Hình minh họa, nguồn: Internet. |
Đa Chiều ngày 25/2 bình luận, từ các hoạt động cải tạo (bất hợp pháp) biến đá thành đảo ở Trường Sa (thộc chủ quyền Việt Nam) mà Trung Quốc tiến hành gần đây có thể thấy, Bắc Kinh đang áp dụng thủ đoạn "nước ấm nấu ếch" để tranh thủ thời gian bố trí chiến lược ở Biển Đông, tiến tới thôn tính toàn bộ quần đảo Trường Sa.
Nước ấm nấu ếch là một câu chuyện ngụ ngôn dân gian Trung Quốc, đại ý nếu ném thẳng chú ếch vào nồi nước sôi nó sẽ lập tức nhảy ra theo phản xạ tự nhiên. Nhưng bỏ con ếch vào nổi nước lạnh và đun lên, nó sẽ...chết từ từ. Trung Nam Hải đang coi các nước ven Biển Đông và Hoa Kỳ như chú ếch?
Đầu năm 2015 mặc dù một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đang "làm mềm căng thẳng trên Biển Đông", nhưng vụ xung đột với tàu cá Philippines ngoài bãi cạn Scarborough tháng trước đã cho thấy, Bắc Kinh đã hất cẳng được Manila khỏi bãi cạn này và cắm chân tại đó. Từ cuối năm 2013 trở lại đây Trung Nam Hải không ngừng cải tạo biến đá thành đảo (phi pháp) ở Trường Sa, diện tích ngày càng mở rộng.
Biến Xu Bi và Chữ Thập thành 2 gọng kìm hòng thôn tính Trường Sa
Tết Ất Mùi vừa qua, tin tức về hoạt động xây dựng (phi pháp) của Bắc Kinh ở các bãi đá Chữ Thập, Gạc Ma, Xu Bi lại nổi lên tới tấp. Nhiều bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động bồi lấp xây đảo trên đá Xu Bi. Tổng cộng Bắc Kinh đã tạo ra 8 "mặt bằng" mới ở Trường Sa.
Xét trên góc độ vị trí địa lý theo Đa Chiều, Xu Bi quả thực không bằng Chữ Thập. Thứ nhất Chữ Thập cách bờ biển Việt Nam và Philippines khá xa nên tương đối an toàn trước hỏa lực từ hai nước. Thứ 2, Chữ Thập nằm chính giữa quần đảo Trường Sa nên khả năng khống chế với các điểm đảo, bãi đá và rặng san hô khác rất cao. Thứ ba, đá Chữ Thập nằm trên mé phía Tây tuyến đường trọng yếu từ Hải Nam qua Hoàng Sa ra Trường Sa mà giới phân tích Trung Quốc gọi là "thủy đạo Hoa Nam".
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên công sự nhà nổi kiên cố ở đá Chữ Thập. |
Những yếu tố này Xu Bi không có được. Tuy nhiên đặt trong bố trí tổng thể (tham vọng độc chiếm) của Trung Quốc ở Biển Đông, đá Xu Bi lại có ý nghĩa quan trọng. Trung Quốc xây sân bay (căn cứ không quân phi pháp) ở Chữ Thập kết hợp với cầu cảng (căn cứ hải quân phi pháp) ở Xu Bi được Trung Nam Hải xem như 2 gọng kìm siết chặt Biển Đông.
Từ thực tiễn Đa Chiều cho rằng, đá Chữ Thập sau cải tạo diện tích tuy lớn và phù hợp với sân bay, nhưng không thể xây cầu cảng lớn. Mé phía Tây bãi đá này có thể mở ra cảng nhỏ, nếu xây cảng lớn tại đây chi phí quá cao. Trong khi đá Xu Bi cách Chữ Thập chừng 200 km, nên phối hợp xây sân bay Chữ Thập với cảng lớn Xu Bi nghiễm nhiên trở thành lựa chọn ưu tiên của Bắc Kinh.
Xu Bi là bãi đá nằm ở Tây Bắc quần đảo Trường Sa, gần các cụm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ, là điểm duy nhất Trung Quốc đánh chiếm được (bằng vũ lực phi pháp năm 1988) ở khu vực này. Nếu không chiếm được Xu Bi, Trung Quốc đã không có chỗ cắm chân (bất hợp pháp) ở mé Tây Bắc quần đảo. Hoạt động qua lại giữa các điểm Trung Quốc cắm quân (phi pháp) ở Trường Sa sẽ bị cắt đứt.
Việc Trung Quốc cắm quân ở Xu Bi theo Đa Chiều còn là con dao nhọn uy hiếp trực tiếp các đảo Philippines đang chiếm giữ ở Trường Sa, bao gồm bãi Loại Ta Nam, đảo Loại Ta, đảo Thị Tứ và cách Thị Tứ khoảng 60 km là đảo Bến Lạc. Ngoài ra cách Xu Bi hơn 100 km về phía Đông là đảo Bình Nguyên, đảo Công Đo.
Khoảng cách thẳng từ Xu Bi đến Thị Tứ chỉ chưa đầy 29 km nên các thiết bị nghe trộm của Trung Quốc ở Xu Bi có thể theo dõi các hoạt động của Philippines trên đảo này, hòn đảo duy nhất Manila chiếm giữ có sân bay và dân ở. Ngoài ra theo bình luận của Đa Chiều, Xu Bi nằm sát mé phía Tây trục đường từ Hải Nam qua Hoàng Sa đến Trường Sa nên có vai trò trung chuyển quan trọng. Bắc Kinh có thể lấy Xu Bi làm điểm tựa và sử dụng các thủ đoạn chớp nhoáng khống chế các đảo, đá, rặng san hô ở Trường Sa.
Bởi vậy Đa Chiều cho rằng Trung Nam Hải sẽ xây dựng một "cảng tự nhiên lớn" ở Xu Bi mà các tàu thuyền Trung Quốc sẽ neo đậu (bất hợp pháp).
Các quốc gia ven Biển Đông và Mỹ cần ngăn chặn kế bẩn "nước ấm nấu ếch"
Xung quanh động thái leo thang bành trướng, xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa, tờ The Post and Courier ngày 26/2 bình luận, Trung Quốc đang tranh thủ Nga - Mỹ bận rộn ở Ukraine để bành trướng nhanh chóng ở châu Á. Hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa đã được nhìn thấy một cách chính xác bởi các chuyên gia quân sự phương Tây.
Tàu bơm cát Trung Quốc đang hoạt động gần công sự nhà nổi xây trái phép trên đá Xu Bi, ảnh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ công bố. |
Nó được thực hiện và đẩy mạnh kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012. Trong suốt quá trình đó, Bắc Kinh đã bỏ ngoài ta mọi phản đối từ Hoa Kỳ và các quốc gia liên quan trong khu vực. Ngược lại Bắc Kinh cáo buộc (vu cáo, chụp mũ) các nước này "gây mất ổn định".
Học giả Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết, hoạt động tích tụ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa đã vạch trần mọi hùng biện gần đây của Bắc Kinh rằng họ đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông. Chính sách của Trung Nam Hải khẳng định sự thống trị về cơ bản không có gì thay đổi.
Trong khi đó sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực đã giảm trong thập niên qua, một học giả người Úc, giáo sư Carl Thayer đã nói với The Post and Courier. Theo ông, đã quá muộn để lực lượng quân sự Hoa Kỳ thực hiện một sự khác biệt trong khu vực. "Mỹ và các đồng minh, đối tác của mình có thể đưa ra các phản đối, yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động và kiềm chế. Bắc Kinh sẽ đơn giản bỏ qua các phản đối này. Nếu Washington sử dụng các tàu chiến hải quân sẽ là một sự leo thang và gây ra những rủi ro", ông Carl Thayer bình luận.
Như vậy nỗ lực của Mỹ trong 70 năm qua với bao tốn kém và đau đớn để gây dựng trật tự và thúc đẩy thương mại dọc theo bờ biển châu Á có nguy cơ bị mất. Và các nước láng giềng với Trung Quốc trong khu vực không phải là các quốc gia duy nhất nên được cảnh báo bởi những hành động khiêu khích của Bắc Kinh.