Thượng nghị sĩ John McCain. |
Tờ The Guardian ngày 27/2 đưa tin, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Jam Clapper đã báo cáo Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, có một xu hướng đáng lo ngại về khả năng xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng vì Bắc Kinh mở rộng các tiền đồn (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Hành động này được ông James Clapper cho là "hung hăng" để thúc đẩy chủ quyền "cắt cổ".
Bình luận của ông nhấn mạnh, Mỹ lo ngại về các hoạt động cải tạo đất có thể đẩy căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông. "Mặc dù Trung Quốc đang tìm kiếm mối quan hệ ổn định với Hoa Kỳ, nhưng họ cũng tỏ ra sẵn sàng chấp nhận những căng thẳng song phương và khu vực trong việc theo đuổi lợi ích của họ, đặc biệt là trong vấn đề chủ quyền, hàng hải", Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho biết.
James Clapper gọi yêu sách đường lưỡi bò, hay đường 9 đoạn của Trung Quốc đòi "chủ quyền" hơn 80% diện tích Biển Đông là yêu cầu "cắt cổ". Mỹ không phải một bên yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực có vai trò quan trọng đối với hoạt động thương mại quốc tế. Trung Quốc đưa ra (cái gọi là) yêu sách "chủ quyền lịch sử" và phản đối sự cam thiệp của Mỹ.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã đưa ra hình ảnh vệ tinh cho thấy sự chiếm đóng và mở rộng (bất hợp pháp) của Trung Quốc trên đá Ga Ven trong quần đảo Trường Sa những năm qua. Ông McCain cho biết, việc mở rộng của Trung Quốc có thể cho phép nó sử dụng các loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí phòng không và các lựa chọn khác. James Calpper thì tin rằng Trung Quốc vẫn đang trong quá trình xây dựng nên hiện ông chưa rõ Bắc Kinh sẽ triển khai các loại vũ khí, lực lượng nào.
James Clapper, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ. |
Theo Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, trong một năm rưỡi vừa qua, các hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa và vụ hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam là một "xu hướng đáng lo ngại". Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế tuần trước cho biết, trong số các bên tranh chấp, hoạt động của Trung Quốc là bất thường vì nó thay đổi đáng kể kích thước và diện mạo các cấu trúc vật lý ở Trường Sa.
Trung Quốc có một đội quân đồn trú và cung cấp hậu cần tại đá Ga Ven từ năm 2003, nhưng Bắc Kinh bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo vào năm ngoái với kích thước hơn 18 mẫu Anh. Các tòa nhà mới xuất hiện trên đảo nhân tạo đã xuất hiện tháp pháo phòng không.
Tờ Business Standard ngày 28/2 dẫn lời ông James Clapper cho biết, việc cải tạo (phi pháp) ở đá Tư Nghĩa trong quần đảo Trường Sa đã chứng tỏ ý đồ củng cố, mở rộng yêu sách của Bắc Kinh với việc xây dựng các sân bay mới. Một năm trước đây bãi đá Tư Nghĩa vẫn nằm dưới mặt nước biển, nhưng bây giờ đã có đảo nhân tạo với một sân bay trực thăng, cầu cảng. "Những gì Trung Quốc đang làm ở đây là xây dựng sân bay trực thăng phục vụ hoạt động tuần tra, do thám trong khu vực nó tuyên bố chủ quyền".
James Clapper nói rằng chính các hành động thù địch của Trung Quốc là động cơ thúc đẩy các nước láng giềng của họ gồm Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Malaysia phải hợp tác với nhau, có thể có hành động chung được thực hiện với Bắc Kinh, và đây là một điều tốt. Trung Quốc muốn phủ nhận vai trò vị thế của Hoa Kỳ trong việc theo dõi, kiểm soát và trang bị vũ khí ở Thái Bình Dương. Tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc được thiết kế để chống lại sức mạnh của Mỹ.