Trung Quốc sẽ thành lập "Tam Sa" thứ 2 ở biển Hoa Đông?

10/09/2012 09:36
Anh Vũ (Nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo, Trung Quốc có thể tạo ra những quy hoạch về pháp lý và hành chính mới trên nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư, cũng giống như việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa phi pháp ở Biển Đông.
Có thể bạn quan tâm
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 
> Mục mới: Nóng trên mạng

Trước thông tin từ các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đã đạt được thỏa thuận với gia đình chủ đảo Senkaku/ Điếu Ngư để mua lại những hòn đảo với giá 2,05 tỷ yên (hơn 26 triệu USD), một bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu cho rằng phía Trung Quốc nên có biện pháp để chống lại các hành vi của Nhật Bản.

Nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư trong tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc - Nhật Bản.
Nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư trong tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc - Nhật Bản.

Theo bài xã luận, từ góc độ pháp lý, việc mua quần đảo này bởi chính phủ Nhật Bản tồi tệ hơn là chính quyền Tokyo. Đó là một vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh nên có hành động đáp trả.

Vấn đề tranh chấp đảo sẽ không thể được giải quyết trong một thời gian ngắn. Nếu Nhật Bản vẫn tiếp tục khiêu khích, cuộc xung đột sẽ còn đi xa hơn nữa.
Khi căng thẳng giữa hai bên tiếp tục gia tăng, vấn đề cuối cùng cũng có thể chuyển thành một cuộc xung đột quân sự, Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo, tuy nhiên việc tránh bước đường cùng này là mục tiêu của cả hai bên. Trung Quốc phải làm cho Nhật Bản nhận ra rằng bất kỳ hành động khiêu khích trong tương lai chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu rêu rao, khi chính phủ Nhật Bản tìm cách "mua" nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc có nhiều biện pháp để đối phó. Họ có thể tạo ra những quy hoạch về pháp lý và hành chính mới trên các đảo này, cũng giống như việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa phi pháp và đi kèm với nó là "khu phòng thủ Tam Sa" ở Biển Đông. 
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh có thể tăng cường đội tuần tra trên vùng biển gần nhóm đảo và các hoạt động nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nếu không có hành động đáp trả tương ứng, Bắc Kinh sẽ trở nên thụ động trong tranh chấp.
Đến nay, Trung Quốc đã rơi vào nhiều cuộc tranh chấp với các nước khác trong một thời gian khá dài. Thời báo Hoàn Cầu nhận định, tranh chấp với Nhật Bản về Senkaku/ Điếu Ngư có thể đưa đến rắc rối và tổn thất cho Trung Quốc, nhưng Nhật Bản ít nhất sẽ bị thiệt hại tương ứng.
Trong khi đó, bên lề Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 20 vừa diễn ra tại Nga, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gặp gỡ với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vào ngày Chủ Nhật và nêu rõ lập trường của Trung Quốc về quan hệ với Nhật Bản và vấn đề Senkaku/ Điếu Ngư.
Ông Đào khẳng định Trung Quốc kiên quyết phản đối những động thái như việc Nhật Bản mua các đảo một cách "bất hợp pháp". Ông cũng cho rằng, Nhật Bản phải công nhận đầy đủ sự nghiêm trọng của tình hình và không nên có các quyết định sai lầm.
Anh Vũ (Nguồn Thời báo Hoàn Cầu)