CNBC ngày 22/2 dẫn nguồn hãng thông tấn Reuters cùng ngày đưa tin, Trung Quốc gần như đã hoàn thành việc xây dựng khoảng 20 công trình trên các đảo nhân tạo bồi lấp (bất hợp pháp) ở Biển Đông có thể lắp đặt tên lửa đất đối không tầm xa.
Động thái này được Reuters xem là phép thử đầu tiên của Trung Nam Hải đối với chủ nhân Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump.
Phép thử đầu tiên
Diễn biến mới này đang đặt ra câu hỏi, Mỹ sẽ phản ứng như thế nào với Trung Quốc khi ông Trump đã cam kết sẽ theo đuổi chính sách cứng rắn với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Các quan chức quân sự Mỹ giấu tên nói với Reuters, những cấu trúc có thể lắp tên lửa đất đối không tầm xa được Trung Quốc xây dựng trên Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập, một phần của quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) mà họ đã xây dựng 3 đường băng quân sự dài.
Tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson, ảnh: Military.com. |
Những quan chức này cho rằng, có thể xem động thái mới này từ phía Bắc Kinh là một bước leo thang quân sự. Một quan chức Mỹ cho biết, các cấu trúc này dài khoảng 20 mét và cao khoảng 10 mét.
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ vẫn cam kết phi quân sự hóa Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên có những hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó tháng 12/2016, tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á công bố báo cáo cho hay, Trung Quốc dường như đã bố trí hỏa lực phòng không trên tất cả 7 đảo nhân tạo.
Nay với việc xây thêm các cấu trúc có thể lắp đặt tên lửa tầm xa, Trung Quốc sẽ mở rộng bán kính hỏa lực phòng không (bất hợp pháp) ở Trường Sa, một khi tên lửa được bố trí tại đây.
Ông Greg Poling, Giám đốc của tổ chức này đánh giá, chắc chắn động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng, người Trung Quốc đã gia tăng khả năng kiểm soát một cách liên tục trong khả năng của họ.
Hôm qua Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết, các nước ASEAN rất lo ngại trước động thái Trung Quốc lắp đặt vũ khí ở Biển Đông. Ông kêu gọi tăng cường đối thoại để ngăn chặn xu thế leo thang này.
Kiểm tra "quyết tâm chính trị"
Bàn về đề xuất của ông Tillerson: phong tỏa đảo nhân tạo ở Biển Đông |
Các quan chức tình báo Mỹ nói với Reuters, những cấu trúc mới có thể lắp đặt tên lửa phòng không tầm xa không tạo ra mối đe dọa đáng kể về mặt quân sự cho Mỹ.
Động thái này dường như được lên kế hoạch để đo lường "quyết tâm chính trị" của chính quyền Donald Trump trong vấn đề Biển Đông.
Chas Freeman, một chuyên gia về Trung Quốc và là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, động thái này từ Trung Quốc sẽ không dẫn đến một sự leo thang quân sự trong khu vực.
Ông cũng không xem đây là tín hiệu Bắc Kinh muốn nhắm vào Washington, vì đơn giản Mỹ không có yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa.
Nhưng động thái này hoàn toàn có thể mang một thông điệp củng cố yêu sách (phi lý, phi pháp) của Trung Quốc trước các nước khác trong khu vực.
Nếu có đối tượng Trung Quốc hướng đến trong việc tạo ra các cấu trúc lắp đặt tên lửa phòng không tầm xa ở đảo nhân tạo, thì đó sẽ là Việt Nam, Philippines hoặc Malaysia, ông Chas Freeman lưu ý. [1]
"Trì cửu chiến"
Cá nhân người viết cho rằng, nếu thông tin Trung Quốc xây hơn 20 bệ phóng tên lửa đất đối không tầm xa trên 3 đảo nhân tạo mà Reuters nêu là đúng, thì mục đích thăm dò phản ứng của Nhà Trắng chỉ là phụ.
Mục đích chính của Trung Nam Hải trong việc này là tiếp tục thực hiện một bước leo thang mới, nâng cao khả năng kiểm soát quân sự ở vùng biển Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp, tăng khả năng răn đe quân sự với các nước trong khu vực.
Đây là một phần của chiến thuật "tằm ăn dâu" họ vẫn áp dụng ở Biển Đông từ năm 2013 đến nay.
Người viết đồng tình với nhận định của ông Chas Freeman, mục đích của việc quân sự hóa các đảo nhân tạo này đối với các nước ven Biển Đông là chính.
Còn với Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ áp dụng chiến thuật "trì cửu chiến" mà Mao Trạch Đông đưa ra, không khiêu khích trực diện để tạo ra xung đột quân sự với Hoa Kỳ, mà tìm cách gia cố ảnh hưởng, lấn dần từng bước, chờ thời cơ.
Mao Trạch Đông đã tóm tắt phương châm "trì cửu chiến" này vào trong 16 chữ: địch tiến ta lùi, địch dừng ta quấy, địch mệt ta đánh, địch rút ta đuổi.
Với tương quan lực lượng quân sự Trung - Mỹ hiện nay trên Biển Đông, có lẽ Bắc Kinh không dám mạo hiểm tiến hành một cuộc chiến tranh quy ước với người Mỹ.
Tàu sân bay Liêu Ninh dù đã được Trung Quốc kéo xuống Biển Đông tập trận, nhưng có lẽ để "trình diễn" cho các nước trong khu vực xem là chính. Người Trung Quốc thừa hiểu giá trị của chiến hạm này trong mắt người Mỹ.
Ngay từ ngày 12/2, Lầu Năm Góc đã tiết lộ kế hoạch điều cụm tàu sâm bay tấn công USS Carl Vinson tuần tra Biển Đông, Trung Quốc đã nắm được. [2]
Ngày 17/2, truyền thông Trung Quốc tuyên bố hải quân nước này vừa kết thúc 1 tuần tập trận ở Biển Đông, 3 chiến hạm tham gia tập trận chia 2 cánh rời vùng biển này ra Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thực hiện nhiệm vụ khác.
Ngày 18/2 cụm tàu sân bay tấn công của Mỹ tiến vào Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, ảnh: AP. |
Và cho đến ngày hôm qua 21/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới lên tiếng "bóng gió" phản đối cuộc tuần tra của USS Carl Vinson ở Biển Đông mà không chỉ đích danh, lời lẽ của Bắc Kinh cũng "ôn hòa" chứ không gay gắt như những lần trước.
Như vậy, phải chăng Trung Quốc vừa đạt được mục đích răn đe, mà người Mỹ cũng không lo mất thể diện trước đồng minh, đối tác trong khu vực?
Những dấu hiệu này khiến người viết đặt câu hỏi, phải chăng Trung Nam Hải và Tòa Bạch Ốc đã có một thỏa thuận nào đó về việc tránh một cuộc chạm trán trực diện ở Biển Đông?
Phải chăng cả Bắc Kinh và Washington đang cùng trình diễn vở kịch của mình trên Biển Đông trước sự lo lắng, hoang mang của khu vực?
Thái độ và phản ứng của chính quyền Donald Trump với các hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Nhưng những hành động từng bước củng cố khả năng răn đe quân sự với khu vực mà Bắc Kinh âm thầm làm vẫn đang diễn ra mà không vấp phải lực cản nào từ Mỹ.
Tài liệu tham khảo: