3 học giả người Trung Quốc, Kang Lin và Jiang Zongqiang từ Viện Nghiên cứu Biển Đông tỉnh Hải Nam, Hu Xin từ Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ từ Washington ngày 23/1 bình luận về xu hướng diễn biến Biển Đông thời gian tới trên The Straits Times.
Các học giả Trung Quốc này đưa ra phân tích, giả định về những gì có thể xảy ra trên Biển Đông nếu Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết cho Philippines thắng trong vụ kiện đường lưỡi bò.
Không phải ngẫu nhiên ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc lại 3 lần công khai tuyên bố trước thiên hạ về cái gọi là "chủ quyền từ thời cổ đại với các đảo ở Biển Đông. Ảnh: The Wall Street Journal. |
3 vị học giả Trung Quốc nói rằng, nếu đúng như dự đoán là PCA xử cho Philippines thắng kiện, khu vực này sẽ bước vào một giai đoạn căng thẳng mới khi các bên yêu sách khác tự tin hơn, và Trung Quốc sẽ thay đổi, hiệu chỉnh chiến lược của mình (nhằm độc chiếm) đối với Biển Đông.
Hậu quả có thể từ phán quyết của PCA với Trung Quốc
Sau khi nhắc lại tiến trình vụ kiện và lập luận của Bắc Kinh lý do từ chối tham dự phiên tòa, 3 học giả Trung Quốc nêu ra một số hậu quả mà nước này có thể phải đối mặt khi PCA xử Philippines thắng kiện.
Họ thừa nhận, sự vắng mặt của Trung Quốc tại phiên tòa không làm mất thẩm quyền của Tòa cũng như hiệu lực của phán quyết. Do đó, 3 học giả Trung Quốc nhận định, dự đoán rằng PCA đưa ra phán quyết cuối cùng có lợi cho Philippines là hợp lý.
Hậu quả đầu tiên, Trung Quốc có thể bị lên án rằng, là nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng khinh thường luật pháp quốc tế, thách thức Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Philippines có thể nêu bật phán quyết của Tòa tại các diễn đàn ngoại giao, hội nghị quốc tế, đẩy ngoại giao Trung Quốc vào thế phòng thủ, hình ảnh quốc tế của Trung Quốc bị tổn hại.
Tuy nhiên, 3 học giả Trung Quốc cảnh báo, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình cảm dân tộc (cực đoan) trong công chúng Trung Quốc. Nhưng xin lưu ý, đó là chuyện riêng của Trung Quốc. Bởi lẽ đây là hậu quả tất yếu của chính sách bành trướng lãnh thổ và tuyên truyền sai sự thật chứ không phải do bất cứ tác nhân bên ngoài nào gây ra. Cái này gọi là gậy ông lại đập lưng ông - PV.
Hậu quả thứ hai, phán quyết của PCA cho Philippines thắng kiện sẽ chứng minh, tài phán quốc tế là một kênh giải quyết tranh chấp khả thi (và rất hòa bình, văn minh, hợp pháp nữa).
Do đó phán quyết của PCA có thể khuyến khích các bên yêu sách khác khởi kiện Trung Quốc, bất kể sự chống đối đến cùng của Bắc Kinh, điều này chắc chắn làm căng thẳng leo thang ở Biển Đông.
3 học giả Trung Quốc lưu ý, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản đã cử quan sát viên theo dõi phiên tòa. Việt Nam đã bày tỏ sự hỗ trợ của mình với Hội đồng Trọng tài của PCA trong vụ kiện này, đồng thời bảo lưu các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Động thái này theo 3 học giả Trung Quốc cho thấy, Việt Nam có thể lựa chọn tương tự Phiippines sau khi PCA ra phán quyết.
Tuy nhiên cũng xin lưu ý rằng, dù PCA có ra phán quyết thế nào đi nữa thì Biển Đông sẽ vẫn căng thẳng và leo thang bởi chính hành động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp Trung Quốc tiến hành nhằm chiếm Biển Đông thành ao nhà.
Căng thẳng là do Trung Quốc, không phải do Tòa. Dựa vào phán quyết của Tòa bất lợi cho mình để vùng vằng gây sự là cách hành xử của những kẻ võ biền đuối lý, quyết không phải lựa chọn của nước văn minh, hiểu luật - PV.
Thứ ba, 3 học giả Trung Quốc tin rằng dù phán quyết cuối cùng PCA xử cho Philippines thắng kiện, thì tranh chấp vẫn leo thang trên Biển Đông, sẽ không có thay đổi nào tích cực trong việc giữ nguyên hiện trạng.
Trung Quốc đã chiếm đóng, bồi đắp, quân sự hóa bất hợp pháp 7 hoặc 8 thực thể ở Trường Sa. Hình ảnh Trung Quốc bồi đắp đá Chữ Thập. |
Vậy cũng xin thưa lại 3 học giả Trung Quốc, từ năm 2009 Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy leo thang phá vỡ hiện trạng, tạo ra cái gọi là "trạng thái bình thường mới" mượn theo cách gọi của ông Tập Cận Bình, hay nói theo dân gian là muốn tạo ra sự đã rồi.
Đặc biệt là hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp 2 năm qua, và quân sự hóa các đảo này hiện nay là nguyên nhất cốt lõi của mọi nguy cơ xung đột, bất ổn trong khu vực.
Quý vị nói căng thẳng có thể leo thang sau phán quyết của Tòa thực sự chỉ là lối đổ thừa rất vô trách nhiệm của một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà không ai có lương tri lại có thể chấp nhận được, PV.
Lý do 3 học giả Trung Quốc đưa ra là: "Điểm mấu chốt của tranh chấp ở Biển Đông trên thực tế là không có quốc gia nào muốn từ bỏ những gì họ đang giữ. Chủ quyền đối với các đảo và các rặng san hô liên quan đến lợi ích quốc gia cốt lõi mà không nước nào sẵn sàng thỏa hiệp hoặc từ bỏ.
Quyền tài phán đối với các lợi ích kinh tế to lớn không nước nào muốn mất. Tuyến đường biển liên quan đến hoạt động thu thập tình báo, an ninh, quân sự và cạnh tranh địa chính trị không dễ nhượng bộ. Chúng tôi có thể đoán được những gì Philippines sẽ đạt được từ việc làm rối Trung Quốc".
Đúng là không có bên yêu sách nào bỗng dưng lại tuyên bố với thiên hạ rằng họ từ bỏ yêu sách chủ quyền / quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông, vì thế mới phải nhờ cơ quan tài phán phân xử.
Mặt khác, chỉ có Trung Quốc là sợ ra tòa, mà lý do tại sao thì quý vị thừa hiểu, đó là đuối lý, phi lý, vô lý hết sức trong yêu sách đường lưỡi bò và hành động của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông - PV.
Trung Quốc sẽ làm gì?
3 học giả Trung Quốc dự đoán, đầu tiên Trung Quốc chắc chắn sẽ không chấp nhận phán quyết của PCA và thậm chí gia tăng sức ép đàm phán song phương và "tìm kiếm sự ổn định trong ASEAN", nói cách khác là chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Họ lập luận: "Trung Quốc tin rằng phương tiện hiệu quả nhất để giải quyết tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng là tham vấn thân thiện và đàm phán trực tiếp giữa các bên yêu sách trực tiếp.
Năm 2006, Trung Quốc và Việt Nam đã thành công trong đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ, một thực tế có thể cung cấp hy vọng cho cách tiếp cận kép."
Đây là một kiểu đánh đồng khái niệm, mập mờ khái niệm thường thấy của các học giả Trung Quốc. Đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ đơn giản hơn nhiều so với tranh chấp ở Biển Đông, bởi lẽ tranh chấp ở vịnh Bắc Bộ tạo ra do có vùng chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS, do đó cứ theo UNCLOS mà đàm phán, hoạch định.
"Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" - Bùi Lệ Trang. |
Còn ở Biển Đông, đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, Trung Quốc đã thừa cơ cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp toàn bộ Hoàng Sa, 7 hoặc 8 thực thể ở Trường Sa gây ra tranh chấp.
Ngoài ra còn yêu sách quái gở đường lưỡi bò chẳng có căn cứ nào trong luật pháp quốc tế đòi chiếm trọn Biển Đông, chưa kể lập trường phi lý đến trịch thượng: Các bên phải chấp nhận "chủ quyền thuộc Trung Quốc" rồi đàm phán gì thì đàm phán đã đẩy mọi nỗ lực đối thoại, đàm phán song phương đi vào ngõ cụt - PV.
Thứ hai, Trung Quốc có thể công bố cái gọi là "đường cơ sở lãnh hải" ở Trường Sa, đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông và sẽ buộc máy bay dân sự bay qua phải xin phép chính quyền Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh cam kết không quân sự hóa Biển Đông, nhưng có thể tăng cường triển khai quân sự phòng thủ trên các đảo nhân tạo.
Đây là một thủ đoạn hù dọa tâm lý trẻ con, bởi lẽ Philippines không kiện thì Trung Quốc sẽ vẫn làm những việc 3 học giả này vừa kể. Họ không rảnh để đổ cả đống tiền xây 7 đảo nhân tạo khổng lồ và 3 đường băng quân sự đủ khả năng cho các loại chiến đấu cơ hiện đại của nước này cất hạ cánh.
Nay 3 vị nêu ra những thủ đoạn này là nhằm mục đích hoãn binh, dùng bánh vẽ để lừa phỉnh dư luận và các bên yêu sách rằng Trung Quốc đang rất "thiện chí". Lập luận của 3 học giả Trung Quốc chẳng khác nào cái kiểu đi cướp bát cơm trên tay kẻ khác, không ăn được cả thì "chấp nhận" chia lại cho nạn nhân một phần đã được coi là "nhân nhượng" rồi!
Thứ ba, có khả năng Trung Quốc sẽ (chấp nhận) nỗ lực thiết lập một cơ chế an ninh trên Biển Đông, bao gồm tất cả các bên liên quan cũng như các nước không có yêu sách, bao gồm Mỹ, Nhật Bản. Đầu tiên là triển khai Con đường Tơ lụa trên biển, tiếp theo là ưu tiên "thảo luận" về COC.
Tóm lại là chẳng có gì chứng tỏ Trung Quốc sẽ nhân nhượng sau phán quyết của PCA. Nếu lấy cớ PCA phán quyết "bất công" để leo thang trên thực địa mà bị "ném đá" mạnh quá thì quay sang dền dứ COC, nhưng với những hành động leo thang quân sự hóa Biển Đông hiện nay, dù có bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán thì lúc đó Trung Quốc cũng đã chiếm thế thượng phong tuyệt đối trên thực địa - PV.