Giàn khoan 981 Trung Quốc. Hình minh họa. |
Interfax Energy ngày 11/6 đưa tin, một quan chức tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) nói với hãng tin này, họ có kế hoạch khoan 119 giếng ở vùng biển phía Tây Biển Đông trong 15 năm tới nhằm khai thác 422 tỉ mét khối khí đốt đã được chứng minh ở khu vực này trong giai đoạn 2014-2030.
CNOOC đã tìm thấy 136 tỉ mét khối khí đốt trữ lượng đã được chứng minh từ năm 2013, Vương Chấn Phong - Phó Tổng giám đốc CNOOC chi nhánh Trạm Giang nói với Interfax Energy bên lề hội nghị hải dương Trung Quốc lần thứ 11 tại Thâm Quyến hôm qua. CNOOC đặt mục tiêu sản xuất 10 đến 12 tỉ mét khối khí ở phía Tây Biển Đông đến năm 2020.
Vương Chấn Phong thừa nhận giá dầu thấp sẽ hạn chế nguồn vốn ngân sách của CNOOC, nhưng vẫn giữ nguyên "quyết tâm" để đầu tư cho các dự án trọng điểm vùng nước sâu "phía Tây" Biển Đông, cung cấp khí đốt cho 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam.
Năm nay CNOOC sẽ khoan 5 giếng ở "phía Tây" Biển Đông với giá 48 triệu USD mỗi giếng, 2 trong số đó nằm trong khu vực cái gọi là "giếng Lăng Thủy 25-1" và 2 mỏ khác nằm ở cái gọi là "giếng Lăng Thủy 18-1". CNOOC sẽ mời các đối tác nước ngoài đấu thầu các lô dầu khí này.
Cho đến nay CNOOC đã khoan 9 giếng độc lập ở "phía Tây" Biển Đông và ca ngợi sự thành công của "giếng Lăng Thủy 17-2-1". Biển Đông với niềm tin rộng rãi rằng đang có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn đã trở thành một điểm nóng căng thẳng trong khu vực giữa Trung Quốc (nhảy vào tranh chấp) với một số quốc gia Đông Nam Á.
Bắc Kinh đã cố gắng củng cố yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ thông qua việc bồi lấp, xây dựng (và quân sự hóa bất hợp pháp) các đảo nhân tạo ở Biển Đông với một dự án xây dựng khổng lồ trong vòng 18 tháng qua. Interfax Energy lưu ý, hiện chưa rõ các giếng dầu mới theo kế hoạch của CNOOC có phải nằm trong vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp với Việt Nam hay không.
Vương Chấn Phong nói rằng Việt Nam rất thận trọng khi làm việc với Trung Quốc và rất khó để 2 nước đạt được một thỏa thuận về khai thác chung tại các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp. CNOOC đã cắm giàn khoan nước sâu 981 của nó một cách bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam mùa hè năm ngoái.
Động thái này đã gây ra một cuộc bế tắc trên biển giữa các lực lượng chức năng trên biển của Trung Quốc và Việt Nam kéo dài vài tuần trước khi giàn khoan 981 phải rút về Hải Nam. Vương Chấn Phong từ chối cho biết liệu giàn khoan 981 có trở lại khu vực này hay không, nhưng nó sẽ được điều đến khu vực cái gọi là "giếng Lăng Thủy 25-1" vào mùa hè này.
CNOOC thấy rằng khoan ở "Lăng Thủy 25-1" dễ dàng hơn so với "Lăng Thủy 17-2" và dự kiến sẽ báo cáo chính phủ Trung Quốc trữ lượng ở "Lăng Thủy 25-1" vào cuối năm nay với khoảng 50 tỉ mét khối với 70% có khả năng khai thác. Trữ lượng dự kiến của mỏ "Lăng Thủy 17-2" là trên 100 tỉ mét khối dự kiến sẽ được đưa vào khai thác năm 2020 với sản lượng mục tiêu 1,5 đến 2,5 tỉ mét khối/năm đến 2020 và tăng lên 7,5 đến 10 tỉ mét khối/năm đến 2030.