà do trần chức vụ quyết định. Từ thiếu tướng lên thượng tướng thời gian càng không xác định, bình quân mất từ 10 đến 15 năm. Số liệu thống kê cho thấy, từ đại tá lên đến thượng tướng Trung Quốc bình quân mất khoảng 20 năm.
Như vậy, từ một sĩ quan trẻ đeo lon thiếu úy ở tuổi 20 để lên đến thượng tướng, mất ít nhất 44 năm, lúc đó người này đã 64 tuổi. 34 thượng tướng đương tại vị trong quân đội Trung Quốc chủ yếu sinh từ 1950 đến 1954, tuổi đời dao động từ 60-64 và được xếp vào hàng "tướng trẻ".
Theo chế độ quân hàm sĩ quan của quân đội Trung Quốc hiện nay có 3 cấp 10 hàm, từ trên xuống gồm: thượng tướng, trung tướng, thiếu tướng; đại tá, thượng tá, trung tá, thiếu tá; thượng úy, trung úy, thiếu úy.
Trần thượng tướng trong quân đội Trung Quốc bao gồm các chức vụ: Phó Chủ tịch quân ủy trung ương, thành viên Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, các Phó Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Chủ nhiệm và Chính ủy các Tổng cục; Tư lệnh và Chính ủy các đại quân khu, 3 quân binh chủng hải quân, không quân và tên lửa...
34 thượng tướng tại vị của quân đội Trung Quốc bao gồm 24 tướng lục quân, 10 tướng hải quân - không quân - cảnh sát vũ trang.
Có kinh nghiệm tham chiến dễ lên thượng tướng
Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từng tham gia chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979. |
Truyền thông Trung Quốc cho biết những sĩ quan có kinh nghiệm tham chiến có nhiều cơ hội lên quân hàm thượng tướng. Đại đa số thượng tướng đương nhiệm trong quân đội Trung Quốc đều kinh qua vị trí chỉ huy trưởng các đơn vị chủ lực và có kinh nghiệm chỉ huy chiến dịch cấp quân đoàn và tập đoàn quân.
Thời Giang Trạch Dân phong thượng tướng tổng cộng 8 lần, 79 sĩ quan. Thời Hồ Cẩm Đào có 9 lần phong thượng tướng, tổng cộng 45 người. Từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã 3 lần phong thượng tướng, tổng cộng 11 người.
Đặc biệt trong số 34 thượng tướng đương tại vị trong quân đội Trung Quốc có ít nhất 3 viên thượng tướng từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979.
Vụ giàn khoan 981: Thường Vạn Toàn lại buông lời thách thức
(GDVN) - Ông Toàn cao giọng thách thức: Không phải ai đó muốn cản là cản được. Việt Nam đừng phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác thành đại sai lầm?!
Tờ Apple Hồng Kông ngày 21/5 cho biết, Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc năm nay 65 tuổi, từng là Sư đoàn phó Sư đoàn 139 quân đội Trung Quốc tấn công xâm lược Việt Nam năm 1979. Người tiền nhiệm của ông Toàn, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt cũng đã từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.
Viên thượng tướng thứ 2 là Trương Hải Dương, hiện giữ chức Chính ủy Bộ tư lệnh Pháo binh 2 (tên lửa chiến lược). Năm 1979 khi Trung Quốc cất quân xâm lược Việt Nam, Trương Hải Dương lúc đó đang là chính trị viên đại đội 1 thuộc trung đoàn 189, sư đoàn 63 quân đoàn 21.
Thứ 3 là Trương Hựu Hiệp, năm 1979 khi 26 tuổi Trương Hựu Hiệp tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với vai trò đại đội trưởng thuộc trung đoàn 118, sư đoàn 40 quân đoàn 14. Hiện tại Trương Hựu Hiệp là Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị quân đội Trung Quốc.
Cho đến bây giờ, truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn tiếp tục luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử khi gọi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 là "phản kích tự vệ"?! Báo chí Trung Quốc đang xem "thành tích xâm lược" của các viên tướng này là tiêu chí đánh giá để cất nhắc họ lên các vị trí lãnh đạo quan trọng, một điều mà đã là láng giềng của Trung Quốc thì không thể không lưu tâm - PV.