Bắc Kinh hôm 11/2 đã bày tỏ sự giận dữ khi một thẩm phán Tây Ban Nha tìm kiếm lệnh bắt giữ đối với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và bốn quan chức cao cấp khác của nước này như một phần của một cuộc điều tra với cáo buộc diệt chủng ở Tây Tạng.
"Trung Quốc vô cùng bất mãn và kịch liệt phản đối các hành vi sai trái của cơ quan Tây Ban Nha bất chấp lập trường của Trung Quốc," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ.
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân |
Ý kiến của bà Hoa Xuân Oánh đưa ra sau khi Thẩm phán Ismael Moreno của Tòa án tối cao Tây Ban Nha hôm 10/2 ra lệnh cho Interpol bắt giữ 5 quan chức Trung Quốc trên vì tội diệt chủng, tra tấn và các tội ác chống lại loài người dựa trên các bằng chứng của một nhóm nhân quyền ủng hộ Tây Tạng tại Tây Ban Nha.
Ngoài Giang Trạch Dân, viên thẩm phán này còn ra lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Lý Bằng và ba quan chức cấp cao khác của Trung Quốc.
Lệnh bắt giữ được đưa ra trên cơ sở học thuyết "thẩm quyền phổ quát" của Tây Ban Nha, trong đó cho phép thẩm phán xem xét vi phạm nhân quyền ở các nước khác. Học thuyết này từng cho phép thẩm phán trước đây của Tây Ban Nha Baltasar Garzon bắt giữ và đưa ra xét xử nhà độc tài Chile Augusto Pinochet.
Trong tuyên bố, bà Hoa Xuân Oánh cáo buộc các tổ chức ở nước ngoài hỗ trợ kế hoạch đòi ly khai của Tây Tạng và kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha không ủng hộ "nỗ lực của các nhóm chia rẽ đất nước của Đạt Lai Lạt Ma".
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội các nước khác và không có bình luận về cách "lực lượng trong nước ở Tây Ban Nha" đối phó với vấn đề này.
"Nhưng tôi tin rằng vụ việc này liên quan đến sự phát triển của quan hệ song phương, vì vậy chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Tây Ban Nha có thể đối phó với vấn đề này một cách đúng đắn và thấy rõ đúng sai" bà nói thêm.
Tháng trước, các nhà lập pháp đảng cầm quyền Tây Ban Nha đệ trình một dự luật để hạn chế việc sử dụng học thuyết trên của các tòa án nước này./.
Nguyễn Hường